Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 02:08

Thứ ba, 07/05/2024 | 02:08

Đo lường - NSCL

Cập nhật lúc 10:07 ngày 10/08/2023

Bộ Công Thương tích cực triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì, tham gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện có hiệu quả lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng kế hoạch hành động năm 2024.
Những chuyển biến tích cực
Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì, tham gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngành Công Thương. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cũng như nghiên cứu rà soát để đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã thực hiện đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm,... Đồng thời, rà soát Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và Danh mục sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, phê duyệt Quyết định số 891/QĐ-BCT ngày 12/4/2023 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung thay thế Thông tư số 33/2017/TT-BCT đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro hàng hoá.
Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ KH&CN đóng góp nhiều ý kiến đối với các chương trình, kế hoạch, dự thảo Luật, dự thảo Thông tư do Bộ KH&CN chủ trì
Bộ Công Thương cũng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số văn bản như: Thông tư số 36/2019/TT-BCT; Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg. Đồng thời, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) góp ý đối với các chương trình, kế hoạch, dự thảo Luật, dự thảo Thông tư do Bộ KH&CN chủ trì, điển hình như: ý kiến xây dựng Kế hoạch phát triển đo lường quốc gia đến năm 2035; góp ý hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết việc xác định giá trị sản phẩm, hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ,...
Đối với việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành các tổ chức áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, đề nghị Bộ KH&CN thẩm định, công bố thêm 13 dự thảo TCVN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, bao gồm 7 TCVN về thuốc lá, nguyên liệu và sản phẩm thuốc lá, 06 TCVN về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đồng thời, Bộ Công Thương đã tổ chức thẩm tra các dự thảo TCVN thuộc lĩnh vực sành sứ, thuỷ tinh, cơ khí theo kế hoạch xây dựng TCVN và gửi Bộ KH&CN thẩm định.
Ngoài ra, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành 13 QCVN phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và thực hiện đăng ký QCVN sau khi ban hành gửi Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp và hoá chất,... Cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện QCVN dưới các hình thức như trả lời qua email, điện thoại, tham gia phổ biến tại các hội nghị do các Sở Công Thương tổ chức.
Đối với hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá (SPHH) trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành nhiều thông báo kiểm tra nhà nước đối với hàng hoá nhập khẩu và các sản phẩm tiền chất, vật liệu nổ công nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chất lượng lưu thông trên thị trường (hậu kiểm).
Nhìn chung, số lượng các cá nhân, tổ chức vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Qua hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm pháp luật nhằm hạn hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường các hàng hoá vi phạm so với trước đây.
Bộ Công Thương chú trọng công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá. (Ảnh: bnews.vn)
Ý thức chấp hành luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá ngày càng được nâng cao. Tổng cục QLTT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các trung tâm thương mại, ban quản lý chợ và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn, đo lường theo quy định
Đối với hoạt động quản lý, áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, Bộ Công Thương đã tiến hàng khảo sát nhu cầu quản lý và triển khai truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá ngành Công Thương, trên cơ sở đó xây dựng Báo cáo khả thi Cổng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm, hàng hoá ngành Công Thương. Đồng thời, triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại” (iTrace247) nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hệ thống iTrace247, hỗ trợ xuất khẩu lưu thông hàng hoá cho các địa phương như Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã tổ chức Đào tạo tập huấn ứng dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Đồng Tháp, Hậu Giang nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về truy xuất nguồn gốc trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là bước tiến quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng.
Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021-2030, ngày 31/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1110/QĐ-BCT phê duyệt chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định số 1322/QĐ-TTg đối với ngành Công Thương.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá toàn ngành, Bộ Công Thương đã chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ trong các chiến lược, kế hoạch phát triển, tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy năng suất, chất lượng được triển khai đồng thời trong các chương trình, đề án hiện có của Bộ Công Thương trong các lĩnh vực: phát triển công nghiệp, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, khuyến công,...
Kế hoạch hoạt động năm 2024
Để giải quyết những tồn tại, vướng mắc cũng như phát huy hiệu quả các kết quả đã đạt được, trong năm 2024 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xây dựng, thực thi cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Trong đó, chú trọng việc đề xuất, góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuân thủ cam kết của hiệp định TBT về nghĩa vụ minh bạch hàng hoá; Tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình đề án quốc gia. 
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN ngành Công Thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hoá cho chuyển đổi số, sản xuất thông minh, dịch vụ công minh.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó chú trọng tới hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Riêng đối với công tác quản lý chất lượng, Bộ Công Thương sẽ lập kế hoạch và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đo lường chất lượng đối với sản phẩm hàng hoá sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, năm 2024, Bộ Công Thương cũng dự kiến đào tạo 7 khóa tập huấn ứng dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ 500 doanh nghiệp sử dụng hệ thống iTrace247; đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại; Xây dựng, vận hành hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm hàng hoá theo thẩm quyền.
Dự kiến năm 2024, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số QCVN phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, gồm:
- QCVN sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường ống dẫn khí đốt bằng kim loại;
- QCVN về an toàn Thuốc nổ nhũ tương tạo biên dùng cho lộ thiên và mỏ hầm lò, công trình ngầm không có khí nổ;
- QCVN về an toàn Kíp nổ điện tử;
- QCVN về an toàn Thuốc nổ Octogen (HMX);
- QCVN về an toàn Thuốc nổ Pentrit;
- QCVN về an toàn Kíp nổ vi sai an toàn Carrick-8;
- QCVN về an toàn sản phẩm VLNCN - Kíp nổ vi sai phi điện xuống lỗ;
- QCVN an toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp - Dây dẫn tín hiệu nổ;
- QCVN an toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp - Kíp nổ vi sai phi điện trên mặt dùng cho lộ thiên, mỏ hầm lò, công trình ngầm không có khí bụi nổ;
- QCVN an toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp - Kíp nổ vi sai phi điện dùng cho mỏ hầm lò/ đường hầm không có khí bụi nổ;
- QCVN về an toàn đối với cáp điện phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò;
- QCVN về an toàn đối với động cơ điện phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò
Tố Uyên
lên đầu trang