Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:01

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:01

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 09:32 ngày 11/08/2023

Thu thập, đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu

Một trong những chiến lược quan trọng để phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia là việc lưu giữ và di truyền thực vật. Tài nguyên di truyền thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp vật liệu ban đầu để lai tạo ra giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong 25 nước có mức đa dạng sinh học cao nhất thế giới, ước tính có khoảng 20.000 – 30.000 loài thực vật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự tăng dân số, nhu cầu lương thực và các nhu cầu khác ngày càng cao dẫn đến khai thác rừng và các nguồn tài nguyên khác quá mức. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh và sự phát triển nhanh của các giống cây trồng mới có năng suất cao dẫn đến nguồn tài nguyên di truyền ở nhiều vùng sinh thái đã suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng nơi có điều kiện canh tác thuận lợi, mật độ dân số cao, điều kiện kinh tế phát triển, nông dân có trình độ cao để tiếp thu và đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cây trồng mới. 
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ “Thu thập, đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu”. Mục tiêu của nhiệm vụ là làm đa dạng nguồn gen, bổ sung nguồn vật liệu khởi đầu cho công tác chọn tạo giống các cây nguyên liệu dầu phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, đánh giá và tư liệu hóa nguồn gen nhằm phục vụ cho bảo tồn nguồn gen cũng như cung cấp các thông tin về các nguồn gen để phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ do ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư làm chủ nhiệm.
Các mẫu cây lạc, vừng được theo dõi các đặc tính nông sinh học, năng suất và chất lượng. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu)
Triển khai nhiệm vụ, nhóm tác giả đã lựa chọn vật liệu nghiên cứu bao gồm: 7 mẫu giống Jatropha thu thập ở Mexico và Indonesia đang trồng bảo tồn trên đồng ruộng tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh; 4 mẫu giống lạc, 3 mẫu giống vừng, 3 mẫu giống đậu tương thu thập từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và các địa phương tại Việt Nam đang được lưu giữ và bảo tồn trong kho lạnh tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh; 1 mẫu giống lạc, 1 mẫu giống vừng và 1 mẫu giống đậu tương được thu thập trong năm 2022.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ tháng 6/2022 - 6/2023, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập bổ sung các giống cây nguyên liệu dầu thông qua phương pháp điều tra và thu thập số liệu. Từ đó, đánh giá nguồn gen dựa trên các quyết định và tiêu chuẩn đã được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Thu thập, đánh giá nguồn gen cây đậu tương. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu)
Kết quả, nhóm tác giả đã thu thập bổ sung nguồn gen được 01 mẫu giống lạc VG7 từ Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, năng suất thực thu đạt 3,24 tấn/ha, hàm lượng dầu 52,91%; 01 mẫu giống vừng VS6 từ thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, năng suất thực thu đạt 1,31 tấn/ha, hàm lượng dầu 49,09%; 01 mẫu giống đậu tương VSO5 từ xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, năng suất thực thu 2,92 tấn/ha, hàm lượng dầu đạt 21,44%.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, các giống mới thu thập hiện đang được bảo quản trong kho lạnh tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng với khối lượng 300g mỗi mẫu đối với các giống lạc và đậu tương, 100g đối với các giống vừng.
Cũng trong khuôn khổ nhiệm vụ được giao, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh đánh giá sơ bộ và chi tiết cho 5 mẫu giống lạc (VG7, ICG 6033, HQ2006–5, HQ07–2, HQ07–4). Năng suất thực thu của 5 giống lạc đạt 1,96 – 3,24 tấn/ha, hàm lượng dầu từ 43,25 – 52,91%; đánh giá sơ bộ và chi tiết cho 4 mẫu giống vừng (VS6, HQ6, MTĐ 45, TQ6) đã thu thập từ 2009 – 2012. Năng suất thực thu của 4 giống vừng đạt 1,18 – 1,31 tấn/ha, hàm lượng dầu đạt 43,18 - 49,49%; Đánh giá sơ bộ và chi tiết 4 mẫu giống đậu tương (VSO5, KKU–H1, KKU–M1, MTĐ455). Năng suất thực thu của 4 giống đậu tương đạt 1,78 – 2,92 tấn/ha, hàm lượng dầu đạt 19,77 - 22,64%; đánh giá sơ bộ và chi tiết 7 mẫu giống jatropha (J 08–55, J 08–56, J 08–57, J 08–58, J 08–59, J 08–60, J 08–61) đang bảo tồn và lưu giữ tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh. Đáng chú ý, sau 6 năm trồng, năng suất trung bình các giống jatropha đạt 2.082,5–3.270,8 kg/ha, hàm lượng dầu 29,0–30,5%, chống chịu hạn khá. 
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn thực hiện đánh giá sơ bộ và chi tiết, xây dựng cơ sở dữ liệu cho 5 mẫu giống lạc (46 chỉ tiêu); 4 mẫu giống vừng (60 chỉ tiêu); 4 mẫu giống đậu tương (46 chỉ tiêu); 7 mẫu giống jatropha (J 08–55, J 08–56, J 08–57, J 08–58, J 08–59, J 08–60, J 08–61) (38 chỉ tiêu) có năng suất cao, hàm lượng dầu cao theo Quyết định số 9796a/QĐ–BCT ngày 20/12/2013 của Bộ Công Thương về danh mục các chỉ tiêu đánh giá nguồn gen thuộc nhiệm vụ quỹ gen cấp Bộ. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu bằng hình ảnh (hoa, quả, hạt, cây) cho 20 mẫu giống lạc, vừng, đậu tương, jatropha. 
Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, làm vật liệu khởi đầu trong chọn tạo giống mới, trong năm 2024, nhóm tác giả mong muốn tiếp tục đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu 20 nguồn gen cây nguyên liệu dầu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình đánh giá nguồn gen góp phần xác định chính xác sự khác biệt ở mức độ phân tử của các nguồn gen được thu thập, phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác sử dụng làm vật liệu khởi đầu cho các nghiên cứu tiếp theo. 
Tính đến hết năm 2022, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thu thập, đánh giá và bảo tồn 518 nguồn gen cây nguyên liệu dầu, trong đó gồm có 51 mẫu giống cây dừa, 3 mẫu giống cây phi long, 86 mẫu giống cây jatropha, 177 mẫu giống lạc, 91 mẫu giống vừng, 110 mẫu giống đậu tương. Các nguồn gen cây có dầu dài ngày (dừa, phi long, jatropha) đang bảo quản trên đồng ruộng tại Trung tâm Dừa Đồng Gò (Bến Tre) và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng (Tây Ninh). Các nguồn gen cây có dầu ngắn ngày (lạc, vừng, đậu tương) đang bảo quản trong kho lạnh trung hạn tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Một số nguồn gen đã được đưa vào khai thác và phục vụ hiệu quả trong sản xuất.
Minh Khuê
lên đầu trang