Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:36

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:36

Chính sách

Cập nhật lúc 17:31 ngày 26/06/2023

Bộ Công Thương đề xuất cơ chế mới cho phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng

Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Lắp điện mặt trời mái nhà được đơn giản hóa thủ tục, miễn/giảm thuế phí, vay vốn với lãi suất ưu đãi
Dự thảo nêu rõ, Quyết định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Quyết định này không điều chỉnh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Theo đó, tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VIII).
Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng
Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.
Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thoả thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt trước đây đáp ứng điều kiện là đối tượng của Quyết định này thì được áp dụng quy định này.
Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Dự thảo Quyết định cũng phân công rõ trách nhiệm thi hành của các cơ quan có liên quan như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Cơ chế mới chỉ áp dụng với các dự án điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác
Huy động nguồn lực xã hội phát triển điện mặt trời, góp phần thực hiện Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.
Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1 - 291,5 tỷ kWh.
Trong đó, ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Các chuyên gia nhận định, Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng nước ta, và đó là một không gian rất hấp dẫn.
Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, trước đây, Nhà nước tập trung đầu tư vào các dự án nguồn điện, lưới điện để cung cấp điện đến các hộ tiêu dùng. Còn với Quy hoạch điện VIII, Nhà nước khuyến khích các hộ tiêu dùng tự sản xuất và tự tiêu thụ điện.
"Việt Nam có 26 triệu hộ gia đình, chúng ta đặt mục tiêu 50% các hộ có sử dụng điện mặt trời mái nhà nối lưới, vậy ví dụ ngành Điện có thể cung cấp cho 13 triệu hộ gia đình, thì một thị trường lớn là 13 triệu hộ gia đình còn lại ngành Điện sẽ chuyển từ dịch vụ bán điện sang tư vấn đầu tư, lắp đặt thiết bị. Các doanh nghiệp chế tạo thiết bị điện cần cân nhắc về chiến lược đầu tư sản xuất kinh doanh, nhanh chóng đón đầu xu hướng của thị trường hấp dẫn này", PGS.TS.Trần Văn Bình - Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, cho rằng vấn đề chất lượng của thiết bị sẽ quyết định “thành bại” đối với toàn bộ chiến lược phát triển điện mặt trời.
Dù đánh giá Quy hoạch sẽ thiết lập một khái niệm mới, mở rộng hơn cho ngành năng lượng của Việt Nam, chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, với những mục tiêu tham vọng như vậy, sẽ có nhiều thách thức đặt ra cho quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII trong thực tế, mà một trong số đó là vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch.
Việc có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ thúc đẩy huy động nguồn lực xã hội, góp phần giảm bớt áp lực huy động tài chính cho Nhà nước, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII đặt ra.
Theo Tạp chí Công Thương
lên đầu trang