Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:49

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:49

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 16:46 ngày 22/09/2023

Nghiên cứu chọn tạo giống Bạch đàn năng suất cao phục vụ ngành công nghiệp giấy

Nghiên cứu đóng vai trò quan trọng để phục vụ cho trồng rừng sản xuất nói chung, rừng nguyên liệu giấy nói riêng, cũng như góp phần mở rộng sản xuất ngành giấy Việt Nam.
Muốn kinh doanh cây nguyên liệu giấy đạt hiệu quả cao thì chọn tạo giống là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây gỗ. Để có được giống cây tốt, ngoài tuyển chọn các giống thích hợp, thì việc nghiên cứu tạo ra những giống mới có các đặc tính mong muốn và các biện pháp nhân giống, sản xuất các giống đó với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu trồng rừng là rất cần thiết.
Trên thực tế năng suất trồng rừng nguyên liệu giấy ở nước ta hiện nay vẫn còn thấp so với các nước khác, chất lượng rừng cũng không cao. Điều này, làm giảm hiệu quả kinh tế kinh doanh rừng trồng nguyên liệu giấy. Do đó, Bộ Công Thương đã giao Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống Bạch đàn năng suất cao phục vụ ngành công nghiệp giấy”. Đề tài cho Th.S Hoàng Ngọc Hải làm chủ nhiệm.
Kết quả của đề tài là chọn được 3 dòng Bạch đàn E28, E15 và TC2 sinh trưởng và phát triển tốt, hình thái thân cây đẹp, không bị sâu, bệnh, năng suất bình quân đạt 20 - 26 m3/ha/năm, vượt trội so với giống đối chứng đang trồng sản xuất đại trà hiện nay (PNCTIV, PNCT3) từ 12 - 52%.
Dòng E15 là một trong 3 giống bạch đàn do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy nghiên cứu chọn tạo (Ảnh: Báo Công Thương)
Tiến hành nghiên cứu tại các vùng sinh thái, nhóm tác giả đã thu thập các nguồn vật liệu để khảo nghiệm. Theo đó, tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, nhóm đã lựa chọn được 1 dòng bạch đàn TC2 cho sinh trưởng tốt, với năng suất vượt đối chứng 30%, đạt được tỷ trọng gỗ, kích thước xơ sợi và hàm lượng xenlulô có hàm lượng bột giấy đạt yêu cầu; tại Bình Dương và Quảng Trị, nhóm đã lựa chọn được giống bạch đàn mới là E15 và E28. Theo đánh giá, cả 3 dòng bạch đàn mới chọn lọc đều sinh trưởng tốt ở tất cả các điểm khảo nghiệm. 
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hải cho biết, để đạt được mục tiêu nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã kế thừa các kết quả nghiên cứu và sử dụng các vật liệu di truyền của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, các vật liệu cây trội của Viện nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy đã chọn tạo trước đây, ngoài ra trồng thêm một số giống bạch đàn mới để khảo nghiệm nhằm chọn ra các giống có khả năng thích nghi, sinh trưởng nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn xenlulô phù hợp cho trồng rừng nguyên liệu giấy ở các vùng sinh thái như Đông Bắc bộ, Đông Nam bộ và vùng Trung bộ.
Nhóm nghiên cứu thực hiện trồng rừng bằng cây con tạo từ giâm hom và nuôi cấy mô. Mật độ trồng 1667 cây/ha (cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m). Xử lý thực bì toàn diện. Kích thước hố: 40 cm x 40 cm x 40 cm, hố được cuốc theo phương pháp thủ công. Nhóm sử dụng phân bón NPK 10.5.5: 500 g/cây (bón lót 300 g, bón thúc 200 g) ở Bắc Giang. Năm đầu tiên nhóm thực hiện chăm sóc 3 lần/năm, năm thứ 2 giảm xuống còn 2 lần, năm thứ 3 chăm sóc 1 lần/ năm”, Th.S Hoàng Ngọc Hải cho biết thêm.
Đánh giá thực địa giống bạch đàn TC2 (Ảnh: Báo Công Thương)
Kết quả, sau trồng 45 tháng tuổi cây giống có tỷ lệ sống bình quân khá cao (trên 83%). Điều này chứng tỏ dòng bạch đàn được lựa chọn có khả năng thích nghi tốt tại Bắc Giang. Mặc dù điểm thí nghiệm tại Bắc Giang đã qua nhiều chu kỳ kinh doanh bạch đàn, đất ở đây đã bị thoái hóa mạnh, nhưng mới chỉ 45 tháng tuổi, nhận thấy dòng E15, E28 và TC2 đã đạt năng suất từ 20-26 m3/ha/năm, vượt hơn đối chứng PNCT3, PNCTIV (trung bình 3 dòng vượt từ 28-33%, riêng dòng TC2 vượt đối chứng 46 – 52%). Hiện tại cây sinh trưởng khỏe mạnh, không bị sâu, bệnh.
Bạch đàn trong khảo nghiệm này 100% cây đều thẳng, xanh tốt, dòng E28, E15, TC2 cho chất lượng thân cây tốt, hình thái đẹp, cành nhánh nhỏ, tán cân đối hình tháp, sinh trưởng đồng đều, đẹp hơn đối chứng PNCTIV và PNCT3. Trong quá trình theo dõi đến năm 2021, chưa phát hiện sâu, bệnh hại đối với những dòng này.
Nhờ những ưu điểm vượt trội, dòng bạch đàn TC2, E15 và E28 do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy chọn tạo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới tại Quyết định số 1734/QĐ-BNN-TCLN ngày 23/4/2021. Đây là các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, cần được phát triển nhanh để phục vụ cho trồng rừng sản xuất nói chung, rừng nguyên liệu giấy nói riêng, góp phần đa dạng giống cây trồng rừng. 
Với đặc thù của đơn vị là phục vụ ngành công nghiệp giấy, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy luôn ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp mới đáp ứng mục đích kinh doanh của ngành, hay công nghệ nhân giống hiện đại  như nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống, đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống trồng rừng của ngành giấy, cũng như của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Chỉ 5 năm (giai đoạn 2015 – 2020), Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy đã tiến hành 21 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 16 đề tài và 2 dự án cấp Bộ, 1 dự án cấp tỉnh Phú Thọ, 1 đề tài cấp Tổng công ty. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ đều tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của Viện, như chọn tạo giống mới bạch đàn và keo; nhân các giống mới bằng phương pháp nuôi cấy mô để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất; các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phòng trừ sâu bệnh hại, nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng cung cấp gỗ và nguyên liệu giấy.
Tố Uyên

lên đầu trang