Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:07

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:07

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:17 ngày 09/10/2023

Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối có trung tính nối đất trực tiếp

Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm nâng cao độ tin cậy, đảm bảo hệ thống phân phối lớn vận hành ổn định, có thể triển khai tự động hóa theo đặc thù địa lý cũng như lưới điện của từng vùng miền.
Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi ngành điện nói chung và các tổng công ty điện lực nói riêng phải thay đổi theo hướng tự động hoá mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Chính vì vậy, nhiều mô hình, nhiều công nghệ tự động hoá đang được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn và làm chủ công nghệ tự động hoá nào để phục vụ quản lý, vận hành cho lưới điện phân phối là việc làm không hề đơn giản.
Do đó, các chuyên gia tại Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối có trung tính nối đất trực tiếp” để nâng cao độ tin cậy, đảm bảo hệ thống phân phối lớn vận hành ổn định. Đây là đề tài cấp Tập đoàn do TS. Phạm Quốc Bảo làm chủ nhiệm
Đề tài nghiên cứu đặt ra những mục tiêu như: nghiên cứu công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối của thế giới và Việt Nam; đề xuất mô hình, lựa chọn và làm chủ công nghệ tự động hoá phù hợp để áp dụng cho lưới điện phân phối 22kV tại Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chính Minh; đề xuất đánh giá mở rộng việc áp dụng tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Khảo sát đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện hữu và công nghệ đang áp dụng trên lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn/)
Tiến hành nghiên cứu, nhóm tác giả tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện hữu và công nghệ đang áp dụng trên lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, lựa chọn và đề xuất mô hình tự động hóa phù hợp để áp dụng cho lưới điện phân phối 22kV tại Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết bị nhất thứ, nhị thứ cần thiết để triển khai tự động hóa lưới điện phân phối 22kV tại EVNHCMC; Nghiên cứu xây dựng hạ tầng viễn thông dùng riêng phù hợp cho việc triển khai tự động hóa lưới điện phân phối 22kV tại EVNHCMC; Nghiên cứu làm chủ công nghệ phần mềm triển khai tự động hóa lưới điện 22kV tại Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu, áp dụng tại Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia tiến hành khảo sát nghiên cứu, đề xuất khả năng áp dụng công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối 22kV cho các Tổng công ty Điện lực khác trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình mô phỏng nguyên lý hoạt động của hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối 22kV; xây dựng các quy trình, quy định trong quản lý vận hành hệ thống tự động hóa lưới phân phối 22kV; cũng như đề xuất xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng việc triển khai và quản lý, vận hành hệ thống tự động hóa lưới điện 22kV.
Trung tâm điều khiển xa, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: nhandan.vn)
Kết quả, đề tài đã nghiên cứu xây dựng thành công mô hình mô phỏng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối 22k, bao gồm các thành phần cơ bản như: Phần thiết bị nhất thứ, nhị thứ: Máy cắt đầu nguồn (Relay), thiết bị đóng cắt có chức năng SCADA (Recloser, LBS, RMU); Phần truyền thông: thiết bị VTDR (Modem, Switch quang, …), cáp kết nối; Hệ thống trung tâm: máy tính và phần mềm DMS/DAS đã cấu hình dữ liệu phù hợp với mô hình mô phỏng thử nghiệm; Các thiết bị giả lập các trường hợp sự cố (dòng điện, điện áp); Các thiết bị phụ trợ khác: nguồn AC, accu, UPS, laptop được cài đặt các phần mềm quản lý giao tiếp relay, tủ điều khiển Recloser, LBS, RMU thích hợp.
Ngoài ra, nhóm tác giả đã xây dựng hoàn thiện Dự thảo các quy trình, quy định trong công tác quản lý, vận hành, bảo trì bảo dưỡng và phối hợp xử lý sự cố hệ thống tự động hóa. Và Dự thảo chương trình đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực phát triển và quản lý vận hành hệ thống tự động hóa.
Thành công của đề tài nghiên cứu đã giúp ngành điện nói chung và Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chủ động trong việc làm chủ công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối 22kV, hạn chế sự phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài (tiết kiệm về mặt tài chính, đầu tư). Góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ngành điện. Đồng thời, nâng cao thứ hạng về chỉ số tiếp cận điện năng; đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao có yêu cầu khắt khe về chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất nhằm hỗ trợ cho các tổng công ty điện lực hoàn thiện lưới điện 22kV để triển khai tự động hoá theo đặc thù địa lý cũng như lưới điện của từng vùng miền.
Tự động hóa là một cấu phần quan trọng trong việc triển khai đề án xây dựng Lưới điện thông minh mà EVNHCMC đã bắt đầu thiết lập từ năm 2011. Đối với lưới điện trung áp 22kV, EVNHCMC đang vận hành điều khiển xa 64 trạm ngắt và 1.062 tuyến dây. Các tuyến dây đều được phân đoạn và giao liên với nhau bằng thiết bị đóng cắt có chức năng SCADA để có thể thao tác điều khiển xa khi cần thiết. Đặc biệt, 60% các tuyến dây trung áp 22kV nói trên đang được vận hành tự động hóa DAS/DMS hoàn toàn và có khả năng tự động cô lập khu vực sự cố và cung cấp điện lại cho các khu vực khác trong khoảng thời gian 1-2 phút.
EVNHCMC đã cơ bản hoàn thành công tác tự động hóa lưới điện, góp phần giúp ngành điện Việt Nam đạt được 8/8 điểm quản lý kỹ thuật do tổ chức Doing Business chấm điểm tiếp cận điện năng và 4/4 điểm cho lĩnh vực giám sát điều khiển do Tập đoàn điện lực Singapore chấm điểm Lưới điện thông minh.
Tố Uyên

lên đầu trang