Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 11:46

Thứ ba, 30/04/2024 | 11:46

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:19 ngày 08/11/2023

Đào tạo nhân lực ngành an toàn thực phẩm cần bám sát thực tiễn địa phương

Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp xây dựng hệ thống đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) trong khuôn khổ dự án SAFEGRO.
Hội thảo “Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm” ngày 7/11 đánh dấu một nửa chặng đường của Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Chính phủ Canada viện trợ không hoàn lại, giao cho Bộ NN-PTNT triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Hội thảo nhằm xác định các hạn chế trong công tác đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp hỗ trợ Dự án SAFEGRO trong thời gian tới. 
Hội thảo “Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm” ngày 7/11 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi.
Với sự tham gia của đại diện từ Đại sứ quán Canada, các cơ quan liên quan về nguy cơ an toàn thực phẩm trong ngành y tế, công thương, nông nghiệp cùng các viện trường, Hội thảo là buổi chia sẻ cởi mở về kinh nghiệm trong nước, quốc tế về đánh giá nguy cơ ATTP.
Mục tiêu cải thiện chất lượng thực phẩm
Dự án SAFEGRO có 3 hợp phần chính nhằm cải thiện toàn diện lĩnh vực ATTP tại Việt Nam: Hỗ trợ xây dựng chính sách; nâng cao năng lực cộng đồng, thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo thị trường nông sản an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý.
Vừa qua, đoàn các cán bộ quản lý ATTP đã trao đổi kinh nghiệm tại Trung Quốc - quốc gia có hệ thống ATTP vững mạnh. Sau chuyến đi, đoàn công tác hiểu hơn vai trò của khối tư nhân, hệ thống quản lý nguy cơ, đặc biệt trong thương mại và sức khỏe cộng đồng. Đại diện dự án SAFEGRO nhấn mạnh vai trò vĩ mô của một Trung tâm đánh giá rủi ro ATTP quốc gia tại Trung Quốc.
Chuyên gia Canada: Chúng tôi cần những đề xuất rất cụ thể từ Việt Nam để tiếp tục triển khai Dự án SAFEGRO. Ảnh: Quỳnh Chi.
Ông Brian Bedard, Giám đốc An toàn Thực phẩm và Sức khỏe động vật (Alinea International) nhấn mạnh, công tác đánh giá nguy cơ ATTP là chìa khóa để triển khai truyền thông hiệu quả. Ông chia sẻ: “Tôi có niềm tin rằng khung pháp lý hiện tại của Việt Nam tạo điều kiện cho quản lý ATTP bài bản. Dường như xuất phát điểm của hợp tác Canada - Việt Nam là từ nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm tới thực phẩm sạch”.
Ông Bedard đề xuất các Bộ, ngành có các ý kiến đóng góp cụ thể để Dự án SAFEGRO triển khai nâng cao năng lực nhân lực từ Trung ương đến cấp quản lý. Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu thiết lập một mạng lưới quốc gia về ATTP tại Việt Nam, đáp ứng mong muốn của nhiều chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam.
‘Chân kiềng’ của ngành ATTP Việt Nam
Thời gian qua, các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp hiệu quả để xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá nguy cơ ATTP trong nước. Tháng 6/2023, 3 Bộ đã thành lập và cử chuyên gia tham gia Nhóm  kỹ thuật đánh giá nguy cơ về ATTP. Về lâu dài, đây là đội ngũ nòng cốt cho việc thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ quốc gia về ATTP.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) nêu rõ sự quan trọng của đánh giá nguy cơ ATTP. Trong bối cảnh ngành mới phát triển, còn thiếu nhân lực, nguồn lực, cần xác định vùng rủi ro, mức độ ảnh hưởng để hành động hiệu quả. “Đảm bảo ATTP là trách nhiệm của toàn thể xã hội chứ không phải của riêng ai. Việc quản lý chuỗi cần bắt nguồn từ gốc. Các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT có nhiệm vụ giám sát, đánh giá, cảnh báo, và quản lý nguy cơ ATTP đối với các loại thực phẩm nông sản và thủy sản tiêu dùng. Nhưng để nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm và kiểm tra thực tế, cần hợp tác với các Bộ, ngành và địa phương”, ông Tiệp nói.
Tuy nhiên, phối hợp liên ngành còn chưa ổn định, đào tạo nhân lực chưa đồng đều trên cả nước. Bên cạnh đó, Cục trưởng nhận định hệ thống nông nghiệp Việt Nam có nhiều đặc thù. Điển hình, nếu thực phẩm ở các nước phát triển sẽ được vận chuyển trực tiếp từ trang trại tới nhà máy chế biến, thì ở nước ta, thương lái là đầu mối quan trọng trong chuỗi thực phẩm do sản xuất còn manh mún. Do đó, ông Tiệp đề xuất cần xác định cụ thể đội ngũ từ Trung ương tới địa phương, đồng thời xây dựng mô hình đào tạo dựa trên thực tiễn nông nghiệp Việt Nam. 
Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp chia sẻ cách tiếp cận của ngành nông nghiệp về quản lý ATTP. Ảnh: Quỳnh Chi.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế có vai trò xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố ATTP, quản lý việc khai báo sự cố, và thực hiện giám sát, phòng ngừa, điều tra về ngộ độc thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm cung cấp thông tin, quản lý đánh giá nguy cơ ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện Đề án 518/QĐ-BYT nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về ATTP ở mọi cấp. Tuy nhiên, việc triển khai bị hạn chế do thiếu kinh phí, chưa đạt mục tiêu toàn diện.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm, ông Lưu Đức Du nhấn mạnh, đánh giá nguy cơ không chỉ là hoạt động lấy mẫu, kiểm nghiệm mà còn là công tác điều tra, xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc còn gây khó khăn cho việc điều tra. Ví dụ, mua bán không có hóa đơn hoặc qua đường tiểu ngạch còn phổ biến. Ngoài ra, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành, các địa phương với nhau còn hạn chế.”
Cùng tham gia Dự án SAFEGRO, Bộ Công thương đang xây dựng hệ thống văn bản, tạo hành lang pháp lý để xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bộ tích cực đào tạo chuyên môn về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP cho lực lượng quản lý thị trường. Các cơ quan thuộc Bộ hướng dẫn cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Bộ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác lĩnh vực ATTP với Trung Quốc và New Zealand.
Thời gian tới, Bộ Công thương tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp lý, giúp quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, cũng như quản lý siêu thị, cửa hàng và các cơ sở khác theo quy định của pháp luật.
Đại diện các cơ quan của 3 Bộ mong muốn tạo ra một hệ thống quản lý ATTP chặt chẽ và hiệu quả hơn thông qua việc đề xuất sửa đổi và cải thiện các quy trình, nguồn lực và cơ cấu tổ chức. Để xây dựng hệ thống này, các nhà quản lý đề xuất đầu tư cho quy trình đánh giá bài bản, tập trung nghiên cứu chính sách về ATTP. Bên cạnh đó, cần thống nhất cơ sở dữ liệu, xử lý kết quả kiểm tra của các cơ quan và địa phương về ATTP.
Với khoảng 50 chuyên gia khoa học, nhà quản lý tham dự, Hội thảo cho thấy bức tranh toàn cảnh về công tác đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm từ Canada và Trung Quốc đã cung cấp một số cách quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm. Các đề xuất và giải pháp sẽ sớm được thực hiện, góp phần vào mục tiêu chung của Dự án SAFEGRO, cải thiện đáng kể chất lượng ATTP tại Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn
lên đầu trang