Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 20:25

Thứ sáu, 03/05/2024 | 20:25

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:33 ngày 24/10/2023

Bộ Công Thương: Tích cực, chủ động trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Bộ Công Thương đã tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật…
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên
Bảo đảm an toàn thực phẩm được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Theo đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, có những chuyển biến rõ rệt, tích cực, toàn diện.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương
Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 đã quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”, “Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”, “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”, “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương”.
Luật An toàn thực phẩm cũng là văn bản có hiệu lực cao nhất, quy định khá đầy đủ, toàn diện, phủ kín các đối tượng, công đoạn trong chuỗi sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý giữa trung ương và địa phương, giải quyết các vấn đề “giao thoa”, chồng chéo trong quản lý.
Trong Luật nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương đó là, chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
Ban hành chính sách, quy hoạch về chợ, siêu thị, quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị; chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý...
Ngày 21/10/2011, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị 08). Sau hơn 5 năm triển khai, ngày 19/1/2017, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các hiệp hội ngành nghề thực phẩm tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt những nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt và trách nhiệm, các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngày 4/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030; ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới...
Sau khi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai dưới nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm, trả lời phỏng vấn, xây dựng chuyên mục hỏi - đáp, tổ chức các lớp tập huấn, biên soạn tài liệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Việc thi hành pháp luật được nâng cao, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật ngày càng được củng cố theo hướng tích cực.
Về cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm do Bộ Công Thương đã được ban hành đều bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ và đồng bộ: Bảo đảm tính thống nhất theo trình tự hiệu lực pháp lý, không trái với Hiến pháp; bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như tính thống nhất với các hệ thống pháp luật khác.
Quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành Công Thương được quy định rõ ràng, cụ thể hơn, bảo đảm nguyên tắc: Một cơ sở, doanh nghiệp chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành giai đoạn 2011-2023 cơ bản phù hợp các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Các quy định pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, bám sát yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo đảm tính khả thi nên đã tạo hành lang pháp lý toàn diện và tương đối đầy đủ phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 9 Nghị định; xây dựng, ban hành 15 Thông tư; 3 Quyết định và 1 Tiêu chuẩn Quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng: 5 Chỉ thị; 3 Luật; 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 Nghị định; 3 Thông tư liên tịch… nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hàng năm, Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua lồng ghép vào các chỉ đạo về bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán, trong đó đã chỉ đạo các địa phương chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình dịch bệnh Covid-19; công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản có tính mùa vụ cao bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Kết quả đạt được cho thấy, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch phục vụ Tết và chuẩn bị nguồn hàng, các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.
Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành chức năng xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm như Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, Kế hoạch triển khai các chương trình phối hợp gồm Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chương trình phối hợp số 526 giữa Chính phủ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân… ; hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, quản lý chợ áp dụng TCVN 11856:2017 về Chợ kinh doanh thực phẩm.
Bên canh đó, trong công tác hướng dẫn địa phương xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” áp dụng theo TCVN 11856:2017 về Chợ kinh doanh thực phẩm, đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai, hướng dẫn mô hình này đạt 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tỉnh được hỗ trợ triển khai với hai nội dung chủ yếu: Nghiên cứu xây dựng đề án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai mô hình trên thực tiễn. Một số địa phương đã tự nhân rộng mô hình bằng nguồn vốn địa phương đến các huyện, xã trên địa bàn như: Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long...
Ngoài ra, huớng dẫn xây dụng mô hình chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn ngành Công Thương. Sau khi mô hình được tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp được tư vấn đã có những cải thiện về cơ sở vật chất, nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩmnhư: Các doanh nghiệp đã có hệ thống tài liệu phù hợp tiêu chuẩn ISO 22000 được xây dựng ban hành cho quá trình quản lý từ khâu sản xuất đến khâu phân phối; nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm của cán bộ nhân viên trực tiếp kinh doanh trong các doanh nghiệp có chuyển biến: Nhà xuởng sạch sẽ, vi phạm sản xuất giảm; hoạt động quản lý kho phân phối rõ ràng; quá trình truy xuất nguồn gốc và quản lý theo lô từ sản xuất đến các địa điểm phân phối đuợc kiểm soát thuận tiện cho xử lý thu hồi...
Ngăn chặn nhiều vụ vi phạm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 7/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức 44 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương với sự tham gia của dại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trong các dịp cao điểm: Tết Nguyên Đán; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; Tết Trung thu theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành kiểm tra an toàn thực phẩm
Việc kiểm tra thực tế công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương đã góp phần tăng cường công tác bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo cơ quan quản lý địa phương đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức và coi công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm là một trong các giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được các cấp trong ngành Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm.
Trong quá trình thực hiện, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm các cấp trong ngành đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Thú y, Hải quan, Biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường, góp phần ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm bẩn, giả, kém chất lượng trà trộn trên thị trường để đưa vào tiêu thụ nội địa nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước.
Thực hiện Kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm các năm do Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương ban hành, Bộ Công Thương đã chủ trì kiểm tra công tác quản lý nhà nước tại 60 lượt cơ quan chuyên môn của ngành (Sở Công Thương) tại 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh.
Đồng thời đã chủ trì hậu kiểm đối với hàng trăm cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Nội dung kiểm tra đã chú trọng vào sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Công Thương cho thấy công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương thường xuyên, thực hiện kịp thời, đúng hướng nên kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đã phát huy được hiệu quả, phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2001 đến tháng 7/2023, Bộ Công Thương đã ban hành 19 văn bản yêu cầu doanh nghiệp là chủ các website/ứng dụng thương mại điện tử thực hiện rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm theo phản ánh từ Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế và các doanh nghiệp là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ về sản phẩm.
Theo đó, các đơn vị website/ứng dụng thương mại điện tử đã thực hiện gỡ bỏ 22.973 sản phẩm và khóa 6.485 gian hàng đăng bán các sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý theo thẩm quyền đối với 49 website và 32 Fanpage trên mạng xã hội Facebook có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử.
Bộ cũng thực hiện đăng cảnh báo trên Cổng thông tin (Idea.gov.vn) và Hệ thống quản lý thương mại điện tử (online.gov.vn) nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc nắm bắt và phòng chống các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã thực hiện đăng 18 bài cảnh báo người dân về các sản phẩm vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm được bán trên các website và ứng dụng thương mại điện tử.
Cũng từ khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực đến nay, Bộ Công Thương đã chứng nhận 770 lượt cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong hoạt động quản lý đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP theo đó quy định, đối với các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải thực hiện gửi bản cam hết đến cơ quan có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Riêng đối với các cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận như GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực thì gửi bản sao Giấy chứng nhận đến cơ quan có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn phục vụ công tác quản lý, hậu kiểm.
Mặc khác, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Đến nay, Bộ đã chỉ định 24 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 12/24 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 9 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 4/9 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 1 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Hoạt động này đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, thông qua nhiều hoạt động tăng cường công tác kết nối thực phẩm an toàn, thúc đẩy tiêu thụ nông, thủy sản nhằm tạo cơ hội để các nhà sản xuất, kinh doanh đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, bán lẻ, Bộ Công Thương đã tạo cầu nối để quảng bá hàng nông sản, đặc sản an toàn, giúp hàng Việt trở nên có tính cạnh tranh cao; từng bước tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước, đồng thời góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm được thường xuyên thực hiện kịp thời, đúng hướng nên kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thục phẩm đã phát huy được hiệu quả, phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm góp phần vào việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Ý thức chấp hành pháp luật của nguời sản xuât, kinh doanh ngày càng được nâng lên do đó trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm việc sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục các chất phụ gia được phép trong bảo quản, chể biến thực phẩm đã giảm; nguyên liệu đưa vào trong quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm ngày càng được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như: Thực hiện các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, khám sức khỏe cho người lao động, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm, sắp xếp, bảo quản hàng hóa.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang