Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:43

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:43

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:15 ngày 21/11/2023

Áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động

Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Chương trình)  đã xác định rõ mục tiêu: năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dẫn đầu ASEAN về năng suất lao động
Đến năm 2030, mục tiêu cụ thể của Chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.
Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030; Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.
Đặc biệt, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và đạt khoảng 50% GDP vào năm 2030.  Phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030.
Phát triển thị trường khoa học công nghệ
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đã vạch rõ những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện. Theo đó, cần chú trọng lồng ghép giải pháp tăng năng suất lao động vào các chương trình, cơ chế, chính sách xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển; phát huy vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp là trung tâm.
Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động; chú trọng tới chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số.
Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam; Thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp. 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động còn nêu rõ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng hơn; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động; kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù.
Hệ thống Robot chế tạo sản phẩm hàng loạt chất lượng cao của Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin. (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục đào tạo, coi người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Gắn kết chặt chẽ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Nghiên cứu, ban hành chính sách thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình giáo dục và đào tạo mới dựa trên nền tảng và công nghệ số; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật; huy động sự tham gia và phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cho chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo.Nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo động lực cải thiện năng suất lao động ở khu vực công.
Ngoài ra, cần phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển; phát huy vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp là trung tâm; Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động; chú trọng tới chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số.
Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Chương trình cũng đưa ra giải pháp phát triển vùng và liên kết vùng hiệu quả. Hình thành không gian phát triển các tiểu vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng. Thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại một số thành phố lớn.
Nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong việc  thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030:
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn hướng đến nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao.
- Chủ trì xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trình Quốc hội trong năm 2024.
- Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023.
- Chủ trì nghiên cứu, rà soát cơ cấu không gian phát triển công nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp nội địa.
- Hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Nghiên cứu, ban hành và triển khai cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Minh Khuê

lên đầu trang