Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 06:28

Thứ hai, 29/04/2024 | 06:28

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:27 ngày 04/10/2023

Giúp doanh nghiệp phát triển thị trường từ nâng cao năng suất, chất lượng

Đối với doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường hàng hóa.
Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đã nêu rõ, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt.
Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong nhiều năm qua thì biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng luôn là 2 trong 5 khó khăn chính đối với các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường” vào ngày 29/9/2023. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp”.
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường”. Ảnh: H.D
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, đối với doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận và tăng hiệu quả kinh tế, bởi vì năng suất chất lượng là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Bà Thanh Tâm cũng nêu, tăng năng suất lao động giúp làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng đóng góp vào cải thiện chất lượng sản phẩm vì tiết kiệm được chi phí về tiền lương trên một đơn vị sản phẩm, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều khách hàng, đối tác và mở rộng được thị trường.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như áp dụng các mô hình quản trị sản xuất tinh gọn (LEAN, Kaizen, 5S…) hoặc ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động từ quản trị, tài chính đến giao thương, xuất nhập khẩu, tìm kiếm khách hàng.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VMC Việt Nam cho biết, là doanh nghiệp sản xuất về thuốc thu ý, thuốc thủy sản nên doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy theo tuân chuẩn GMP-WHO, ứng dụng các giải pháp sản xuất tinh gọn, sử dụng phần mềm về quản trị… Theo ông Vinh, thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ đã giúp doanh nghiệp tạo ra được ưu thế cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận.
Khuyến nghị thêm về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, chuyên gia kinh tế - tư vấn của Economica Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thực hiện các giải pháp quản trị và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp cần đầu tư cho nghiên cứu – phát triển, áp dụng công nghệ mới, sáng tạo trong thương mại và xây dựng dự án kinh doanh… Đối với phát triển thị trường, vị này cho rằng, doanh nghiệp nên tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu chiến lược kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh, cùng với đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm, hàng hóa thì doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tìm giải pháp để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể là nên thay đổi quy định hướng tới phát triển bền vững ở các thị trường xuất khẩu chính; nên có tư duy “bán sản phẩm thị trường cần”, không phải “bán sản phẩm mình có”. Đặc biệt, các doanh nghiệp nên hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài để có thể học hỏi kinh nghiệm, được nhận chuyển giao công nghệ...
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, dù hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển thị trường, nhưng các doanh nghiệp lại khó khăn trong tiếp cận các hỗ trợ của Nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế hợp tác giữa các bên. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đó còn là khó khăn về vốn, áp lực cạnh tranh… nên cần những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, giải quyết những vướng mắc để các doanh nghiệp cùng phát triển.
Nguồn: Báo Hải quan
lên đầu trang