Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:08

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:53 ngày 04/12/2023

“Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số”

Là chủ đề của Hội thảo Quốc gia được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (UNETI) mới đây.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 900 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.  Thông qua đó, tạo ra một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cùng các giảng viên và nghiên cứu sinh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, chung tay xây dựng cộng đồng chuyển đổi số của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết: Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số, mở ra nhiều cơ hội và không gian đổi mới cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Chuyển đổi số đang tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, tạo một nền tảng quan trọng để phát triển các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ tiên tiến, và trải nghiệm khách hàng.
TS Trần Hoàng Long –  Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: UNETI)
Trong thời đại công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là một chiến lược cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường năng suất, và tạo ra giá trị gia tăng. Thông qua việc kết hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), blockchain và IoT (Internet of Things). Các quốc gia, các cơ quan và doanh nghiệp đang chủ động tích cực thích ứng và tận dụng tối đa những cơ hội chuyển đổi số đưa lại, để định hình tương lai.
Trong đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế số và xã hội số. Giáo dục vừa là phương tiện truyền đạt kiến thức vừa là nền tảng để phát triển kỹ năng số, tư duy sáng tạo, và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.”
Nội dung Hội thảo tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực chính: Các điều kiện nền tảng để phát triển nền kinh tế số; Kế hoạch và chiến lược triển khai chuyển đổi số hiệu quả; Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; các vấn đề khác có liên quan.
Trong thời gian 6 tháng chuẩn bị và tổ chức, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 90 bài viết của 87 tác giả đến từ 23 tổ chức, cơ quan, viện nghiên cứu trường đại học trong cả nước. Ban thư ký Hội thảo đã tập hợp 46 bài viết có giá trị và xuất bản Kỷ yếu Hội thảo. Tại phiên báo cáo chính thức, Ban Tổ chức chọn lựa 5 bài tham luận tập trung vào những vấn đề quan trọng của chuyển đổi số, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục, ngân hàng...
Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà khoa học đầu ngành, các báo cáo tham luận có kết quả tốt, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, tạo điều kiện tốt để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, phát triển, xây dựng các chính sách, quy định, giải pháp số vào trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thành công của Hội thảo được kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ thêm những khía cạnh mới mẻ về chuyển đổi số, kinh tế số để đưa Việt Nam tiến lên với một tương lai kinh tế số mạnh mẽ. (Ảnh: UNETI)
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng có cơ hội tham gia thảo luận các nội dung xoay quanh một số vấn đề như: mô hình đại học số; an ninh mạng; các xu hướng và mô hình chiến lược cần xây dựng vào chuyển đổi số; vấn đề về đào tạo nhân lực số, đào tạo lại nhân lực trong các trường đại học để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên số hiện nay…
Tuệ Lâm
lên đầu trang