Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:42

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:48 ngày 02/07/2021

Chuyển đối số: Yếu tố quyết định phát triển của doanh nghiệp bán lẻ

Lĩnh vực bán lẻ đã và đang có sự thay đổi nhanh về thói quen mua sắm và nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng trước sự ra đời của các công nghệ mới. Chủ động chuyển số sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa hiệu suất hoạt động để cạnh tranh, phát triển bền vững.
Đó là khuyến nghị từ các chuyên gia và doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, tại Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ”, diễn ra ngày 30/6/2021, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức.
Khách hàng, người tiêu dùng đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn hình thức mua sắm, tiêu dùng, không chỉ về nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, mà họ còn “mua cả sự trải nghiệm mới” do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này, đòi hỏi các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ, ngày càng phải có sự đáp ứng cao hơn, phải đặt khách hàng là trọng tâm phục vụ và hậu mãi tốt nhất, chất lượng nhất, tiện ích nhất…, mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Các diễn giả tại tọa đàm
Vài năm gần đây, một số nhà bán lẻ truyền thống không kịp thời đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để thích ứng với nhu cầu mới của thị trường, đã phải rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhạy bén đầu tư vào thương mại điện tử, chuyển đổi số, đã tận dụng được khá tốt xu hướng mua sắm trực tuyến, online, mang lại những trải nghiệm và giá trị mới cho người tiêu dùng, nhờ vậy họ đã duy trì được sự tăng trưởng và phát triển.
Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động khó khăn đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau, nhưng lại tạo đà cho ngành bán lẻ chuyển đổi từ hoạt động thương mại truyền thống, sang thương mại điện tử (mua bán trực tuyến, online) thông quan nền tảng công nghệ số. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, theo khảo sát của Nelson, thì năm 2020, các hoạt động kinh doanh, mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, dịch vụ mua sắm trực tuyến của hãng phân phối bán lẻ Corp-Max, trong năm 2020 đã ghi nhận mức tăng trưởng từ 4-5 lần so với trước; lượng đơn hàng mua bán trực tuyến của website thương mại điện tử Tiki cũng đã ghi nhận mức gia tăng khoảng từ 2-4 lần so với trước khi có dịch...
Ông Nguyễn Chí Đức - Giám đốc kinh doanh VOTIVA phụ trách khu vực Việt Nam, Thái Lan và Campuchia - nhận định: Công nghệ số đang trở nên cực kỳ quan trọng, tạo ra mức độ và khả năng cạnh tranh lớn giữa các nhà cung cấp, bán lẻ. Doanh nghiệp lớn, chưa chắc đã nắm được phần thắng, nếu không chú trọng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Ngược lại, doanh nghiệp nào thiết lập được “cuộc chơi mới” theo hướng chyển đổi số, sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng và chiếm lĩnh thị phần.
Ảnh minh họa
Ông Trần Đức Vân - Giám đốc công nghệ Tập đoàn SONKIM Retail - cho biết: Công ty có nhiều mảng dịch vụ bán lẻ khác nhau, trong đó có mảng TV shoping, cửa hàng tiện lợi… Dịch Covid-19 đã khiến một số cửa hàng kinh doanh truyền thống của công ty phải đóng cửa. Trên cơ sở nắm bắt, nghiên cứu, tìm hiểu rõ nhu cầu, hành vi, nhóm khách hàng của mình họ là ai, cần gì…, cuối năm 2020, SONKIM Retail đã xây dựng các nền tảng online và đẩy mạnh kinh doanh, nhờ vậy đã bù đắp được doanh số sụt giảm từ các cửa hàng bị đóng cửa. Kinh doanh online đã được SONKIM Retail xác định là chiến lược lâu dài, bởi sau đại dịch Covid-19, hành vi mua sắm dự báo cũng vẫn sẽ duy trì phần lớn theo thói quen trực tuyến với những trải nghiệm mới, giá trị mới.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay cũng như với Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ dù qui mô lớn, hay nhỏ, để nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, mang lại những trải nghiệm mới và giá trị mới khác biệt cho người tiêu dùng, qua đó tối ưu hóa hoạt động, gia tăng doanh số và lợi nhuận, đều cần phải coi chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Để chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông: Các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bán lẻ nói riêng, cần phải thay đổi nhận thức, quyết liệt hành động về vấn đề này, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp; cần có tư duy lãnh đạo về công nghệ, dám thay đổi; lựa chọn mô hình chuyển đổi và giải pháp phù hợp; phải xác định được cụ thể nhu cầu chuyển đổi; có đội ngũ nhân sự về công nghệ đủ khả năng chuyển đổi số...
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Đỗ Khắc Cương - Giám đốc kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp của Microsoft Việt Nam - cho biết, Microsoft có kinh nghiệm với hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới xét ở góc độ chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải xác định được một sứ mệnh và tầm nhìn rõ ràng; hiểu được năng lực cốt lõi của mình ở đâu; có tư duy, phương pháp quản lý trong ứng dụng công nghệ mới; có năng lực kinh doanh, năng lực kỹ thuật của đội ngũ nhân viên...
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang