Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 02:46

Thứ ba, 30/04/2024 | 02:46

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 13:44 ngày 27/12/2023

Sản xuất thử nghiệm một số tủ điện điều khiển - giám sát thiết bị sử dụng trong khai thác hầm lò

Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin (Bộ Công Thương) đã nghiên cứu, chế tạo thành công tủ điều khiển - giám sát thiết bị sử dụng trong khai thác hầm lò với chất lượng đạt chuẩn và giá thành rẻ hơn sản phẩm nhập ngoại.
Các mỏ than lộ thiên hiện ngày càng ít nên sản lượng khai thác đã bị giảm đáng kể trong những năm gần đây. Vì vậy ngành khai thác than ở Việt Nam đang chuyển hướng khai thác theo phương thức hầm lò. Việc chuyển dịch này là điều tất yếu, giúp tận dụng nguồn tài nguyên và bảo đảm môi trường sinh thái được bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác than hầm lò cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người lao động bởi điều kiện khai thác khó khăn.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, nhu cầu về tự động hóa trong các mỏ hầm lò là cần thiết và cấp bách. Từ đòi hỏi thực tế này, nhóm nghiên cứu tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin do ThS. Phạm Văn Hiếu dẫn đầu đã thực hiện đề tài cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm một số tủ điện điều khiển - giám sát thiết bị sử dụng trong khai thác hầm lò”.
Tủ điện điều khiển - giám sát thiết bị sử dụng trong khai thác hầm lò (Ảnh: tudientoancau)
Mục tiêu của đề tài là hoàn thiện thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo một số loại tủ điều khiển - giám sát sử dụng trong ngành khai thác mỏ hầm lò. Đồng thời, chế tạo một số tủ điều khiển - giám sát phục vụ nhu cầu sản xuất.
Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy trên thế giới đã áp dụng rộng rãi các hệ thống giám sát, điều khiển, điều độ tập trung phục vụ trong ngành sản xuất than. Các tủ điều khiển giám sát liên động là thành phần không thể thiếu trong hệ thống tự động hóa cho các khâu sản xuất và dây chuyền công nghệ của mỏ. Tuy nhiên, các hệ thống này lại chưa được áp dụng rộng rãi ở các mỏ khai thác than hầm lò Việt Nam. Mặt khác, công tác vận hành các thiết bị chủ yếu là thủ công bằng tay, các thông tin giám sát không thể cập nhật kịp thời phục vụ quá trình sản xuất.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đề tài đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công tủ điều khiển giám sát, thiết bị liên động cục bộ được Trung tâm kiểm định công nghiệp I – Cục an toàn môi trường – Bộ Công Thương cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn về tính năng phòng nổ, an toàn tia lửa cho các thiết bị sử dụng trong mỏ hầm lò, bao gồm các thiết bị: Vỏ tủ điều khiển giám sát; các bộ cách ly an toàn tia lửa; Bộ chuyển đổi mạng Ethernet phòng nổ.
Thao tác vận hành giám sát các tuyến băng tải tại phòng điều khiển trung tâm (Ảnh: Báo Công Thương)
Chủ nhiệm đề tài, Ths Phạm Văn Hiếu cho biết, tủ điều khiển giám sát thiết bị được đưa vào lắp đặt, chạy vận hành, nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng hệ thống các tuyến băng tải và hệ thống tời cáp treo chở người tại Công ty than Hòn Gai và Công ty than Hạ Long (TKV). Quá trình thử nghiệm đã chứng tỏ sản phẩm hoạt động ổn định và tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu thiết kế đề ra, phù hợp với điều kiện môi trường cũng như yêu cầu sản xuất trong các mỏ khai thác than hầm lò.
Với sản phẩm có cấu hình tương đương từ Trung Quốc khi nhập về Việt Nam hiện có giá thành khoảng 430 - 450 triệu đồng. Trong khi đó, với tủ điều khiển giám sát liên động cục bộ sản xuất hàng loạt ở trong nước chỉ có giá thành vào khoảng 180 triệu đồng” - Thạc sĩ Phạm Văn Hiếu cho hay.
Ngoài ra, tủ giám sát, điều khiển liên động cục bộ với các tính năng thiết kế có tính mở, linh hoạt trong cấu hình hệ thống, được đánh giá là hoàn toàn có thể thay thế hiệu quả cho các thiết bị nhập ngoại, là thành phần đóng vai trò rất quan trọng trong các hệ thống giám sát, điều khiển và điều độ tập trung cho các mỏ khai thác than hầm lò. Góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp khai thác than hầm lò của Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số: 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, tỉ lệ khai thác than lộ thiên sẽ giảm dần, thay vào đó là các mỏ khai thác than hầm lò được mở rộng về quy mô và công suất để đảm bảo sản xuất đủ than phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh năng lượng quốc gia.
Do đó, để đảm bảo an toàn lao động, nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành sản xuất thì việc tự động hóa, giám sát, điều khiển các khâu sản xuất than thực sự là yêu cầu rất cấp bách và cần thiết.
Tố Uyên
lên đầu trang