Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 14:40

Thứ bảy, 27/04/2024 | 14:40

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 10:34 ngày 19/02/2024

Nghiên cứu phát triển cây Riềng ấm để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng

Với mục tiêu phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) trong điều kiện sinh thái Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng, nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng”. 
Cây Riềng ấm có chứa hơn 20 polyphenol, trong đó hàm lượng acid fulvic trong lá riềng ấm lên men rất cao, đạt 450mg/100g và đã sản xuất ra một số sản phẩm chức năng nhằm giảm glucose máu; các sản phẩm để phòng các bệnh mãn tính không lây và tăng cường sức đề kháng, cải thiện các bệnh nhiễm trùng, bổ sung các dưỡng chất...
Với đặc tính chứa nhiều thành phần các chất có hoạt tính sinh học có giá trị, cây riềng ấm được xem là một loại cây quý ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với yêu cầu điều kiện sinh thái của cây Riềng ấm thì ở Nhật Bản chỉ có đảo Okinawa là thích hợp cho cây Riềng ấm phát triển. Qua các lần điều tra khảo sát của chuyên gia Makise đến Việt Nam, nhiều chuyên gia Nhật nhận thấy Việt nam có điều kiện tự nhiên rất thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây Riềng ấm, do đó việc phát triển cây Riềng ấm để làm nguyên liệu phục vụ chế biến thành các sản phẩm chức năng là rất khả quan.
Cây Riềng ấm có chứa nhiều hoạt chất giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện các bệnh nhiễm trùng, bổ sung các dưỡng chất... (Ảnh minh họa: thuocdantoc.vn/)
Trước vấn đề này, nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ do TS. Phạm Thị Mỹ Phương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển cây Riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng” nhằm phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) trong điều kiện sinh thái Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng. 
Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu chính mà nhóm nghiên cứu hướng đến là: Xác định được vùng trồng thích hợp cho cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) được nhập nội từ Nhật Bản; Xây dựng được quy trình nhân giống, trồng, thu hái và chế biến bột riềng ấm; Xây dựng được mô hình trồng riềng ấm với quy mô 1ha; Xác định được độc tính và hoạt tính hạ glucose máu trên thực nghiệm; và Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu lá và bột riềng ấm.
Trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 01/06/2020, nhóm nghiên cứu đã triển khai đề tài và đạt được những kết quả đáng chú ý. Theo đó, cây Riềng ấm di thực vào Việt Nam hoàn toàn phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam. Cây Riềng ấm phát triển được ở cả 3 vùng: Bắc Sơn- Lạng Sơn và Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc và Thạch Thành - Thanh Hóa.
Kết quả trồng cây Riềng ấm tại các mô hình cho thấy, tỷ lệ cây sống của cây đạt từ 80-94%, sau 3 tháng trồng cây cho số nhánh trung bình đạt 4-5 nhánh/cây, cao cây trung bình 33-40 cm. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng các hoạt chất trong lá Riềng ấm trồng tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn hàm lượng hoạt chất trong lá Riềng ấm trồng tại Nhật Bản, cụ thể trong bột lá Riềng ấm lên men hàm lượng polyphenol tổng số đạt 435,1 - 492,3mg/100g, axit ferulic đạt 307,7 -323,3 mg/100g.
Mô hình trồng cây riềng ấm quy mô 1ha được triển khai tại huyện Bắc Sơn – Lạng Sơn (Nguồn ảnh: irrd.gov.vn/)
Chia sẻ về kết quả nhân giống, TS. Phạm Thị Mỹ Phương - chủ nhiệm đề tài cho hay: "Cây Riềng ấm có thể nhân giống bằng hai phương pháp đó là nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng cách tách khóm. Trong đó, khi nhân giống bằng hạt, tỷ lệ nảy mầm đạt 93% bằng cách ngâm hạt giống trong dung dịch GA3 với nồng độ 10ppm, ở 40oC trong thời gian 8 tiếng, duy trì nhiệt độ trong tủ ấm, sau đó vớt ra để ráo nước và ủ trong vòng 22-27 ngày. Đối với nhân giống bằng cách tách khóm, tỷ lệ nảy chồi trên 1 khóm là 2-3 chồi, cây phát triển tốt."
Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 04 quy trình trong khuôn khổ đề tài là: Quy trình nhân giống vô tính cây Riềng ấm; Quy trình nhân giống hữu tính cây Riềng ấm; Quy trình trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản Riềng ấm; Quy trình sản xuất bột Riềng ấm. Bước đầu nghiên cứu thành công Quy trình sản xuất bột lá Riềng ấm bằng công nghệ lên men để tăng hàm lượng polyphenol có trong lá Riềng ấm.
Xây dựng được vườn giống gốc cây Riềng ấm ở Vĩnh Phúc với quy mô 600m2, cây phát triển tốt, cho sản lượng hạt ước tính 80kg /600m2. Vườn sản xuất cây Riềng ấm ở Lạng Sơn với quy mô 1ha, cây phát triển tốt, năng suất thu hoạch năm thứ hai đạt 7 tấn lá/ha.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm được 10kg bột lá riềng ấm (đạt tiêu chuẩn cơ sở) và xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho lá Riềng ấm và bột lá Riềng ấm. 
TS. Phạm Thị Mỹ Phương - chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả tại buổi nghiệm thu (Nguồn ảnh: www.most.gov.vn/)
Với kết quả thu được, ngày 04/12/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu phát triển cây Riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng" và đánh giá đạt.  
Phương Loan
lên đầu trang