Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 28/09/2024 | 08:17

Thứ bảy, 28/09/2024 | 08:17

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:00 ngày 31/05/2024

Quảng Bình: Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm

Việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm từ tuyên truyền đến thực hiện kiểm tra đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều kế hoạch, chỉ đạo như Kế hoạch số 24/KH-BCĐATTP ngày 06/02/2024 của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024; Kế hoạch số 45/KH-BCĐATTP ngày 02/4/2024 của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023 theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương. Đồng thời, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.
Theo Chi Cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024” đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra 21 cơ sở, phát hiện vi phạm và tiến hành phạt một cơ sở với số tiền 30 triệu đồng.
Theo đại diện Chi Cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình, thời gian qua các ngành, các cấp đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; bám sát Kế hoạch chung của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai, kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 tại địa phương và triển khai thực hiện đảm bảo theo kế hoạch; có các công văn chỉ đạo, hướng dẫn tuyến dưới triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp với đoàn liên ngành tuyến trên trong quá trình kiểm tra tại địa phương. Việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong "Tháng hành động vì ATTP" năm 2024 đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao nhận thức, hiểu biết trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm của người dân. Quá trình triển khai, từ công tác chỉ đạo thực hiện, tổ chức tuyên truyền đến việc thực hiện công tác kiểm tra đã có sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP; đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn. (Ảnh: Cục QLTT Quảng Bình)
Việc tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP từ tuyên truyền, hướng dẫn đến thực hiện công tác kiểm tra ATTP có trọng tâm, trọng điểm và theo chủ đề của “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 đã góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thể hiện: Số cơ sở đạt yêu cầu về ATTP cao (tỷ lệ 95,2%); người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã chú trọng hơn về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ghi nhãn theo quy định, chủ động khám sức khoẻ định kỳ, tham gia tập huấn kiến thức vệsinh an toàn thực phẩm.
Trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện còn gặp một số khó khăn, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đào Anh Tuấn- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết: "Việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu như chưa quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện đi lại phục vụ hoạt động chuyên môn.Việc kiểm tra thực phẩm kinh doanh chủ yếu bằng trực quan, bằng mắt thường là chính, chưa được trang bị phương tiện, dụng cụ để kiểm tra, kiểm soát chính xác, hiệu quả".
Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao. Kiến thức về vệ sinh ATTP của người tiêu dùng, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý chợ chưa cao nên ảnh hưởng đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.
Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Do đó, việc quản lý và xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
"Đơn vị sẽ thường xuyên thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về ATTP, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thực phẩm có trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn" - ông Đào Anh Tuấn cho biết thêm.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang