Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 28/06/2024 | 17:18

Thứ sáu, 28/06/2024 | 17:18

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 10:11 ngày 31/05/2024

Tiêu chuẩn đóng góp quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp

Giới chuyên gia đánh giá, tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần rất quan trọng, cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ.
Tại Việt Nam, kể từ khi nước ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, hoạt động tiêu chuẩn hóa là một trong những lĩnh vực luôn đi đầu và tham gia tích cực trong hoạt động hội nhập quốc tế và khu vực. Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) đã có gần 14.000 TCVN, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là trên 60%.
Hệ thống TCVN được bổ sung về số lượng, nâng cao về mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế/ khu vực, bao quát đầy đủ hơn các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm chủ lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường cả trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường.
Tiêu chuẩn hóa đóng góp rất quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Các TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như nông nghiệp hữu cơ, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, cơ khí chế tạo... đã được ưu tiên soát xét, xây dựng thời gian qua trên cơ sở chủ yếu là chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực giúp doanh nghiệp Việt nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cập nhật được các xu hướng mới của thế giới để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với việc áp dụng các TCVN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản và thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tạo cơ hội cho việc hợp tác và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Giới chuyên gia đánh giá, tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần rất quan trọng, cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Điều này đã được minh chứng qua nhiều ví dụ thành công của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hiện nay của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là phải nâng cao nhận thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp nói riêng cho tất cả cán bộ nhân viên đặc biệt là người đứng đầu.
Khi đã có nhận thức và kiến thức, doanh nghiệp cần hoạch định phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa của mình với sự tham gia của tất cả các bộ phận. Đồng thời, để có thể phát triển bền vững và dài hạn nên hướng tới có một chiến lược tiêu chuẩn hóa cho công ty. Kế hoạch chiến lược này cần xoay quanh việc thiết lập hạ tầng chất lượng dựa trên tiêu chuẩn hóa của doanh nghiệp như đã nói ở trên, trên cơ sở từ thấp đến cao tùy theo mục tiêu và tiềm lực của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Kế hoạch này cần lấy việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn làm trọng tâm trong giai đoạn đầu nhằm thiết lập nền tảng cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.
Mặt khác, cũng có một thực tế rằng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, hoặc hiểu về tiêu chuẩn chưa tới. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần dẫn dắt, xây dựng tiêu chuẩn, truyền thông cho doanh nghiệp, giúp họ thay đổi tư duy trong xây dựng tiêu chuẩn; xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn cho doanh nghiệp;...
Để hoạt động tiêu chuẩn hóa ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Chính phủ.
Nguồn: vietq.vn
lên đầu trang