Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 30/06/2024 | 17:06

Chủ nhật, 30/06/2024 | 17:06

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:02 ngày 27/06/2024

Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Viện Công nghệ mới, Viện Hoá học Vật liệu

Chiều ngày 26 tháng 6 năm 2024, tại Hà Nội, Đoàn công tác Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Viện Công nghệ mới, Viện Hoá học Vật liệu về một số nội dung liên quan đến phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học phục vụ xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương” (Đề án) do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng.
Buổi làm việc có sự tham dự của các thành viên của Tổ soạn thảo Đề án; Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Trang Minh - Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự; Thượng tá, TS. Lê Minh Trí – Phòng Quản lý khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Hóa học Vật liệu; Đại tá, TS. Phạm Kiên Cường – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ mới; đại diện của các phòng, ban của Viện Hoá học Vật liệu và Viện Công nghệ mới.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Viện Công nghệ mới, Viện Hoá học Vật liệu
Công nghệ sinh học đã và đang được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp nền kinh tế của nhiều nước tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào trong nhiều lĩnh vực như y tế, công nghiệp chế biến,… 
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Việt Tấn cho biết, thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, Chính phủ đã có kế hoạch giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương. Ngày 27/5/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1271/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ soạn thảo Đề án thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36.
TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Công Thương
TS. Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong năm 2024. Do đó, Tổ soạn thảo mong muốn được khảo sát nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong và ngoài ngành Công Thương để xây dựng Đề án theo Nghị quyết 36. “Đoàn công tác Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đã dành thời gian cho đoàn đến làm việc, trao đổi và chia sẻ thông tin để xây dựng Đề án. Thông qua các buổi làm việc, kháo sát như thế này, đoàn công tác mong muốn sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, đồng thời đoàn sẽ tiếp thu các nội dung để đưa vào Đề án trình Chính phủ trong năm nay”, TS. Nguyễn Việt Tấn cho biết.
Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe các báo cáo liên quan đến thực trạng phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dự kiến xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương, báo cáo đề xuất của Viện Công nghệ mới và Viện Hoá học Vật liệu, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về định hướng nghiên cứu, phát triển cũng như nhu cầu tiếp cận công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến. 
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trang Minh – Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự phát biểu tại buổi làm việc
PGS.TS Phí Quyết Tiến – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ, Viện Công nghệ mới và Viện Hoa học Vật liệu có lĩnh vực hoạt động khá đặc thù khi vừa có thể tham gia các hoạt động lưỡng dụng, lại vừa có thể tham gia các hoạt động đặc thù chỉ dành cho quân đội. Trong gia đoạn tới, ngoài việc tiếp tục triển khai Quyết định 1600 của Thủ tướng Chính phủ, thì chúng ta cần có những công nghệ phục vụ cho phát triển, ứng dụng ở quy mô lớn hơn. PGS.TS Phí Quyết Tiến đề xuất, Viện Công nghệ mới và Viện Hoá học Vật liệu có thể xem xét lại nhu cầu để từ đó kiến nghị, đặt hàng ngược lại nhiệm vụ cho Ban Điều hành Đề án.
PGS.TS Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho hay, Nghị quyết 198 của Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành rất rõ ràng. Hiện nay, Ban Điều hành Đề án đang tập trung vào nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Do đó, chúng ta nên tận dụng tối đa nguồn lực của Bộ Công Thương và Bộ Quốc Phòng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phát triển công nghệ sinh học bền vững trong tình hình mới. Cũng theo PGS.TS Vũ Nguyên Thành, nhiệm vụ của Đề án là “phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”, nghĩa là không chỉ phát triển công nghệ mà nhiệm vụ còn lớn hơn rất nhiều, đó là xây dựng ngành kinh tế - kỹ thuật. Do đó, nhiệm vụ của Đề án không chỉ gói gọn trong khoa học công nghệ mà còn xa hơn, lớn hơn. PGS.TS Vũ Nguyên Thành mong muốn các nhà khoa học, viện nghiên cứu có đề xuất, ý kiến để trong tương lai Đề án có thể được triển khai và tạo ra nhiều kết quả tích cực.
Kết luận buổi làm việc, TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bày tỏ mong muốn được tiếp nhận các đề xuất bằng văn bản bên cạnh những đề xuất, trao đổi ngày hôm nay để Tổ soạn thảo có thể tiếp thu, rà soát, nghiên cứu, lựa chọn những nội dung phù hợp đưa vào Đề án trình Chính phủ, đồng thời đề nghị Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự cùng các viện chuyên ngành phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương kết nối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn công tác Bộ Công Thương đã tham quan cơ sở vật chất của Viện Công nghệ mới và Viện Hoá học Vật liệu. 
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Đại tá, TS. Phạm Kiên Cường – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ mới
PGS.TS Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm
TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo tại buổi làm việc
PGS.TS Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học
Hà Nguyễn - Phương Loan

lên đầu trang