Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 04/07/2024 | 15:49

Thứ năm, 04/07/2024 | 15:49

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 11:40 ngày 02/07/2024

Thực trạng canh tác dừa tại tỉnh Bến Tre

Tóm tắt. Dừa là cây trồng quan trọng của tỉnh Bến Tre có nhiều giá trị sử dụng. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng canh tác dừa tại tỉnh Bến Tre thông qua số liệu thứ cấp từ Cục Thống kê tỉnh Bến Tre và số liệu sơ cấp được cung cấp bởi 150 hộ trồng dừa tại 5 huyện gồm Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại thông qua phỏng vấn nông hộ. Kết quả cho thấy, diện tích trồng và thu hoạch dừa tại tỉnh Bến Tre có xu hướng tăng mạnh trong 10 năm (2012–2022), sản lượng tăng gấp 1,6 lần và đạt 686.279 tấn vào năm 2022. Hình thức canh tác dừa chủ yếu chuyên canh, phần lớn các hộ sử dụng giống dừa cao, mật độ trồng dao động 160–240 cây/ha, cây dừa bắt đầu ra hoa sau 3–6 năm trồng, số lần bón phân trong thời kỳ kinh doanh là 4–6 lần/năm, quản lý sâu bệnh hại dừa chủ yếu bằng thuốc bảo vệ thực vật với 3–6 lần phun/năm. Năng suất dừa phụ thuộc vào giống và kỹ thuật canh tác, trung bình 80–100 quả/cây/năm đối với dừa lùn và 40–80 quả/cây/năm đối với dừa cao. Chi phí đầu tư cho vườn dừa 10–30 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân 30–100 triệu đồng/ha/năm và đem lại lợi nhuận 30–60 triệu đồng/ha/năm.
Từ khoá: Bến Tre, bón phân, canh tác, cây dừa, giống, hiệu quả kinh tế 
1. Đặt vấn đề
Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng dừa đứng thứ 7 trên thế giới (gần 170 nghìn ha) với sản lượng gần 1,9 triệu tấn [1]. Trong đó, Bến Tre là tỉnh sản xuất dừa lớn nhất cả nước với diện tích thu hoạch năm 2022 đạt 72.872 hecta và sản lượng đạt 686.279 tấn, tập trung nhiều nhất tại các huyện như Giống Trôm (18.685 ha), Mỏ Cày Nam (16.189 ha), Mỏ Cày Bắc (8.627 ha), Bình Đại (7.488 ha), Châu Thành (7.430 ha) và Thạnh Phú (7.356 ha) [2].
Cây dừa (Cocos nucifera L.) có giá trị kinh tế không cao so với một số cây trồng khác nhưng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong nhiều điều kiện môi trường sinh thái và tương đối ổn định về thị trường [3]. Theo kết quả điều tra của Trần Văn Hâu và Triệu Quốc Dương (2011) tại tỉnh Bến Tre cho thấy, các yếu tố như giống, nước tưới, số lần bón phân, liều lượng phân bón và sâu bệnh hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của quả dừa [4]. Mặt khác, năng suất cây dừa thấp dẫn đến sản lượng quả giảm, đã tác động đến thu nhập, lợi nhuận và cuộc sống của người nông dân trồng dừa [5]. 
Nghiên cứu này tập trung đánh giá thực trạng sản xuất dừa tại tỉnh Bến Tre để có cơ sở đề xuất các giải pháp kĩ thuật trong canh tác dừa cải thiện thu nhập cho người trồng dừa và phát triển canh tác dừa bền vững tại địa phương.
2. Phương pháp nghiên cứu
Thu thập số liệu thứ cấp từ Cục Thống kê tỉnh Bến Tre. Số liệu thu thập trong gian đoạn 10 năm 2012–2022, tập trung vào các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng dừa hằng năm. Số liệu sơ cấp thu thập thông qua điều tra, phỏng vấn nông hộ trồng dừa bằng bảng câu hỏi từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022. Tiến hành điều tra 150 hộ trồng dừa ở 5 huyện gồm Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Mỗi huyện điều tra 30 hộ ngẫu nhiên được chọn theo công thức của Slovin [6]. Công thức tính mẫu của Slovin: 
n = N/(1 + N × e2) (1)
trong đó: n là cỡ mẫu sẽ khảo sát; N: tổng thể = 150 hộ trồng dừa; e: sai số cho phép = 0,05. Nội dung khảo sát gồm các chỉ tiêu về diện tích đất trồng dừa, hình thức canh tác, cơ cấu giống, bón phân, sâu bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ, năng suất, thu nhập, chi phí, lợi nhuận.
Các số liệu được mã hóa và xử lý trung bình bằng phần mềm Excel 2016.
3 Kết quả và thảo luận
3.1 Tình hình canh tác dừa ở Bến Tre 
Bảng 1 cho thấy diện tích trồng và thu hoạch dừa tại tỉnh Bến Tre có xu hướng tăng mạnh trong 10 năm qua. Năm 2012, toàn tỉnh có 58.441 ha dừa, trong đó diện tích dừa đã cho thu hoạch là 48.889 ha, đến năm 2022 con số này đã tăng lên 35% về diện tích trồng dừa với 78.019 ha và 49,1% về diện tích dừa cho thu hoạch với 72.872 ha. Năng suất cây dừa dao động từ 8,81 đến 9,62 tấn/ha và có xu hướng giảm nhẹ từ năm 2020 đến 2022 so các năm trước. Tuy nhiên, nhờ mở rộng diện tích sản xuất và diện tích dừa cho thu hoạch tăng lên hằng năm nên sản lượng dừa cũng tăng dần trong giai đoạn từ 2012 đến 2022, với sản lượng đạt 686.279 tấn vào năm 2022, tăng gấp 1,6 lần so với thời điểm năm 2012.
Bảng 1. Diện tích, năng suất và sản lượng dừa ở tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012–2022
Nguồn: [2]
Bảng 2 cho thấy, diện tích trồng dừa tại một số huyện tại tỉnh Bến Tre biến động từ 5.000 đến 10.000 m2, riêng huyện Giồng Trôm có đến 50,0% nông hộ khảo sát có diện tích trồng dừa từ 10.000 đến 20.000 m2
Về hình thức canh tác dừa, Bảng 2 cho thấy ngoài hình thức chuyên canh còn có trồng xen, nuôi xen và kết hợp trồng xen (cây ăn quả, cây rau) và nuôi xen (tôm, cá, gia cầm hoặc gia súc) trong vườn dừa. Trong đó, tỉ lệ nông hộ trồng chuyên canh đạt cao nhất là huyện Giồng Trôm (96,67%), kế đến là huyện Bình Đại (80,0%), huyện Châu Thành (50,0%), huyện Thạnh Phú (36,67%) và huyện Ba Tri là 6,67%. Trong các hình thức xen canh thì nuôi xen (tôm, cá, gia cầm hoặc gia súc) trong vườn dừa là phổ biến nhất, do tùy thuộc vào điều kiện tự nhiện của các huyện và nuôi xen thường có lợi nhuận cao hơn trồng xen. Có đến 4/5 huyện khảo sát áp dụng hình thức nuôi xen với tỷ lệ hộ nuôi xen tương ứng là 90,0% ở huyện Ba Tri, 53,33% ở huyện Thạnh Phú, 26,67% ở huyện Châu Thành, 10,0% ở huyện Bình Đại và không nuôi xen ở huyện Giồng Trôm. Trồng xen trong vườn dừa ít được lựa chọn, với tỉ lệ dao động từ 3,33 đến 10,0% số hộ, riêng tại huyện Ba Tri không có áp dụng hình thức trồng xen trong vườn dừa. Hình thức canh tác kết hợp trồng xen và nuôi xen trong vườn dừa cũng là một trong những hệ thống canh tác góp phần đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện nguồn thu từ vườn dừa, tuy nhiên hình thức này ở 
Bảng 2. Đặc điểm canh tác dừa ở một số địa phương (huyện) tại tỉnh Bến Tre
Bến Tre vẫn chưa phổ biến với tỉ lệ nông hộ áp dụng còn thấp, dao động từ 3,33 đến 13,33%, riêng huyện Giồng Trôm không có nông hộ áp dụng.
Độ tuổi trung bình của các vườn dừa ở các huyện phân bố không đồng đều, trong đó tại huyện Châu Thành có đến 50,0% nông hộ có các vườn dừa ở độ tuổi dưới 5 năm và còn lại là từ 5 đến 40 năm. Kết quả này cho thấy việc trồng mới giống dừa diễn ra mạnh trong những năm gần đây do tại huyện Châu Thành tập trung chuyển đổi trồng mới từ giống dừa lấy dầu sang giống dừa uống nước nên tỷ lệ các vườn dừa có độ tuổi dưới 5 năm khá cao (Bảng 2).
Bảng 2 cũng cho thấy, các vườn dừa trồng mới ở huyện Châu Thành chủ yếu là giống dừa lùn (dừa uống nước) có khả năng ra hoa sớm, theo kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Lan và cs. [8], giống dừa lùn ra hoa từ 3 đến 4 năm sau trồng. Tại huyện Ba Tri có khoảng gần 50% nông hộ có vườn dừa đạt độ tuổi từ 5 đến 10 năm và khoảng 30% từ 11 đến 40 năm, phần còn lại là vườn dừa dưới 5 năm tuổi (20%) và vườn dừa lão, trên 40 năm tuổi (3,33%). Số liệu này cho thấy, tại  huyện Ba Tri có khoảng 80% nông hộ khảo sát có vườn dừa từ 5 đến 40 năm, đây là thời kỳ kinh doanh ổn định và năng suất cây dừa đạt tối ưu hơn so với giai đoạn dừa lão (trên 40 năm).  
Cơ cấu giống dừa cho thấy tỉ trọng giống dừa cao và giống dừa lùn ở mỗi huyện có biến động khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm của đất trồng (đất phù sa hay đất nhiễm mặn), thị hiếu nông dân (giống dừa cao hay giống dừa lùn) và nhu cầu của thị trường tiêu thụ (lấy dầu hay uống nước). Tại huyện Châu Thành, có đến 63,33% nông hộ trồng các giống dừa lùn và 16,67% nông hộ trồng giống dừa cao và có khoảng 20,0% nông hộ trồng cả giống dừa cao và giống dừa lùn. Các huyện còn lại có tỉ lệ nông hộ trồng giống dừa cao chiếm đa số, cao nhất là huyện Thạnh Phú đạt 100%, kế đến là huyện Ba Tri đạt 90,0% và huyện Bình Đại đạt 83,33% (Bảng 2).
Mật độ trồng dừa ở Bến Tre dao động từ 160 đến 240 cây/ha phụ thuộc vào giống dừa, tính chất đất (đất phù sa hay đất nhiễm mặn) và tập quán canh tác của nông hộ (trồng nhiều hơn so với mật độ khuyến cáo). Tại huyện Châu Thành, mật độ trồng dừa từ 160 đến 200 cây/ha chiếm 33,33%, từ 201 đến 240 cây/ha chiếm 30,0% và trên 240 cây/ha chiếm 36,67%. Huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri có nét tương đồng với mật độ từ 201 đến 240 cây/ha chiếm tỉ lệ cao nhất (46,67% số hộ khảo sát), mật độ trên 240 cây/ha với tỉ lệ số hộ lần lượt là 33,33% và 36,67%, còn lại là mật độ dưới 160 đến 200 cây/ha. Đối với huyện Thạnh Phú có tỉ lệ số hộ trồng mật độ từ 201 đến 240 cây/ha là cao nhất (66,67%), kế đến là 30% số hộ trồng từ 240 cây/ha trở lên. Huyện Bình Đại có tỉ lệ số hộ khảo sát trồng với mật độ dày hơn, trên 240 cây/ha (40,0%) và từ 160 đến 200 cây/ha chiếm tỷ lệ 33,33% số hộ (Bảng 2).
Thời gian ra hoa của các vườn dừa phụ thuộc vào đặc tính giống, từ 3 đến 4 năm đối giống dừa lùn và 4 đến 6 năm đối với giống dừa cao [7]. Tại huyện Châu Thành đa số trồng giống dừa lùn nên thời gian ra hoa từ 3 đến 4 năm chiếm tỉ lệ 63,33% và các huyện còn lại trồng giống dừa cao nên thời gian ra hoa từ 4 đến 6 năm chiếm tỉ lệ trên 90%. 
Tuổi cây dừa cho năng suất cao ở giai đoạn từ 9 đến 11 năm và trên 13 năm chiếm tỉ lệ cao hơn so với các giai đoạn còn lại. Tuy nhiên, điều kiện đất đai và chế độ chăm sóc là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất tiềm năng của cây dừa [8]. Bảng 6 cũng cho thấy hiện tượng dừa treo được ghi nhận nhiều trong mùa mưa, xảy ra từ tháng 2 đến tháng 5 ở huyện Châu Thành, Ba Tri và Bình Đại và từ tháng 7 đến tháng 10 ở huyện Giồng Trôm và Thạnh Phú. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Trần Văn Hâu và Triệu Quốc Dương [4], hiện tượng dừa treo xuất hiện hầu hết ở các vườn điều tra với 90% nông hộ khảo sát có hiện tượng dừa treo và xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa.
3.2 Bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dừa ở Bến Tre
Bón phân đầy đủ cân đối có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình sinh trưởng, rút ngắn thời gian cho quả cũng như cải thiện được chất lượng quả và tăng khả năng chống chịu của cây dừa. Trong đó, bón phân lót là một trong những yêu cầu kỹ thuật cần thiết đối với trồng cây dừa [8–10]. 
Bảng 3 cho thấy có hơn 50% số hộ không thực hiện bót lót cho dừa, trong đó cao nhất là huyện Giồng Trôm với gần 90,0% số hộ và thấp nhất là huyện Ba Tri với hơn 50% số hộ, tỷ lệ hộ có thực hiện bón lót còn rất thấp, dao động từ 10,0 (ở huyện Giồng Trôm) đến 46,67% (ở huyện
Bảng 3. Bón phân cho cây dừa ở một số địa phương (huyện) tại tỉnh Bến Tre
Ba Tri). Trong đó, bón lót phân hữu cơ cho dừa được các hộ sử dụng nhiều hơn so với phân vô cơ.
Theo Trần Văn Hâu, dừa là cây sinh trưởng liên tục và ra hoa trên nách lá nên nếu được bón phân nhiều lần trong năm sẽ giúp cho cây ra hoa liên tục và có thể làm tăng số buồng hoa và năng suất. Bảng 3 cho thấy trong thời kì kiến thiết cơ bản (KTCB), số lần bón phân vô cơ tập trung từ 0 đến 6 lần/năm, trong đó tại huyện Châu Thành là bón 4 đến 6 lần/năm, chiếm tỉ lệ cao nhất (30,0%) và huyện Ba Tri và huyện Thạnh Phú chủ yếu là dưới 4 lần/năm với tỉ lệ lần lượt là 43,33% và 50,0% [11].
Theo tác giả Nguyễn Bảo vệ và cs., cây dừa trong thời kỳ kinh doanh cần lượng phân cung cấp hàng năm với nhiều lần bón nhằm đáp ứng sự sinh trưởng và ra hoa liên tục [10]. Kết quả nghiên cứu cho thấy: số lần bón phân vô cơ cho vườn dừa thời kì kinh doanh ở Bến Tre chủ yếu ở từ dưới 4 lần đến 6 lần/năm. Tại huyện Châu Thành, có đến 36,67% số hộ bón thúc từ 4 đến 6 lần/năm, 23,33% bón trên 9 lần/năm và 16,67% số hộ bón phân dưới 4 lần/năm. Huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại số lần bón chủ yếu là dưới 4 lần/năm, chiếm trên 50% số hộ khảo sát, kế đến là từ 4 đến 6 lần/năm với tỉ lệ từ 10,0 đến 30,0%, song việc áp dụng số lần bón trên 9 lần/năm với tỉ lệ nông hộ ở mức thấp. Đối với huyện Giồng Trôm, việc bón phân vô cơ cho cây dừa thời kì kinh doanh ít hơn so với các huyện khác nên chỉ có 13,33% số hộ có bón phân với số lần bón dưới 4 lần/năm (Bảng 3). Kết quả này tương đồng với kết quả khảo sát của Trần Văn Hâu và Triệu Quốc Dương cho thấy số lần bón phân cho dừa dao động từ 0 đến 4 lần/năm [4]. 
Bảng 4 cho thấy, các đối tượng sâu bệnh hại như bệnh thối ngọn, đuông dừa, kiến vương, bọ vòi voi, sâu đầu đen, và sâu bệnh khác đều xuất hiện trong vườn dừa ở tỉnh Bến Tre. Trong đó, kiến vương là đối tượng xuất hiện nhiều nhất với tỷ lệ hộ lựa chọn từ 6,67–26,67%, huyện Thạnh Phú và Bình Đại là hai huyện có dừa bị kiến vương gây hại phổ biến với tỷ lệ hộ lựa chọn lần lượt là 20,0% và 26,67%.
Theo Nguyễn Bảo vệ và cs., bệnh thối ngọn là một trong những bệnh gây hại nghiêm trọng trên cây dừa, trực tiếp gây chết cây do dừa là cây một lá mầm và có một đỉnh sinh trưởng [10]. Kết quả nghiên cứu này cũng ghi nhận bệnh thối ngọn là đối tượng gây hại phổ biến trên dừa ở Bến Tre với 05/05 huyện đều xuất hiện bệnh với tỷ lệ hộ trả lời từ 6,67% (huyện Giồng Trôm) đến 23,33% (huyện Bình Đại). Bọ vòi voi gây hại nhiều nhất ở huyện Bình Đại (23,33% số hộ) và ít nhất ở huyện Châu Thành (3,33% số hộ). Đối với sâu đầu đen, kết quả cho biết chưa ghi nhận gây hại trên dừa tại huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Thạnh Phú nhưng gây hại ở huyện Ba Tri (6,67% số hộ) và Bình Đại (23,33% số hộ). Ngoài ra, sâu bệnh khác cũng cho biết tỷ lệ xuất hiện gây hại ở Bến Tre là từ 23,33 đến 53,33% số hộ khảo sát (Bảng 4).
Phòng trừ sâu bệnh hại góp phần cải thiện và nâng cao năng suất và chất lượng quả dừa [10]. Bảng 4 cho thấy, tại huyện Châu Thành có đến 86,67% nông hộ và huyện Ba Tri là 73,33% nông hộ sử dụng biện pháp phòng trừ sâu, bệnh cho cây dừa. Tuy nhiên, ở huyện Ba Tri và Thạnh Phú có tỉ lệ nông hộ quan tâm đến vấn đề sâu bệnh hại thấp hơn tương ứng là 73,33% và 60%, riêng huyện Giồng Trôm chỉ có 23,33% số hộ là sử dụng biện pháp phòng trừ và gần 80% nông hộ không sử dụng. Trong các hộ có sử dụng biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại thì ở huyện Châu Thành và huyện Ba Tri có tỉ lệ nông hộ phun thuốc cao nhất và số lần từ 3 đến 6 lần/năm, còn lại đều dưới 3 lần/năm.
Bảng 4. Tình hình sâu, bệnh hại trong vườn dừa và biện pháp quản lý ở một số địa phương (huyện) tại tỉnh Bến Tre
3.3 Năng suất dừa và hiệu quả kinh tế từ cây dừa ở tỉnh Bến Tre 
Bảng 5. Tình hình về năng suất và thu hoạch dừa ở một số địa phương (huyện) tại tỉnh Bến Tre
Các yếu tố cấu thành năng suất (số buồng và số quả) và năng suất dừa có sự chênh lệch ở các địa phương trồng dừa tại tỉnh Bến Tre là do sự khác nhau về giống dừa, mật độ và chế độ chăm sóc (Bảng 5). Đối với chỉ tiêu số buồng/cây tại huyện Châu Thành ghi nhận có đến 50% số hộ có trên 12 buồng/năm và 36,67% số hộ có từ 10 đến 12 buồng/năm, tỉ lệ còn lại là cây dừa chưa đến thời gian cho quả là 13,33%. Kết quả này phản ánh giống dừa uống nước chiếm tỉ lệ lớn nên theo đặc tính giống, số buồng dao động từ 12 đến 14 buồng/năm [12]. Tại huyện Giồng Trôm có tỉ lệ số hộ có vườn dừa đạt từ 6 đến 8 buồng/năm là 50% và 8 đến 10 buồng/năm là 43,33% nhưng tỉ lệ số hộ có vườn dừa đạt trên 10 buồng/năm chiếm tỉ lệ rất thấp (6,67%), điều này phản ánh sự phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của giống dừa cao là do giống dừa cao có số buồng trung bình từ 8 đến 10 buồng [12]. Theo Phạm Thị Lan và cs., trong điều kiện được chăm sóc tốt như có bón phân  và tưới nước, giống dừa cao có thể đạt trên 10 buồng/năm và kết quả khảo sát ghi nhận ở bảng 5 cũng cho kết quả tương tự với số buồng từ 10 đến 12 buồng/năm chiếm tỉ lệ cao hơn từ 96,67 đến 100% [8]. Bảng 5 cho thấy năng suất dừa trung bình tại huyện Châu Thành đạt từ 81 đến 100 quả/cây/năm chiếm tỉ lệ cao nhất với 43,33% số hộ, năng suất này phổ biến trên giống dừa lùn. Tuy nhiên, cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, nhất là việc bón phân để có thể đạt năng suất tiềm năng của giống dừa lùn là 120–150 quả/cây/năm [8].
Ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri và Bình Đại, năng suất dừa từ 61 đến 80 quả/cây/năm chiếm tỷ lệ lần lượt là 66,67%, 60% và 46,67%. Tại huyện Thạnh Phú có năng suất từ 41 đến 60 quả/cây/năm chiếm tỉ lệ cao nhất (Bảng 5). Đối với các huyện còn lại có tỉ trọng giống dừa cao nhiều hơn, số liệu ghi nhận năng suất từ 41 đến 80 quả/cây/năm. Tuy nhiên tỉ lệ nông hộ có năng suất giống dừa cao còn thấp nên cần tăng cường việc bón phân và chăm sóc cho giống dừa cao nhằm nâng cao năng suất từ 61 đến 80 quả/cây/năm. Kết quả này tương tự với công bố trước đây về năng suất của giống dừa ta xanh, trung bình đạt 69 quả/cây/năm tại huyện Giồng Trôm vào năm 2011 [13].
Số lần thu hoạch dừa của nông hộ biến động phụ thuộc mùa vụ và thị trường. Phần lớn các hộ trồng dừa tại Bến Tre chủ yếu thu hoạch từ 11 đến 12 lần/năm với tỉ lệ trên 80% số hộ được khảo sát, về cách thức thu hoạch hiện nay tại các huyện khảo sát nói riêng và cả tỉnh Bến Tre nói chung chủ yếu do thương lái thu hoạch, đạt tỉ lệ trên 80% số hộ quan sát. Kết quả khảo sát ở bảng 5 còn cho thấy hình thức bán quả dừa khô là chủ yếu tại các huyện trồng giống dừa cao như Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú hay Bình Đại, trong đó huyện Thạnh Phú có đến gần 97% nông hộ trồng giống dừa cao và bán dừa khô. Riêng đối với huyện Châu Thành, tỉ lệ bán dừa nạo trên 70% số hộ quan sát, phản ánh việc đặc trưng trồng giống dừa lùn tại đây. Đồng thời, huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri cũng có tỉ lệ từ 20 đến 40% số hộ bán dừa nạo (dừa uống nước), còn lại là bán dừa khô (dừa lấy dầu), điều này cho thấy có việc trồng xen giống dừa lùn trong vườn dừa cao hoặc một số nông hộ bán quả dừa nạo từ giống dừa cao (Bảng 5).
Bảng 6 cho thấy, chi phí đầu tư cho vườn dừa dao động từ dưới 10 triệu đến trên 50 triệu đồng/ha/năm. Cụ thể như sau: tại huyện Châu Thành chi phí đầu tư cho vườn dừa chủ yếu từ 10 đến 30 triệu đồng/ha/năm với tỉ lệ lần lượt là 26,67% và 36,67%; hai huyện Giồng Trôm và Bình Đại 
có tỉ lệ nông hộ đầu tư ở mức từ 10 đến 20 triệu đồng/ha/năm là 80% và 56,67% và đối với hai huyện Ba Tri và Thạnh Phú có tỉ lệ nông hộ đầu tư ở mức từ 20 đến 30 triệu đồng/ha/năm là 53,33% và 46,67%. Điều này cho thấy, ở các huyện Châu Thành, Ba Tri và Thạnh Phú tỉ lệ nông hộ đầu tư cho vườn dừa cao hơn so với hai huyện Giồng Trôm và Bình Đại.
Bảng 6. Hiệu quả kinh tế từ vườn dừa ở một số địa phương (huyện) tại tỉnh Bến Tre
Thu nhập từ vườn dừa của nông hộ ở Bến Tre có sự chênh lệch cao giữa các huyện là do sự khác nhau về giống dừa, mức độ đầu tư, năng suất và giá bán. Bảng 6 cho thấy, tại huyện Châu Thành mức thu nhập dao động từ 50 đến 300 triệu đồng/ha/năm và tập trung nhất là từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm với tỉ lệ là 30%, điều này cho thấy lợi thế của việc trồng dừa lùn (hay giống dừa uống nước) có số lần thu hoạch nhiều hơn và giá bán cao hơn so với giống dừa cao. Tại huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri có mức thu nhập từ vườn dừa dao động từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm với tỉ lệ là 46,67% và 50,0%. Tại huyện Thạnh Phú và huyện Bình Đại có mức thu nhập phổ biến thấp hơn, từ 30 đến 50 triệu đồng/năm với tỉ lệ lần lượt là 70,0% và 43,33%. 
Lợi nhuận từ vườn dừa của nông hộ ở Bến Tre cũng có biến động lớn biến động lớn, ở huyện Châu Thành lợi nhuận của nông hộ từ vườn dừa dao động từ 30 đến 240 triệu đồng/ha/năm, nhưng tập trung cao ở mức 30 đến 60 triệu/đồng/năm và từ 90 đến 180 triệu đồng/năm. Đối với các huyện Giồng Trôm và Ba Tri, lợi nhuận phổ biến của nông hộ ở mức từ 30 đến 60 triệu đồng/ha/năm với tỉ lệ là 66,67% và 70,0% (Bảng 6). Lợi nhuận của nông hộ ở huyện Bình Đại chiếm nhiều nhất là dưới 60 triệu đồng/ha/năm với tỉ lệ trên 80%. Riêng đối với huyện Thạnh Phú, lợi nhuận đạt ở mức thấp nhất, dưới 30 triệu đồng/ha/năm với tỉ lệ 83,33% (Bảng 6). Hiệu quả kinh tế của các vườn dừa khảo sát có sự chênh lệch là do năng suất dừa không giống nhau giữa các huyện, trong đó phụ thuộc rất lớn vào tập quán canh tác của người dân về chế độ chăm sóc như bón phân, tưới nước hay bồi bùn [4].
4 Kết luận và kiến nghị
4.1 Kết luận
Tại tỉnh Bến Tre, dừa là cây trồng chủ lực với diện tích, năng suất và sản lượng tăng liên tục trong 10 năm qua (2012–2022) với số liệu năm 2022 lần lượt là 72.872 ha; 9,42 tấn/ha; 686.279 tấn.
Trong các địa phương trồng dừa được khảo sát, giống dừa cao phân bố chủ yếu ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm, riêng huyện Châu Thành trồng chủ yếu là giống dừa lùn, mật độ trồng dừa từ 160 đến 240 cây/ha và thời ra hoa từ 3 đến 6 năm sau trồng, bón phân cho vườn dừa thời kỳ kinh doanh từ 4 đến 6 lần/năm và phân bón chủ yếu là các loại phân vô cơ. 
Có năm đối tượng sâu, bệnh hại trên cây dừa gồm kiến vương, đuông dừa, bọ vòi voi, sâu đầu đen và bệnh thối ngọn nhưng mức độ gây hại thấp, tỷ lệ hại khác nhau ở các địa phương điều tra. Nông dân thường phun thuốc bảo vệ thực vật từ 3 đến 6 lần/năm để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây dừa.
Năng suất dừa ở các địa phương khảo sát biến động chủ yếu từ 80 đến 100 quả/cây/năm đối với giống dừa lùn và 40 đến 80 quả/cây/năm với giống dừa cao. Chi phí đầu tư hằng năm cho vườn dừa trong giai đoạn kinh doanh được người dân thực hiện dao động tập trung từ 10 đến 30 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 30 đến 100 triệu đồng/ha với lợi nhuận chủ yếu từ 30 đến 60 triệu đồng/ha.
4.2 Kiến nghị
Cần thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về quy trình bón phân, quản lý sâu, bệnh hại cho cây dừa góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển cây dừa theo hướng bền vững tại tỉnh Bến Tre.
Tài liệu tham khảo
1. Food and Agriculture Organization of the United Nations (2023), truy cập ngày 20 tháng 08 năm 2023, .
2. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2023).
3. Cheng-Xu, S., Hong xing, C., Hong bo, S., Xin tao, L., & Yong, X. (2011), Growth and physio-logical response to water and nutrient stress in oil palm, African Journal of Biotechnology, 10(51), 10465–10471.
4. Trần Văn Hâu, Triệu Quốc Dương (2011), Điều tra một số biện pháp canh tác, hiện tượng dừa không mang trái và áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp trên năng suất dừa Ta xanh (Cocos nucifera L.) tại tỉnh Bến Tre, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 17b, 272–281. 
5. Trần Tiến Khai, Lê Văn Gia Nhỏ, Nguyễn Văn An (2012), Đánh giá hiệu quả sản xuất dừa ở nông hộ tỉnh Bến Tre, Tạp chí Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, 262, 21.
6. Stephanie E. (2003). Slovin’s Formula for Sampling Technique. Houghton-Mifflin, New York, USA. 
7. Narayana, G. V., John, C. M.  (1949), Varieties and forms of coconut, Madras Agric J, 36, 349–366.
8. Phạm Thị Lan, Võ Văn Long, Nguyễn Thị Bích Hồng, Lưu Quốc Thắng và Phạm Phú Thịnh (2010), Nghiên cứu hoàn thiện các dữ liệu khoa học của bốn giống dừa bản địa làm cơ sở xin công nhận giống, Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ, Viện nghiên cứu dầu và Cây có dầu.
9. Baloch, P. A., Moizuddin, M., Imam, M., Abro, B. A., Lund, J. A., and Solangi, A. H. (2004), Effect of NPK Fertilizers and Farmyard Manure on Nut Production of Coconut (Cocos nucifera L.), Asian Journal of Plant Sciences, 3(1), 91–93.
10. Nguyễn Bảo Vệ, Trần Văn Hâu và Lê Thanh Phong (2005), Giáo trình Cây Đa Niên, Phần II cây công nghiệp, Tủ sách Đại học Cần Thơ, 3–47.
11. Trần Văn Hâu (2008), Giáo trình xử lý ra hoa cây ăn trái, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 304.
12. Đặng Xuân Nghiêm (1991), Cây dừa, Nxb. Nông nghiệp, 152.
13. Trần Văn Hâu và Nguyễn Chí Linh (2011), Khảo sát đặc tính ra hoa của một số giống dừa (Cocos nucifera L.) cao được trồng tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 17a, 210–218.

Thái Nguyễn Quỳnh Thư1, 2, Trần Đăng Hòa1, Nguyễn Đoàn Hữu Trí1, 2, Trần Thị Hoàng Đông1
1 Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, 102 Phùng Hưng, Huế, Việt Nam
2 Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, 171-175 Hàm Nghi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập 133, Số 3A, 2024




lên đầu trang