Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 01/11/2024 | 07:02

Thứ sáu, 01/11/2024 | 07:02

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:27 ngày 22/07/2019

Khuyến khích đầu tư cho khoa học và công nghệ

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, vai trò của khoa học và công nghệ (KH và CN) đang ngày càng được thể hiện rõ trong việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Khó khăn lớn nhất đối doanh nghiệp Việt Nam là chưa đủ tiềm lực để tự đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, chính sách chưa phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, cơ chế, chính sách về KH và CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động về KH và CN. Các chính sách hướng đến việc đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia để thúc đẩy kết quả nghiên cứu đến với thị trường, tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, phục vụ trực tiếp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu chi cho KH và CN của doanh nghiệp đã tăng lên, với sự đầu tư trọng điểm của một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn. Nhiều doanh nghiệp khi đã tích lũy được vốn, nhân lực thì có xu hướng đầu tư cho KH và CN, ứng dụng, đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng sự phát triển của nền kinh tế. Thí dụ, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) liên tục có những thay đổi, thành lập các viện nghiên cứu, công ty chuyên về công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài về làm việc. Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông xác định được vai trò của KH và CN trong sản xuất, do đó từ nhiều năm nay đã phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học đầu tư nghiên cứu các sản phẩm về chiếu sáng. Công ty đã chủ động được công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tập đoàn Vingroup gần đây đã thành lập viện nghiên cứu về công nghệ, dữ liệu lớn và mời được một số nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc. Tuy nhiên, nhìn chung, hoạt động đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của hầu hết doanh nghiệp. Ðể tạo ra sản phẩm mới thì cần sự đầu tư rất lớn, trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ tiềm lực để đổi mới công nghệ.
Thực tế cho thấy, vướng mắc lớn nhất vẫn là tìm nguồn đầu tư cho phát triển KH và CN. Việt Nam có đội ngũ cán bộ, nhà khoa học không thua kém các nước trong khu vực về trình độ, năng lực nhưng lại thiếu nguồn lực để tạo ra những sản phẩm khoa học thiết thực. Doanh nghiệp được coi là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nhưng họ vẫn thiếu nguồn lực để đổi mới. Hiện nay, doanh nghiệp được dành 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển KH và CN tại doanh nghiệp. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì mức 10% không đủ để đổi mới công nghệ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không đầu tư cho KH và CN. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn muốn đầu tư cho KH và CN nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế thì cũng bị giới hạn trần 10%. Theo TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, với những doanh nghiệp nhỏ chưa đủ tiềm lực thì khó có thể sử dụng 10% lợi nhuận trước thuế để đổi mới công nghệ do nguồn thu của họ cả năm chỉ khoảng vài tỷ đồng, 10% chỉ chiếm vài trăm triệu đồng thì quá ít để đầu tư. Nếu xây dựng một quỹ phát triển KH và CN của bộ, địa phương để đón nhận các nguồn đầu tư từ hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn thì sẽ có đủ nguồn lực đầu tư cho một vài doanh nghiệp chủ lực đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới. Khi doanh nghiệp được đầu tư, phát triển thành công thì những năm sau họ sẽ đóng góp nguồn vốn nhiều hơn cho quỹ để từ đó tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp khác. Làm được như vậy thì các doanh nghiệp sẽ không thiếu vốn để đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ.
Theo lãnh đạo Bộ KH và CN, thời gian qua, Bộ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Trong đó có việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Ðề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ, đủ trình độ tạo ra nhiều sản phẩm trọng điểm, có khả năng cạnh tranh cao. Ngoài ra, thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện giải pháp nhằm khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH và CN, đổi mới sáng tạo, trọng tâm sẽ tới từ doanh nghiệp. Thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua các dự án, nhiệm vụ hợp tác KH và CN, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, chuyển giao công nghệ, liên kết doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại các chương trình KH và CN quốc gia theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia. Trong đó sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh nghiệp, dịch vụ KH và CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH và CN.
Nhật Minh
lên đầu trang