Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 17:28

Thứ hai, 06/05/2024 | 17:28

Chính sách

Cập nhật lúc 13:13 ngày 25/04/2020

Doanh nghiệp Việt ngành công nghiệp hỗ trợ: Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Hội nhập sâu với thế giới giúp cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh, kéo theo nhu cầu nguyên liệu đầu vào ngày một cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như Đồng Nai đã tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Các doanh nghiệp Đồng Nai và Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác, cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ tại một hội nghị kết nối giao thương do Đồng Nai tổ chức
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, nắm bắt thời cơ, đầu tư đổi mới công nghệ, cùng với sự trợ giúp về thị trường, thông tin đối tác... từ Nhà nước chính là giải pháp để DN từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
* Tăng đầu tư, đổi mới công nghệ
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Dưới tác động của hội nhập, toàn cầu hóa, Chính phủ, các DN trong ngành CNHT đã có ý thức đầu tư đổi mới khoa học công nghệ để nâng chất lượng sản phẩm của mình.
Đánh giá về điều này, ThS.Bùi Thị Phương Thảo, Học viện Chính trị khu vực II nhận định:  “Sự chủ động của DN trong việc đầu tư dài hạn cho nghiên cứu, phát triển đã dẫn tới ngày càng nhiều DN ra đời dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 67 thế giới với 61,3 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2018, là năm mà chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta tăng mạnh nhất”.
Tại Đồng Nai, dù chưa thực sự bứt phá mạnh mẽ nhưng các DN cũng bước đầu có sự thay đổi. DN ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng ngang tầm thế giới, đồng thời giải quyết được bài toán hậu cạnh tranh bằng nhân lực giá rẻ.
Công ty TNHH Tương Lai ở H.Long Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm, linh kiện phụ trợ bằng nhựa, cao su phục vụ cho lắp ráp xe gắn máy, xe ô tô, khuôn mẫu và một số hàng chuyên dụng khác. Hiện mỗi năm, DN sản xuất được 2 triệu sản phẩm, linh kiện. Gần 90% trong số đó là tiêu thụ nội địa với đối tác là các DN nước ngoài trong các khu công nghiệp và một số nhà sản xuất, lắp ráp xe máy, xe ô tô, hơn 10% còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai Trương Quốc Cường, để có được kết quả trên là sự nỗ lực, bền bỉ của tập thể công ty trong nhiều năm trời, nhất là dồn mọi nguồn lực để đầu tư hàng chục tỷ đồng nhập máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Hiện công ty đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Các sản phẩm của Tương Lai bước đầu đã đạt được các yêu cầu của chương trình và trở thành một trong 25 nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn thế giới” - ông Cường cho hay.
Tương tự, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay, những năm qua, công ty rất nỗ lực để tìm đường cho sản phẩm xuất ngoại và cung ứng vào các DN nước ngoài. Công ty có năng lực sản xuất lên tới 150 tấn sản phẩm hàng hóa/tháng. Sản phẩm đã bán cho hơn 10 khách hàng thường xuyên là các DN trong nước và DN nước ngoài. Bên cạnh đó, các sản phẩm, chi tiết bằng gang xám, gang cầu, gang hợp kim, các sản phẩm bằng thép và thép hợp kim cũng xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản.
Cũng theo ông Tứ, để phát triển lớn mạnh hơn, công ty đang kêu gọi nhà đầu tư góp cổ phần, gia tăng năng lực sản xuất. “Chúng tôi luôn mong muốn hợp tác được với đối tác lớn, có đầu ra ổn định và mối liên hệ với nguồn nguyên liệu. Từ đó, Kim Vĩnh Thắng sẽ tập trung vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp cơ khí phụ trợ, vật tư ngành nước…” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng Phan Văn Tứ kỳ vọng.
* Đẩy mạnh kết nối giao thương, xuất khẩu tại chỗ
Đánh giá khá cao các DN Đồng Nai đã cung cấp được hàng CNHT cho DN Nhật Bản, ông Hideyuki Okada, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho hay: “Hiệp hội có hơn 1 ngàn hội viên và riêng Đồng Nai có hơn 130 hội viên. Các DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng như Đồng Nai có nhu cầu rất lớn về sản phẩm đầu vào tại thị trường nội địa. Đó cũng là lý do mà hằng năm hiệp hội phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa hai bên nhằm tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm”.
Cũng như các DN Nhật Bản, nhiều DN Hàn Quốc, Đài Loan và các nước khác tại Đồng Nai khẳng định, họ rất muốn hợp tác với các DN cùng lĩnh vực để giới thiệu, cung ứng sản phẩm cho nhau. Vì thế, trong các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, tỉnh hãy chọn riêng từng lĩnh vực để mời các DN trong nước, nước ngoài tham gia cho phù hợp. Đồng thời, tỉnh nên mời cả các DN nước ngoài trong vùng cùng tham gia  để tăng khả năng kết nối và hợp tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Bên cạnh xúc tiến thương mại sang các nước, Đồng Nai chú trọng xúc tiến thương mại tại chỗ để kết nối DN trong nước với DN nước ngoài trên địa bàn tỉnh cung ứng sản phẩm cho nhau. Có được nguyên liệu tại chỗ sẽ giúp DN chủ động sản xuất, bớt lệ thuộc, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế nhập khẩu và tăng xuất siêu”.
Theo đó, hằng năm, tỉnh đều tổ chức kết nối giao thương tại chỗ với các DN Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang sản xuất tại Đồng Nai. Đây là 3 nhà đầu tư có số vốn lớn, DN đông và có hiệp hội DN đại diện cho các hội viên hoạt động. Điều đó tạo sự thuận lợi và góp phần làm cho DN nước ngoài và DN trong nước cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau nhiều hơn.

Theo Sở Công thương, những năm gần đây, Đồng Nai tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đi các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc… để thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác với DN các nước sở tại. Khi tiềm lực DN trong nước ngày một nâng lên và để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nhất là những ngành CNHT, giải pháp “xuất khẩu tại chỗ” đã được thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tốt.
Nguồn: Báo Đồng Nai 
lên đầu trang