Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 00:43

Thứ hai, 06/05/2024 | 00:43

Chính sách

Cập nhật lúc 18:30 ngày 25/04/2020

Nền tảng số: Yếu tố nào quyết định thành công

Việt Nam sở hữu các nền tảng số hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực tương như trên thế giới. Một số nền tảng có tốc độ phát triển nhanh và mạnh, song cũng không ít tên tuổi nhanh chóng biến mất trên thị trường. Vậy yếu tố nào quyết định sự thành công của nền tảng số?
Với hơn 10 triệu người dùng (năm 2018) và thành công gọi vốn trị giá trị hơn 100 triệu USD từ Warburg Pincus; đồng thời lọt Top 100 công ty công nghệ tài chính lớn nhất toàn cầu - dịch vụ ví điện tử Momo là minh chứng điển hình cho nền tảng số có tốc độ phát triển nhanh và mạnh ở Việt Nam. Hay zalo - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí tương tự như Whatssap của facebook chứng kiến doanh thu tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2019 và lợi nhuận trước thuế tăng 1,5 lần lên mức 641 tỷ đồng.

Nội địa hóa là điều kiện để nền tảng số “Made in Vietnam” phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít những tên tuổi xuất hiện đình đám nhưng lại nhanh chóng đi lùi, thậm chí biến mất trên thị trường như Lotus, Gapo - mạng xã hội được kỳ vọng sẽ thay thế facebook.

Nhân tố quyết định đến thành - bại của các nền tảng số, được lý giải là bởi với những nền tảng Việt xây dựng dựa trên format của thế giới, nếu không có tính sáng tạo đặc biệt hoặc tính địa phương cao, sẽ không thể tham gia vào thị trường mà những “tay chơi ngoại quốc” đã chiếm vị trí độc tôn.

Tiễn sĩ Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cho rằng, từ bài học thất bại và thành công, cũng như quan sát những nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng nền tảng số, các nền tảng muốn vươn ra ngoài nước, trước hết nên đảm bảo sự sinh tồn tại thị trường nội địa. Và để cạnh tranh với những nền tảng đã có sẵn, đông người sử dụng, không còn cách nào khác ngoài gia tăng tính khác biệt và tính nội địa hóa.

Nhìn nhận về cơ hội phát triển nền tảng số Việt Nam, ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Venture Management Consulting Group (VMCG) - cho biết, các quốc gia đều có cơ hội sáng tạo ra nền tảng mới. Đặc biệt, Việt Nam là đất nước dân số đông, nếu một nền tảng có tới 100 triệu người dùng sẽ rất lớn và là mô hình kinh doanh đáng để suy nghĩ. Bên cạnh đó, chúng ta nhìn thấy một tất yếu, đó là các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp dần dần phải dịch chuyển lên các nền tảng số.

“Khi dịch Covid - 19 diễn ra, mọi người dành nhiều thời gian làm việc tại nhà, doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận khách hàng qua online, internet, thì rõ ràng họ đang sử dụng các nền tảng số. Đó là câu chuyện một mất một còn của doanh nghiệp hay tổ chức, nghĩa là, chúng ta không thể loại trừ câu chuyện nền tảng ra khỏi các hoạt động kinh tế - xã hội” - ông Trịnh Minh Giang nhấn mạnh và chia sẻ thêm, với các startup Việt Nam hiện nay, việc hiểu biết về nền tảng còn ít. Họ nghĩ chỉ cần copy mô hình và thay thế cái nọ, cái kia, nhưng ngay từ yêu cầu đầu tiên của nhà đầu tư đối với startup là sự đột phá trong một ngành hay lĩnh vực đã không có, thì con đường đi và chiến lược của họ có thể đã sai lầm, từ đó khó có thể cạnh tranh với các nền tảng khác trên thế giới.

Một số nghiên cứu cho rằng, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến chưa biết đến hồi kết với đại dịch Covid-19.

Quỳnh Nga- Theo Báo Công Thương

lên đầu trang