Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 07:27

Thứ tư, 08/05/2024 | 07:27

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:40 ngày 12/05/2020

Singapore: Chống gian lận thi cử bằng AI

Đại học Quản lý Singapore và Viện Công nghệ Singapore tiên phong sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ngăn chặn sinh viên gian lận khi thi trực tuyến.
Theo yêu cầu của hai trường đại học trên, trước khi thi, sinh viên phải gửi video quay không gian làm bài, ví dụ phòng và bàn học. Nhà trường sẽ khóa trình duyệt để sinh viên không thể truy cập các website khác hoặc chụp màn hình máy tính cho đến khi kết thúc bài thi.
Trong thời gian làm bài, sinh viên phải bật webcam. Quá trình thi sẽ được webcam ghi lại. Trường sẽ áp dụng thuật toán AI để theo dõi chuyển động mắt của sinh viên, từ đó phát hiện các hành vi gian lận (nếu có).
Phối hợp với nhà trường, giảng viên thiết kế đề kiểm tra hạn chế khả năng gian lận và chấm bài kỹ nhằm phát hiện những điểm tương đồng khả nghi giữa các bài làm nếu sinh viên trao đổi.
Sau kỳ thi, chỉ giảng viên khóa học được xem lại các đoạn băng ghi hình quá trình làm bài của thí sinh và kết quả giám sát của thuật toán.
Kỳ thi trực tuyến tại Đại học Quản lý Singapore diễn ra từ ngày 13 đến 24/4, sinh viên Viện Công nghệ Singapore sẽ làm bài thi từ ngày 27/4 đến 8/5.
Phát ngôn viên của Đại học Quản lý Singapore cho biết nhà trường đã sử dụng AI chống gian lận từ hai năm trước, nhưng chỉ trong trường hợp sinh viên bị ốm, không thể đến trường thi hoặc trong các kỳ thi quốc tế. Trước đó, nhà trường đã tổ chức thi thử để sinh viên làm quen với phương pháp.
Tuy nhiên, người phát ngôn nhấn mạnh biện pháp này không thể đảm bảo tuyệt đối sinh viên sẽ không gian lận vì giống với các kỳ thi truyền thống khác, thi online cũng có thể có kẽ hở.
Giáo sư Lieven Demeester, giảng viên môn Kinh doanh tại Đại học Quản lý Singapore kể về lần đầu sử dụng AI vào đầu tháng 4 để tổ chức bài kiểm tra online 2 tiếng cho 40 sinh viên: "Tôi hướng dẫn sinh viên từ trước và yêu cầu các em quay dưới bàn ghế, túi quần áo để chắc chắn họ không giấu tài liệu".
Sau bài thi, giáo sư Lieven dành 90 phút để xem lại đoạn băng ghi hình của 40 sinh viên. Ông cho biết không cần xem từng giây trong video vì thuật toán sẽ xác định nếu trong khung hình xuất hiện người lạ. "Phòng thi thường chỉ có một giám thị nên khó quan sát hết toàn bộ sinh viên. Nhưng với hình thức này, mọi hành vi đều được ghi lại để giảng viên theo dõi", giáo sư Lieven nói.
Khi theo dõi băng ghi hình, giáo sư Lieven phải lưu ý kỹ những chuyển động bất thường của sinh viên lặp lại có chủ đích hay không vì không phải mỗi hành động bất thường đều có tính gian lận.
Ngọc Diệp (Theo https://www.straitstimes.com/singapore/education/coronavirus-smu-uses-artificial-intelligence-to-deter-cheating-in-online-exams) 

lên đầu trang