Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:53

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:53

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:04 ngày 05/06/2020

Sở hữu trí tuệ: Đòn bẩy cho sản phẩm chủ lực

Một trong những hướng ưu tiên để nâng cao sức cạnh tranh cho nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm làng nghề của Việt Nam là xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).    
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động SHTT tại các địa phương đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp. Đến nay, có 36.021 đơn vị đăng ký quyền sở hữu công nghiệp được nộp; 3.053 văn bằng bảo hộ được cấp. Hầu hết các địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc sản của địa phương, và tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Nhờ đó nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý giúp nhiều nông sản nâng cao giá trị
Điển hình, nhờ xây dựng chỉ dẫn địa lý, đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ đã góp phần thúc đẩy sản phẩm dừa Bến Tre đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Hiện Bến Tre có gần 72.000 ha, 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái.
Còn cá thát lát Hậu Giang, sau khi được bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã có giá bán tăng 30 - 40% so với sản phẩm cùng loại không được bảo hộ. Tương tự, tại Quảng Ninh, từ khi có chỉ dẫn địa lý, giá trị thương hiệu của sản phẩm tăng mạnh, nhất là sản phẩm nông nghiệp gia tăng từ 20 - 50%. Sản phẩm tôm sinh thái Cà Mau sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể giá bán cũng tăng lên 20%, tạo hàng nghìn việc làm ổn định cho người dân. Cam Vinh, Nghệ An sau khi dán tem truy xuất nguồn gốc đã tăng giá trị từ 25 - 30% so với khi chưa được dán tem…
Từ góc độ doanh nghiệp, Công ty TNHH Cường Tân - công ty gia đình siêu nhỏ, sau 10 năm mua bản quyền giống lúa TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, đã giúp vùng nông thôn nghèo sản xuất manh mún của 3 huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường (Nam Định) thành làng nghề lớn sản xuất hạt giống lai F1, với cánh đồng giống 500 ha, sản xuất giống 2 vụ 1.000 ha/năm.
Ngày nay, việc bảo đảm tài sản trí tuệ tuy không bắt buộc nhưng các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả… ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp, cũng như tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở cả trong và ngoài nước, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm càng cấp thiết hơn, nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Theo nhận định của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), chương trình phát triển tài sản trí tuệ được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Đến nay, chương trình đã bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương; 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT và hỗ trợ bảo hộ, áp dụng thực tiễn sáng chế cho 51 giải pháp kỹ thuật.
Tuy nhiên, hoạt động SHTT của địa phương còn gặp một số thách thức như: Nhận thức về bảo vệ quyền SHTT thấp; thời gian đăng ký xác lập quyền kéo dài; sự phối hợp giữa các ngành trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa chặt chẽ; những hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp; việc quản lý, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ còn gặp khó khăn.
Các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh, những thương hiệu có danh tiếng và uy tín… là những tài sản có giá trị về mặt kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đề ra các chính sách, biện pháp, để thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho đặc sản địa phương rất quan trọng.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang