Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 00:21

Thứ tư, 08/05/2024 | 00:21

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:01 ngày 09/08/2014

Định hướng phát triển khoa học và công nghệ ngành Công thương giai đoạn đến năm 2020

 I. Thực trạng phát triển KH&CN ngành Công Thương

1. Thực trạng về tổ chức và tiềm lực KH&CN

Mạng lưới các tổ chức KH&CN của Bộ Công Thương hiện có 24 viện nghiên cứu, bao gồm 11 Viện trực thuộc Bộ và 13 Viện trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty 90 và 91. Trong số 24 viện nghiên cứu, có 02 Viện nghiên cứu về chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại và 22 viện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của các lĩnh vực công nghiệp khác nhau như: điện, than, dầu khí, luyện kim, hoá chất, cơ khí, dệt may, da giầy, giấy, thuốc lá v.v.. Đến nay, ngoài 2 viện nghiên cứu chiến lược chính sách, 22  viện nghiên cứu còn lại đã được chuyển đổi và đang hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN tự trang trải, tự chịu trách nhiệm; trong đó, có 3 viện chuyển đổi theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, nhiều viện có doanh nghiệp (công ty) trực thuộc viện. Ngoài 24 viện nghiên cứu, Bộ Công Thương còn có 3 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 53 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trong đó có 11 trường đại học với nhiều cán bộ có trình độ cao có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự phát triển của ngành.

Các tổ chức KH&CN đã được quan tâm đầu tư phát triển cơ sở vật chất từ các nguồn vốn như: NSNN, nguồn vốn của tập đoàn, tổng công ty, vốn tự có hoặc các nguồn khác phục vụ nghiên cứu KH&CN.  

Phát triển nguồn nhân lực luôn được quan tâm trong các viện, trường của Bộ Công Thương coi trọng. Tỉ lệ cán bộ có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ tại các viện nghiên cứu khoảng trên 10,0%, trình độ kỹ sư/cử nhân gần 50%. Hàng năm, Bộ Công Thương và các Tập đoàn/Tổng Công ty đều có các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế về KH&CN để nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động KH&CN. Các trường đào tạo của Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực trong công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực KH&CN cho ngành.

2. Nhiệm vụ KH&CN và đầu tư của Nhà nước cho KH&CN

Hiện tại, Bộ Công Thương được giao quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hai cấp là cấp Quốc gia (Nhà nước) và cấp Bộ.

a) Nhiệm vụ cấp Quốc gia:

Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp quản lý bao gồm Nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia (Chương trình KC, KX), các nhiệm vụ độc lập (đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN)  và nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư ký với nước ngoài.

Nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia do Bộ Công Thương trực tiếp quản lý:

  • Trong 5 năm vừa qua, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện 06 Chương trình/Đề án cấp Quốc gia như:
  • Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020;
  • Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn 2025;
  • Đề án Đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025;
  • Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025;
  • Đề án phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020;
  • Chương trình khoa học và công nghệ về phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020.

Các nhiệm vụ KH&CN thuộc nhóm này do Bộ Công Thương chủ trì tuyển chọn, giao nhiệm vụ, quản lý thực hiện và tổ chức đánh giá, nghiệm thu.

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2012 - 2013, Bộ Công Thương tiếp tục được giao thêm một số Chương trình, Đề án như: Đề án thực thi rào cản kỹ thuật trong thương mại; Chương trình nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa công nghiệp; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Dự án nghiên cứu thay thế túi ni lông khó phân hủy, Chiến lược áp dung công nghệ sạch. Tuy nhiên các Chương trình, Đề án này chưa được cấp kinh phí hoặc mới bắt đầu được cấp một phần nhỏ kinh phí nên việc triển khai còn hạn chế.

b) Nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ:

Nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ bao gồm: đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dự án sản xuất thử nghiệm; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ hoạt động của các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; lưu giữ và phát triển nguồn gen (các giống cây bông, thuốc lá, nguyên liệu giấy và cây có dầu); thông tin khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tăng cường trang thiết bị và sửa chữa, xây dựng nhỏ chống xuống cấp phòng thí nghiệm; trong đó, các nhiệm vụ thông tin, hợp tác quốc tế, tăng cường trang thiết bị và sửa chữa xây dựng nhỏ chỉ được phân bổ cho 11 viện trực thuộc Bộ.

c) Đầu tư của Nhà nước cho KH&CN:

Trong giai đoạn 2010 - 2014, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN của Bộ Công Thương nhìn chung đều tăng, từ 214,208 tỉ đồng năm 2010 lên 304,43 tỉ đồng năm 2014. Theo thống kê, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp Quốc gia tăng mạnh chủ yếu tập trung vào các chương trình, đề án cấp Quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Kinh phí cho các nhiệm vụ độc lập cấp Quốc gia không tăng. Kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ tăng rất thấp; trong đó, tỉ lệ chi hỗ trợ lương và hoạt động bộ máy của các viện thuộc Bộ khoảng 20-25%, chi tăng cường trang thiết bị, sửa chữa chống xuống cấp phòng thí nghiệm, hợp tác quốc tế cho các viện thuộc Bộ khoảng 13-15%. Như vậy, trong tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cấp Bộ phải dành ra khoảng 35-38% cho các viện trực thuộc Bộ (theo quy định của Bộ Tài chính, các viện thuộc tập đoàn, tổng công ty không được thụ hưởng các nội dung chi này, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các viện); phần kinh phí cấp Bộ dành cho các đề tài nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm chỉ còn khoảng 50% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cấp Bộ và hàng năm tăng rất ít.

3. Đóng góp của hoạt động KH&CN ngành công thương

Bộ Công Thương luôn xác định nghiên cứu và phát triển KHCN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực của sự phát triển để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và đóng góp tích cực trong công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm mới mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhiều thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ thế giới đã được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành. Tỷ trọng các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh ngày càng cao. Đặc biệt, đã xuất hiện các công trình khoa học đạt tầm cỡ khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí. Trong giai đoạn 2010-2014, các đơn vị trong Bộ Công Thương đã được các Hội đồng Giải thưởng về khoa học và công nghệ xét trao tặng 01 giải thưởng Hồ Chí Minh, 03 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, nhiều Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và Giải thưởng sáng tạo khoa học nữ. Có thể điểm qua một số thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực khác nhau như sau:

  • Trong lĩnh vực cơ khí –Điện tử-Tin học: đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn, trong đó có thiết bị thủy công cho nhà máy thủy điện Sơn La; hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện công suất 1 triệu m3/h cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW, dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng lò quay công suất từ 1 đến 2 triệu tấn xi măng/năm, hệ thống băng tải vận chuyển đất đá dài đến 5 km, hệ thống thiết bị sản xuất bê tông dự lạnh, năng suất 120m3/h dùng cho xây dựng đập bê tông khối lớn phục vụ công trình thủy điện Sơn La, máy CNC sản xuất cốt thép của ống bê tông kích thước lớn, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam, dây chuyền chế biến thức ăn gia súc v.v...
  • Trong lĩnh vực khoáng sản - luyện kim - hoá chất: đã làm chủ công nghệ cơ giới hóa khai thác sử dụng dàn chống tự hành phù hợp đối với điều kiện địa chất các vỉa có độ dốc đến 350 tại vùng Quảng Ninh, công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác lò chợ hạ trần than nóc, công nghệ giám sát khí mêtan phục vụ an toàn lao động trong khai thác than hầm lò, công nghệ luyện thiếc chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, công nghệ sản xuất formaldehyt, công nghệ sử dụng quặng apatit tuyển ẩm không qua sấy để sản xuất supe lân thương phẩm v.v...
  • Trong lĩnh vực năng lượng: đã nghiên cứu làm rõ tiềm năng dầu khí và chính xác hoá trữ lượng dầu khí toàn khu vực thềm lục địa và lãnh thổ Việt Nam, phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, góp phần quan trọng vào công tác tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu qủa các mỏ dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam thềm lục địa Việt Nam; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo máy biến áp điện lực đeens 500kV, dao cách ly có điều khiển điện áp 220 kV và máy ngắt điện áp đến 35 kV, thiết bị trạm pin mặt trời phục vụ miền núi và hải đảo v.v.. Cụm công trình “Nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ về tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granite trước Đệ tam, Bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”  đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. 
  • Trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm: đã nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại thông qua kỹ thuật nuôi cấy Invitro để sản xuất và cung cấp hạt giống thuốc lá chất lượng cao thay thế các giống cũ đã bị thái hoá có chất lượng thấp; tạo các giống bông mới, được công nhận giống quốc gia VN04-3, VN04-4 sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và hiệu quả kinh tế, chất lượng xơ tốt,  có khả năng chống chịu sâu bệnh; công nghệ tẩy trắng bột giấy sunphat từ nguyên liệu gỗ cứng theo phương pháp ECF; công nghệ sản xuất men hiệu ứng chìm cho gạch ốp lát; công nghệ tinh chế hỗn hợp axít béo omega 3 và omega 6 từ nhân hạt Hồ Đào để ứng dụng trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm chức năng v.v..

Ngoài thành tựu trong nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm, hoạt động KH&CN của Bộ Công Thương còn được mở rộng và phát triển trong các lĩnh vực tư vấn thiết kế, quản lý, giám sát các dự án đầu tư (Ví dụ, thiết kế các thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị cho các dây chuyền sản xuất xi măng, tư vấn quản lý đầu tư nhà máy alumin Tân Rai công suất 600.000 tấn/năm v.v..).

4.  Những khó khăn, vướng mắc và hạn chế

a) Về cơ chế quản lý

  • Nhà nước vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước, thông qua đó, phát triển tiềm lực KH&CN trong nước. 
  • Việc thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các hướng dẫn và sự chuyển đổi về cơ chế quản lý còn thiếu đồng bộ.
  • Cơ chế quản lý tài chính trong sử dụng kinh phí từ nguồn sự nghiệp còn chưa khoa học, mang nặng tính thủ tục hành chính, chưa thực sự gắn chi phí với kết quả cuối cùng, gây mất nhiều thời gian trong hoàn thành các thủ tục giải ngân; các định mức chi còn lạc hậu, chưa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Chưa có cơ chế quản lý hiệu quả trong việc gắn trách nhiệm của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

b) Về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu

  • Ở một vài viện nghiên cứu chuyên ngành, đặc biệt là viện thuộc tổng công ty, các thiết bị nghiên cứu bị xuống cấp và lạc hậu về công nghệ, cũ về kỹ thuật, không thích hợp và không theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
  • Phần lớn các viện nghiên cứu đều thiếu hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu quy mô pilot, quy mô sản xuất thử nghiệm - là giai đoạn nghiên cứu rất quan trọng để khẳng định công nghệ và đánh giá khả năng phát triển công nghệ ra thị trường. Quy định về tỉ lệ hỗ trợ từ NSNN vẫn còn chưa đủ hấp dẫn và thuận lợi để thúc đẩy chuyển giao, áp dụng vào sản xuất thấp.

c) Về nguồn nhân lực

  • Ở một số Viện nghiên cứu, tình trạng thiếu hụt cán bộ nghiên cứu có trình độ, kinh nghiệm và thông thao ngoại ngữ khá trầm trọng.
  • Hiện tượng chảy máu chất xám từ các viện nghiên cứu, đặc biệt là các viện có mức thu nhập ở mức trung bình về khu vực tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài là một vấn đề gây khó khăn cho các viện nghiên cứu của Nhà nước.

d) Về sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp và hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế

Sự phối hợp giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc hình thành nội dung nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả còn chưa tốt. Nhiều nội dung nghiên cứu được hình thành từ nhu cầu của doanh nghiệp nhưng khi được các viện tổ chức nghiên cứu thành công vẫn khó thuyết phục được các doanh nghiệp đầu tư để áp dụng hoặc chuyển giao.

Tính hệ thống trong tổ chức, hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số đơn vị vẫn còn rời rạc; đội ngũ cán bộ chuyên trách trong công tác nghiên cứu khoa học còn hạn chế; các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn nhỏ lẻ, chưa được phổ biến nhân rộng.

II. Định hướng phát triển KH&CN ngành Công Thương đến năm 2020

Ngày 06 tháng 8 năm 2013, tại Quyết định số 5540/QĐ-BCT Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020”. Triển khai Chiến lược đã được phê duyệt, hoạt động KH&CN ngành Công Thương đến năm 2020 cần phát triển theo các định hướng sau:

a)  Hoà̀n thiện mô hình tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động KH&CN

  • Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn dịch vụ KHCN: Hoàn thiện công tác chuyển đổi mô hình chuyển đổi theo hướng viện tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoặc doanh nghiệp KH&CN.
  • Hoàn thiện cơ chế quản lý: Hoàn thiện cơ chế quản lý KH&CN theo hướng gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu với yêu cầu đổi mới, hoàn thiện công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới của ngành, gắn kết trách chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển ngành ngay trong quá trình hình thành, quản lý, nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
  • Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, dịch vụ KH&CN nhằm đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu, chuyển giao thành tựu KH&CN phục vụ phát triển ngành: đẩy mạnh các hình thức phát triển thị trường KH&CN như tham gia các hội chợ Techmart, triển lãm giới thiệu công nghệ trong và ngoài nước, xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử hoặc sàn giao dịch điện tử về các sản phẩm công nghệ, các kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao v.v...

b) Nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN

Tăng cường cơ sở vật chất của các tổ chức KH&CN

  • Cải tạo, nâng cấp và đổi mới trang thiết bị hiện có của các phòng thí nghiệm theo hướng hiện đại, đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu phân tích, thí nghiệm phục vụ nghiên cứu.
  • Tiếp tục đầu tư chiều sâu, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu thực nghiệm, kể cả các phòng thí nghiệm trọng điểm với trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu trong các lĩnh vực mới của ngành.
  • Chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức KH&CN.

Phát triển nguồn nhân lực KH&CN tương ứng với yêu cầu phát triển

  • Đào tạo ngắn hạn nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tổ chức, quản lý công tác thực nghiệm, nghiên cứu cũng như trình độ ngoại ngữ, tin học.
  • Đào tạo dài hạn, đào tạo nâng cao trong và ngoài nước để có được những cán bộ nghiên cửu đủ năng lực chủ trì các công trình nghiên cứu ở trình độ cao, ngang tầm khu vực và thế giới.
  • Chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí khác nhau để đầu tư phát triển nguồn nhân lực KH&CN.  

c) Đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển bền vững của ngành, nghiên cứu làm chủ và phát triển các thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới, phát triển công nghệ nội sinh

Trong lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa

  • Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh thiết kế sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; kiểm tra chất lượng sản phẩm.
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy điện bao gồm thủy điện, nhiệt điện với khả năng nội địa hóa đến 45% về giá trị, 80% về khối lượng; nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị, mô đun cơ khí đơn giản trong nhà máy điện hạt nhân.
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lương mặt trời, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt, năng lượng từ rác thải.
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy khai thác chế biến bô xít nhôm với khả năng nội địa hóa đến 50% về giá trị, 85% về khối lượng.
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, cung cấp các nhà máy công nghiệp hóa chất với khả năng nội địa hóa đến 40% về giá trị.
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, cung cấp các giàn khoan, khai thác dầu khí trên biển với khả năng nội địa hóa đến 45% về giá trị, 80% về khối lượng.
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, cung cấp các loại tàu chứa dầu, chứa và chế biến dầu FSO, FPSO phục vụ ngành khai thác và chế biến dầu khí.
  • Nghiên cứu làm chủ công nghệ và thiết bị điều khiển tự động hoá trong khai thác, thăm dò và chế biến dầu khí, hóa dầu, điện khí-than ...; công nghệ điều khiển tự động hoá phục vụ việc nghiên cứu chế tạo rôbốt thông minh, rô bốt dịch vụ,…; bộ điều khiển số cho các máy công cụ và gia công cơ khí.
  • Nghiên cứu công nghệ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí chính xác, hoá chất, cao su, nhựa, điện, điện tử, vật liệu mới; sản xuất linh kiện, phụ tùng xe máy với chất lượng ngày càng cao.

Trong lĩnh vực khoáng sản, luyện kim, hoá chất

  • Nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng thay thế thiết bị cũ, đồng bộ hóa thiết bị, áp dụng các công nghệ tiên tiến, cơ giới hoá và tự động hóa trong các công đoạn khai thác, chế biến .
  • Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới phục vụ khai thác như thiết bị phục vụ cơ giới hoá khai thác, đào lò; thiết bị phụ trợ và vận tải mỏ, các thiết bị sàng tuyển, chế biến, bốc rót than và khoáng sản khác ...
  • Nghiên cứu đổi mới, sử dụng các loại thuốc tuyển nổi thế hệ mới có hoạt tính và tính chọn riêng cao nhằm nâng cao mức thực thu các khoáng vật có ích chính, ít gây ô nhiễm môi trường trong các nhà máy tuyển nổi.
  • Nghiên cứu công nghệ chế tạo gang và thép hợp kim đặc biệt cho ngành chế tạo máy, xây dựng, cầu cống và một số ngành công nghiệp chuyên dùng khác.
  • Nghiên cứu nắm bắt công nghệ sản xuất thép lò điện từ sản phẩm hoàn nguyên trực tiếp, công nghệ luyện kim phi cốc.
  • Nghiên cứu phục vụ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các nhà máy sản xuất phân lân, phân NPK, phân hữu cơ sinh học; phát triển đa dạng các loại phân hỗn hợp; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm gốc sinh học, sử dụng các hoạt chất thế hệ mới, các dung môi ít gây ô nhiễm môi trường.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp hoá dược ...

Trong lĩnh vực năng lượng (điện và dầu khí)

  • Tập trung nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến áp dụng cho sản xuất và truyền tải điện năng.
  • Trong lĩnh vực nhiệt điện chạy than, tập trung nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng than antraxit, giảm hàm lượng cacbon trong tro xỉ, nâng cao hệ số vận hành của các nhà máy cũ đang vận hành; ứng dụng các thiết bị đo lường tiên tiến cho các nhà máy nhiệt điện mới.
  • Trong lĩnh vực thủy điện, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn đập và quản lý an toàn đập; quy trình xây dựng các đập thủy điện ...; triển khai áp dụng công nghệ theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị, công nghệ bảo dưỡng theo trạng thái thiết bị ...
  • Trong lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, nghiên cứu phát triển và ứng dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời; phát triển công nghệ khí sinh học cho sản xuất điện năng và nhiệt năng;
  • Trong lĩnh vực truyền tải, nghiên cứu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới truyền tải; lựa chọn và ứng dụng công nghệ truyền tải điện năng với cấp điện năng trên 500 kV; phát triển cân đối cơ cấu chiều dài đường dây; ứng dụng vật liệu mới trong lưới điện, cách điện, dây dẫn chịu nhiệt, dây dẫn hợp kim, dây dẫn nhôm lõi sợi cacbon ...; triển khai các hệ thống điều độ tiên tiến ...
  • Trong lĩnh vực dầu khí, nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến trong tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, sử dụng khí; phát triển các mỏ nhỏ, mỏ nước sâu xa bờ, các mỏ khí có hàm lượng C02 cao; nâng cao hệ số thu hồi dầu của các mỏ đang khai thác.
  • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm

  • Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng các giống cây nguyên liệu như cây thuốc lá, cây nguyên liệu giấy, cây bông, cây có dầu ...
  • Nghiên cứu phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất bột cơ học tẩy trắng, bột giấy theo hướng ứng dụng các chế phẩm sinh học, công nghệ sản xuất các loại giấy kỹ thuật, giấy đặc biệt dùng cho in ấn, giấy dán tường ...
  • Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, nguyên liệu dệt mới từ bông Việt Nam, tơ tằm, đay/gai/lanh, xơ sợi tổng hợp (lyocell, PES biến tính), xơ sợi có nguồn gốc thực vật …; nâng cao chất lượng các sản phẩm da giầy, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
  • Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản mới trong các lĩnh vực mang tính thời trang như da giày, dệt may.
  • Nghiên cứu phát triển các giống cây có dầu mới gắn với phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng địa bàn sản suất.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, bao gồm các lĩnh vực công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein.
  • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để phân lập và tạo ra các chủng vi sinh vật mới, có chất lượng tốt, ổn định, hiệu suất lên men cao.

e) Trong lĩnh vực công nghiệp môi trường

  • Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí), sản xuất vật liệu phục vụ xử lý môi trường.
  • Đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ và nhân rộng các loại công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường, đặc biệt là các thiết bị có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị DeSOx, DeNOx, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại v.v..
  • Nghiên cứu công nghệ chế tạo các thiết bị xử lý môi trường, các thiết bị quan trắc, phân tích môi trường và các dụng cụ phục vụ lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển, phân tích môi trường.
  • Nghiên cứu các quy trình lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển chất thải, phân tích môi trường, quy trình tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phục hồi môi trường.

g) Trong lĩnh vực hiến lược, chính sách phát triển thưng mại và công nghiệp

  • Nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển bền vững các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam đến năm 2020.
  • Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, cơ chế điều hành quan hệ cung cầu và ứng phó với những đột biến của thị trường trong thời kỳ hội nhập.
  • Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nâng cao khả năng tham gia vào hệ thống cung ứng toàn cầu; tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam.
  • Nghiên cứu khả năng ký kết các FTA với các đối tác thương mại lớn và đánh giá tác động và khai thác có hiệu quả các cam kết này cho phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam.
  • Nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ tái cơ cấu lại hoạt động thương mại phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hậu khủng hoảng.+ Nghiên cứu phát triển xuất khẩu dịch vụ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng các điểm Logistic trên lãnh thổ Việt Nam.

Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương
lên đầu trang