Thông qua những hoạt động thiết thực như tổ chức kết nối, đào tạo cải tiến năng suất... đã giúp các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt tiếp cận với doanh nghiệp (DN) FDI cũng như những tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Mới đây, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Techtronic Industries Co. Ltd - TTI) đã tổ chức Chương trình Các nhà cung cấp Việt Nam năm 2020 tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP). Tại đây, TTI trưng bày những sản phẩm CNHT mà DN này cần cung cấp thuộc 4 lĩnh vực: Phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại. Hoạt động đã thu hút sự tham gia của 300 DN, nhà cung cấp trong nước.
TTI kỳ vọng tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam lên 80% vào năm 2021 Nhiều DN đến tham gia như Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Công ty TNHH Thiết kế chế tạo máy Nhật Minh, Công ty CP Cơ khí Vĩnh Tường… đã giới thiệu khả năng cung ứng của mình và rất tự tin trước TTI. Theo các DN, nếu được tập đoàn này chọn là nhà cung cấp họ sẽ được tham chuỗi cung ứng thế giới. Bởi TTI hiện có 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu, với doanh thu hơn 7,6 tỷ USD trong năm 2019; trong đó, hơn 88% doanh thu ở mảng thiết bị điện, phụ kiện, dụng cụ lưu trữ, dụng cụ cầm tay…
Không chỉ giới thiệu năng lực, các DN còn chia sẻ những băn khoăn trong đầu tư để sản xuất sản phẩm CNHT, đáp ứng yêu cầu của các công ty FDI đầu cuối nói chung và TTI nói riêng; đồng thời đặt câu hỏi liệu công ty FDI có cam kết nào để DN yên tâm đầu tư sản xuất, cũng như có cam kết hỗ trợ DN Việt hoàn thiện năng lực sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập chuỗi cung ứng hay không? Các DN còn nêu khó khăn trong quá trình thanh toán do quy trình trả tiền thường kéo dài từ 90 - 120 ngày. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với DN vừa và nhỏ.
Với những băn khoăn của DN, ông Nate Easter - Phó Chủ tịch Điều hành hoạt động tìm nguồn cung ứng và sản xuất sản phẩm ngoài trời toàn cầu của TTI - cho biết: Công ty Việt Nam muốn gia nhập vào chuỗi cung ứng của TTI cần phải đáp ứng những tiêu chí nhất định như an toàn chất lượng, chất nguy hại, chất lượng lao động và thời gian sản xuất dưới 14 ngày…
Vị này cũng nêu điểm yếu của DN Việt hiện đang vấp phải là rào cản về chi phí đầu tư, cạnh tranh giá cả toàn cầu và vấn đề liên quan đến kỹ thuật. "Chúng tôi kỳ vọng trong 2 năm tới thu hút khoảng 180 - 200 DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021. Để đạt kỳ vọng, TTI đã có những hỗ trợ về tư vấn giúp DN cải tiến năng suất, chất lượng" - ông Nate Easter thông tin.
Theo Bộ Công Thương, để tạo đà cho CNHT phát triển thì một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa DN CNHT với DN sản xuất đầu cuối, DN FDI. Chính vì vậy, các hoạt động kết nối trực tiếp giữa DN CNHT với DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam rất thiết thực; tạo cơ hội cho DN có điều kiện mở rộng hợp tác, trở thành nhà cung cấp cho DN FDI. Do đó, trong hai năm 2018 - 2019, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tập đoàn Samsung triển khai Dự án Hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Đã có 40 DN Việt Nam nhận sự hỗ trợ đào tạo từ Tập đoàn này và tất cả đều có kết quả rõ rệt trong cải tiến sản xuất như: Tăng năng suất ít nhất 70%, giảm khoảng 50% tỷ lệ lỗi công đoạn, tăng độ chính xác của kế hoạch sản xuất, góp phần giúp quản lý tồn kho, giao hàng, phân tích tổn thất…
Theo nhận định của DN CNHT Việt Nam, các hoạt động kết nối trực tiếp giữa DN với DN đã tạo ra cơ sở tương đối chuẩn mực về điều kiện mua hàng. DN được chọn lựa vào kết nối là DN chủ lực, có tiềm năng, nên việc kết nối sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. |
Báo Công Thương