Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:30

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:30

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:21 ngày 26/08/2014

Tiếp “lửa” cho những người trẻ làm khoa học

Việt Nam đang có một đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trẻ rất tiềm năng, tuy nhiên để “hút” được họ tham gia vào nghiên cứu và say mê với nghề, điều quan trọng nhất là sự công bằng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ hay nguồn ngân sách của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học.

Tiếp “lửa” cho những người trẻ làm khoa học

Những hỗ trợ cụ thể sẽ thôi thúc người trẻ nghiên cứu khoa học

Theo ước tính của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Việt Nam có khoảng 4,2 triệu người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó nhóm tuổi 20-29 chiếm 34,58%, nhóm tuổi 30-39 chiếm 28,25%. Đây là nguồn nhân lực trẻ rất dồi dào có thể tham gia nghiên cứu khoa học hay còn gọi là “nhân lực KHCN tiềm năng” nếu như có những chính sách hỗ trợ đúng hướng để khuyến khích họ.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, các chính sách trong phát triển KHCN của Việt Nam luôn coi trọng sự “công bằng” và “đối xử bình đẳng”, có nghĩa là các nhà khoa học dù già hay trẻ, nam hay nữ, đang công tác ở viện trường hay không ở viện trường, chỉ cần có ý tưởng và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ KHCN, thì đều được đối xử như nhau.

Ngay từ năm 2000, khi Luật KHCN được triển khai thực hiện, đã có một chính sách là tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN công khai - đây chính là một cơ chế tạo ra sự bình đẳng, các nhà khoa học dù già hay trẻ đều có quyền tham gia đề xuất các nhiệm vụ và thuyết minh nhiệm vụ đó với hội đồng tuyển chọn. “Như vậy, cơ hội với người trẻ làm khoa học được tiếp cận các nguồn tài trợ phục vụ nghiên cứu khoa học không thua kém với những bậc tiền bối, lão thành”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Đặc biệt, Luật KHCN sửa đổi, có hiệu lực năm 2014 xác định các nhà khoa học trẻ là một trong ba nhóm đối tượng cần được ưu đãi. Đó là những cán bộ KHCN dưới 35 tuổi dù chưa có học hàm, học vị nhưng có kết quả nghiên cứu được ghi nhận bằng giải thưởng quốc tế, bằng sáng chế, hay các công bố quốc tế, thì sẽ được Nhà nước dành riêng một nguồn hỗ trợ để có thể phát triển kết quả nghiên cứu của mình lên mức cao hơn, cho đến khi ra được sản phẩm cuối cùng.

Tuy nhiên, theo giáo sư, tiến sĩ Phùng Hồ Hải, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ cho những người trẻ tuổi trên diện rộng, bởi các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ giới hạn ở những người trẻ xuất sắc. Chẳng hạn, có nhiều hơn các quỹ học bổng cho những người trẻ muốn làm nghiên cứu sinh và hậu tiến sĩ. Mặt khác, cần thành lập hội đồng đánh giá chéo các đơn vị nghiên cứu, rà soát lại các đề tài mà họ đã và đang thực hiện có giá trị thực chất hay không.Ngoài ra, Bộ KHCN cũng có những chính sách riêng đối với cán bộ KHCN trẻ. Trong những năm gần đây, Bộ KHCN đã xây dựng các nhiệm vụ KHCN tiềm năng, dành riêng cho cán bộ trẻ của các trường đại học, viện nghiên cứu, khi những cán bộ trẻ ấy muốn hiện thực hóa ý tưởng hoặc có công nghệ cần hoàn thiện, thương mại hóa. Bộ KHCN sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ khoa học trẻ có đủ điều kiện cần thiết để làm được những việc họ muốn.

Giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng, chúng ta có chính sách xây dựng nhà ở cho sinh viên, xây dựng nhà ở cho công nhân, thì cũng nên có các chính sách xây dựng nhà ở cho các nhà nghiên cứu trẻ ở các viện, trường. Đồng thời có những đãi ngộ về tiền lương để họ yên tâm nghiên cứu khoa học.

Theo giáo sư Tan Eng Chye - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Singapore (NUS)có 3 phương pháp chủ yếu để nâng cao khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ. Đó là, hỗ trợ 1-1: 1 nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm hỗ trợ 1 nhà nghiên cứu trẻ; tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ được tiếp xúc với giới khoa học bên ngoài bằng việc tham gia các hội thảo, đi thực tế, trao đổi, chia sẻ ý tưởng; tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tham gia các đợt nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học từ khắp nơi đến các viện, trường trao đổi và nghiên cứu.

Theo báo cáo của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia (Nafosted), tỷ lệ các nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) được chủ trì các đề tài nghiên cứu cơ bản chiếm hơn 35%. Mục tiêu của Nafosted là các nhà khoa học trẻ được hỗ trợ mỗi năm sẽ tăng 15%.

Theo VEN

lên đầu trang