Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 07:19

Thứ hai, 29/04/2024 | 07:19

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:23 ngày 05/10/2020

Nghiên cứu phát triển kỹ thuật đo liều bức xạ nơtron

Hầu hết các nhân viên bức xạ làm việc ở nhà máy điện nguyên tử, các lò phản ứng nghiên cứu, các máy gia tốc dùng trong nghiên cứu và y tế, các máy phát nơtron dùng trong công nghiệp, v.v. đều được kiểm soát liếu chiếu gây ra bởi bức xạ nơtron, gamma bằng liều kế cá nhân và các máy kiểm soát liều, suất liều. Từ năm 1989, Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (International Organization for Standardization - ISO) đã đưa ra bộ tiêu chuẩn ISO 8529-1, 2, 3 về hiệu chuẩn các máy đo liều, suất liều nơtron nhằm mục đích an toàn, tiêu chuẩn này đã mô tả các đặc trưng và phương pháp tạo ra trường bức xạ nơtron chuẩn được sử dụng cho công việc hiệu chuẩn. Trong lĩnh vực đo liều cá nhân thì các loại liều kế cá nhân thụ động vẫn là thông dụng nhất. Trải qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và phát triển, các liều kế cá nhân thụ động không ngừng được hoàn thiện và nâng cao độ chính xác nhất là đối với bức xạ tia X, gamma và bêta. Tuy nhiên đối với nơtron do phổ làm việc thực tế rất rộng (từ 0,001 eV đến vài chục MeV) và bản chất tương tác với vật chất rất phức tạp, phụ thuộc mạnh vào năng lượng, cho nên còn tồn tại nhiều vấn đề xung quanh liều kế nơtron cá nhân. Việc đánh giá liều chiếu ngoài đối với bức xạ nơtron thực sự là một nhu cầu lớn do việc sử dụng nguồn nơtron trong công nghiệp, y tế ngày càng tăng và để sẵn sàng kiểm soát liều bức xạ nơtron cho nhân viên bức xạ của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới trong tương lai gần. Tại Việt Nam chưa có đơn vị nào có khả năng cung cấp dịch vụ đo liều nơtron cá nhân và hiệu chuẩn máy đo liều nơtron, một số cơ sở bức xạ trong nghiên cứu và ứng dụng có liên quan đến bức xạ nơtron còn chưa có trang bị để kiểm soát liều cá nhân nơtron.
Vì vậy rất cần có một phòng chuẩn liều nơtron để thực hiện các công tác đảm bảo an toàn bức xạ cho nhân viên làm việc trong nghiên cứu, y tế và công nghiệp. Đồng thời việc nghiên cứu xây dựng quy trình đo liều cá nhân nơtron bằng liều kế TLD dải rộng cũng là rất cần thiết. Xuất phát từ nhu cầu trên, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Ngọc Toàn (Chủ nhiệm), Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ đứng đầu đã triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật đo liều bức xạ nơtron” với mục tiêu là phát triển kỹ thuật đo liều bức xạ nơtron phục vụ đảm bảo an toàn cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử và chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam.
Sau một thời gian triển khai, Đề tài đã hoàn thành đủ số lượng và đúng chất lượng.
1. Các sản phẩm dạng I:
- Hệ chiếu xạ chuẩn liều nơtron 241Am-Be với 5 phổ năng lượng khác nhau tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân
- Hệ chiếu xạ chuẩn liều nơtron 241Am-Be với 4 phổ năng lượng khác nhau tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
- Hệ chiếu xạ chuẩn liều nơtron 252Cf với 4 phổ năng lượng khác nhau tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
- 100 Mẫu Holder liều xạ kế cá nhân kết hợp chip TLD 8806
2. Sản phẩm Dạng II là:
- Phòng chuẩn liều nơtron thuộc phòng chuẩn SSDL với các phổ năng lượng và suất liều khác nhau được xác định.
- Quy trình chuẩn liều nơtron cho các thiết bị đo nơtron.
- Quy trình kiểm soát liều cá nhân nơtron cho các cơ sở bức xạ bằng liều kế TLD 8806.
- Qui trình định liều cá nhân bằng liều kế gamma-nơtron dải rộng chế tạo thử nghiệm.
3. Sản phẩm Dạng III
- Đã có một báo cáo tại Hội nghị khoa học hạt nhân toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng năm 2015.
- Hai bài báo được đăng tải tại tạp chí Nuclear Science and Technology và một bài đang đề nghị đăng trên tạp chí Nuclear Science and Technology.
Như vậy các kết quả nghiên cứu của đề tài hoàn toàn có thể áp dụng ngay vào thực tiễn để triển khai các dịch vụ an toàn bức xạ về đo và chuẩn liều nơtron, bảo đảm an toàn cho nhân viên bức xạ cũng như cho cộng đồng. Phòng thí nghiệm chuẩn liều nơtron cũng sẽ là cơ sở khoa học tin cậy, hữu ích để phát triển các nghiên cứu về ghi đo và liều lượng nơtron, một chuyên ngành rất khó và khá mới mẻ ở Việt Nam. Phòng thí nghiệm này cũng là một địa chỉ rất thích hợp để đào tạo sinh viên, cán bộ cho ngành năng lượng nguyên tử của nước ta.
Việc đo, chuẩn liều bức xạ nơtron là một chuyên ngành khá phức tạp và còn mới ở Việt Nam vì vậy chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu sâu thêm và từng bước xây dựng các kỹ thuật đo đạc thực nghiệm chính xác, kết hợp với các công cụ mô phỏng, tính toán tiên tiến để giải quyết được nhiều bài toán thực tế.
Theo: NASATI
lên đầu trang