Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 10:54

Thứ sáu, 10/05/2024 | 10:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:44 ngày 18/10/2020

Năng lượng tái tạo trong bài toán năng lượng bền vững VN

Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu. Nhưng phát triển thế nào để đảm vảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường?
Sáng ngày 15/10/2020, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức diễn đàn khoa học “Chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường”.
Phát triển năng lượng tái tạo bền vững
Chủ trì diễn đàn, TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhận định, phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta là một vấn đề lớn. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân ngày một tăng cao, trong khi các nguồn lực phát triển năng lượng truyền thông đang ngày một khan hiếm. Vì thế, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã mở ra một hướng đi mới cho lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, việc phát triển năng lượng tái tạo như thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước vừa đảm bảo an ninh môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng là câu hỏi cần được cấp thiết giải đáp. Các nhà khoa học cần phải vào cuộc nghiên cứu, đưa ra những tham mưu cho cơ quan chức năng để có chính sách phát triển năng lượng ổn định, bền vững.

Diễn đàn Chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường ở nước ta được Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức sáng ngày 15/10.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay nguồn năng lượng cũng giảm sút, nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra các giải pháp để đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Về phần mình, từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là nhập khẩu than để đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than.

“Xác định mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia có nhiều thách thức, tài nguyên thủy điện về cơ bản đã khai thác hết, khai thác dầu khí trên biển Đông gặp nhiều khó khăn, công nghệ khai thác còn nhiều hạn chế gắn với chi phí cao thì việc phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi tất yếu. Vậy nhưng, chúng ta phải đảm bảo cơ cấu hoàn thiện, giá rẻ. Đặc biệt, phát triển năng lượng tái tạo phải đảm bảo môi trường mới có thể bền vững”, ông Trung nêu ý kiến.
PGS.TS Đặng Đình Thống - Tổng Thư ký Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho biết, nguồn điện của Việt Nam đang thiếu, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn luôn trên 10%/năm. Khi nguồn năng lượng trong nước không đủ, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng từ nhiều nước trên thế giới.
“Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển của dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Thế nhưng, trong số những dự án được phê duyệt và xây dựng có nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ, thậm chí phải dừng triển khai. Với tình hình này, từ năm 2021 trở đi, tình trạng thiếu năng lượng sẽ càng trở lên trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến mạnh, Việt Nam lại là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Để giải quyết vấn đề cấp bách, đáp ứng nhu cầu năng lượng vừa đảm bảo môi trường thì không còn cách gì hơn là phát triển năng lượng tái tạo”, PGS.TS Đặng Đình Thống nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho rằng, lợi thế của phát triển năng lượng tái tạo là xây dựng nhanh, vận hành ổn định, các nguồn nhiên liệu cho năng lượng tái tạo có ở mọi địa phương và giá của năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh sòng phẳng với năng lượng không tái tạo. Vì vậy, năng lượng tái tạo hoàn toàn có đủ cơ sở đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.
“Chúng ta có tài nguyên phát triển đa dạng. Từ hơn 10 năm trước, Việt Nam đã đề ra định hướng phát triển năng lượng tái tạo và ngày càng được quan tâm. Mục tiêu của chúng ta đến năm 2045 sẽ tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 25%, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030”, ông Thống cho hay.

Về cơ chế, theo vị chuyên gia, có 2 cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thành công nhất là Biểu giá chi phí tránh được ( biểu giá được tính theo các chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia khi có một (01) kWh công suất phát từ nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo được phát lên lưới điện phân phối) và Biểu giá điện hỗ trợ FIT.
"Mặc dù vậy, có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để xin dự án năng lượng rồi bán lại cho đơn vị khác dẫn đến quá trình triển khai dự án bị gián đoạn, ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam trong tương lai", vị chuyên gia lưu ý.
Phát triển thế nào?
Bàn về vấn đề này, ông Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam bày tỏ, để phát triển điện tái tạo thì chỉ nên tập trung vào điện mặt trời và điện gió, nhất là khi Việt Nam có đầy đủ yếu tố để phát triển hai nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, điện mặt trời và điện gió có hạn chế là chỉ sản xuất ra được khoảng 1/4 sản lượng điện được tạo ra từ than, khí, nước. Ngoài ra còn phụ thuộc lớn vào thời tiết
Chính vì thế, để năng lượng tái tạo được phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường thì phải phát triển nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án này nằm ở nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, như các dự án điện gió cần nghiên cứu làm ở vùng ngoài khơi, nơi có tốc độ gió ổn định.
Theo vị Chủ tịch Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích doanh nghiệp đầu tư với lợi ích quốc gia. Mặc dù vậy, cơ chế ưu đãi cần phải có nghiên cứu cụ thể, không tạo kẽ hở để nhà đầu tư lợi dụng ồ ạt xin dự án năng lượng tái tạo để chuộc lợi từ chính sách mà không nhằm mục tiêu phát triển dự án năng lượng.
Ông Lê Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ - IRAT cũng khẳng định việc phát triển năng lượng tái tạo là cần thiết. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu nhà nào cũng làm điện mặt trời áp mái?
Viện trưởng IVRAT nhận định, khi đó sẽ dẫn tới quá tải điện sinh hoạt, rủi ro hơn khủng hoảng điện quốc gia.
“Viễn cảnh khi nhà nào cũng có điện mặt trời áp mái sẽ kéo theo việc nhà nào cũng có bình ắc quy nước tích điện. Từ đó, tạo ra nguy cơ rác thải môi trường từ các dụng cụ sản xuất, lưu trữ điện tái tạo trong mỗi hộ gia đình, đầu độc môi trường”, ông Hưng nói.
Chính vì thế, ông Hưng cho rằng, song song với phát triển năng lượng tái tạo cần phải kèm theo với các ngành công nghiệp lưu trữ năng lượng để sản xuất và cung cấp những thiết bị sản xuất, lưu trữ điện tái tạo thân thiện với môi trường.
“Chúng ta cần có sự quan tâm đúng mức, đi đến những cái đáp ứng xã hội cần để tránh những nguy cơ trong việc phát triển năng lượng tái tạo có thể xảy ra”, ông Hưng kiến nghị.
Xuân Hương (Báo Đất Việt)
lên đầu trang