Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 14:33

Thứ sáu, 17/05/2024 | 14:33

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:36 ngày 11/12/2020

Công nghệ của Hà Lan có thể giúp ngành nước Việt Nam giải quyết những thách thức

Năng lực doanh nghiệp cũng như công nghệ của Hà Lan có thể giúp Việt Nam góp phần giải quyết những thách thức trong lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý môi trường liên quan đến nước, cần tăng cường thúc đẩy hợp tác.
Nhận định nêu trên đã được các diễn giả cả phía Việt Nam và Hà Lan đều đưa ra khi tham luận tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ ngành nước”, do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành cấp thoát nước của Việt Nam tổ chức, chiều ngày 09/12/2020.
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, cho biết: Ngành cấp thoát nước Việt Nam những năm gần đây đã đạt được những tiến bộ đáng kể, song còn bộc lộ hạn chế, bất cập, phải đối mặt với những thách thức lớn trước hệ quả của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đô thị hóa gia tăng, suy thoái và ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước đầu tư cho cấp thoát nước và xử lý môi trường nước và nước thải còn hạn chế. Tăng cường thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào giải quyết các vấn đề thách thức trong lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường liên quan đến nước tại Việt Nam là rất cần thiết và đang được Chính phủ quan tâm thúc đẩy.
Một trong những hướng đi giải quyết các vấn đề thách thức đối với ngành cấp thoát nước, theo bà Liên, đó là bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để quản lý và thúc đẩy đầu tư phát triển, Việt Nam cũng đã và đang quan tâm và khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Ngành cấp thoát nước Việt Nam luôn mong muốn được tiếp cận các công nghệ mới tiên tiến trên thế giới, trong đó có công nghệ của Hà Lan. Chính phủ và các doanh nghiệp Hà Lan đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó có việc tư vấn lập qui hoạch phát triển Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên cơ sở nguồn nước, cấp nước sạch và xử lý nước cho người dân. Hiện nay, đối tác Hà Lan đang thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long dự án chương trình đối tác về nước thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương với sự tham gia của các công ty nước Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước, sử dụng cả nước mặt, nước ngầm, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và đề xuất các giải pháp đầu tư và công nghệ...
Doanh nghiệp Hà Lan giới thiệu công nghệ xử lý nước
Đề cập đến cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nước tại Việt Nam, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 39% dân số sống tại các đô thị. Để đáp ứng đủ nguồn nước cho khối dân đô thị này, công suất cấp nước cần phải thiết kế đạt hơn 10 triệu m3 nước/ngày. Đến nay, vẫn còn khoảng 10% nhu cầu cấp nước cho các đô thị chưa đáp ứng được.
Ngoài đô thị hóa, tại Việt Nam ước tính hiện nay có khoảng trên 300 khu công nghiệp tập trung. Tất cả các khu công nghiệp tập trung đều phải có các hệ thống xử lý nước thải theo qui định. Hiện vẫn có khoảng có 20% các khu công nghiệp cần phải đầu tư hệ thống công nghệ xử lý nước thải. Theo ước tính, nhu cầu đầu tư cho việc cấp thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam sẽ còn gia tăng mạnh những năm tới với nguồn lực tài chính cần huy động hàng tỷ USD do tốc độ và qui mô đô thị hóa ngày càng gia tăng. Trong đó, có nhu cầu đầu tư cho việc phát triển và quản lý nguồn nước phi lợi nhuận, ứng dụng công nghệ tiên tiến để loại bỏ các chất hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước, công nghệ xử lý nước thải, phục hồi nguồn nước từ bùn, xử lý nước tại các khu công nghiệp, phát triển thành phố xanh, phát triển đô thị thông minh, chống ngập úng, theo dõi quan chắc chất lượng nước tự động phục vụ công tác quản lý, tối ưu hóa kiểm soát khẩn cấp nguồn nước và các chất ô nhiễm nguồn nước.
Tại các đô thị hiện nay, tỷ lệ nước thải được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh môi trường đang ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có nhiều công nghệ hiện đại khác nhau để xử lý. Thực trạng lũ lụt, ngập úng tại một số đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng đang rất cần đến các giải pháp thoát nước bền vững, xử lý nước thải thông minh, lưu trữ các nguồn nước sạch với các mô hình công nghệ tốt, các tiêu chuẩn phù hợp. Trong khi đó, Hà Lan là một quốc gia rất có thế mạnh đối với mảng công nghệ nước. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho các doanh của Hà Lan có thể tham gia đầu tư vào ngành cấp thoát nước tại Việt Nam.
Năm bắt nhu cầu nêu trên, tại cuộc tọa đàm, một số đối tác doanh nghiệp của Hà Lan đã trình bày, giới thiệu các công nghệ cũng như kinh nghiệm mang tầm quốc tế trong lĩnh vực cấp thoát và xử lý nước, chẳng hạn như ứng dụng công nghệ biến tần trong bể lọc nước, ứng dụng bể lọc các bon, công nghệ xử lý nguồn nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, công nghệ ozon áp dụng trong các nhà máy xử lý nước, công nghệ tách chất vi mô gây ô nhiễm nước, công nghệ xử lý nước chuyển tiếp năng lượng, phục hồi tái sử dụng nguồn nước.
Đại diện doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam cùng các bên có liên quan cũng cho rằng, để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước, Chính phủ hai bên ngoài việc có những cơ chế, chính sách thích hợp để khuyến khích, cần quan tâm giải quyết các vấn đề rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tiềm năng này.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang