Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 03:31

Thứ ba, 07/05/2024 | 03:31

Chính sách

Cập nhật lúc 08:46 ngày 16/12/2020

Cần xây dựng hệ sinh thái cho ngành dệt may Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới

Trong thời kỳ 2016-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào thị trường Hoa Kỳ tăng 30%, EU tăng 25%, thị trường CPTPP tăng 53%, Trung Quốc tăng 58,4% và thị trường ASEAN tăng 76%. Điều đó cho thấy, trong 4 năm qua, ngành dệt may đã hết sức nỗ lực để đa dạng hóa thị trường. Cơ cấu thị trường đã có sự dịch chuyển. Nếu giữ được đà này, trong 5 năm tới cơ cấu xuất khẩu thị trường dệt may sẽ tiếp tục đa dạng hơn.
Đa dạng hóa thị trường
Đánh giá chặng đường phát triển của ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025) – tổng kết năm 2020 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), diễn ra ngày 12/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay: Trong 5 năm qua, ngành dệt may đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Thứ nhất, mặt hàng may của chúng ta lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu vào năm 2019. Và ngành dệt may sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 40 tỷ USD vào năm 2020 nếu như không có dịch Covid-19.
Thứ hai, trong nhiệm kỳ vừa qua của ban chấp hành Hiệp hội, hàng loạt FTA thế hệ mới có ý nghĩa với ngành dệt may Việt Nam như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... đã mở ra nhiều thị trường rộng lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Và thành công là ngành dệt may đã tận dụng có hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định mang lại.
Thứ ba, trong 5 năm vừa qua, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự đa dạng hóa tương đối rộng, cụ thể, trong thời kỳ 2016-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng 30%, vào EU tăng được 25%, vào thị trường các nước CPTPP tăng 53%, Trung Quốc tăng 58,4% và thị trường ASEAN tăng 76%. Điều đó cho thấy, trong 4 năm qua, ngành dệt may đã hết sức nỗ lực để đa dạng hóa thị trường. Cơ cấu thị trường đã có sự dịch chuyển. Nếu giữ được đà này, trong 5 năm tới cơ cấu xuất khẩu thị trường dệt may sẽ tiếp tục đa dạng hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Đại hội
Thứ tư, năm 2016, ngành dệt may xuất khẩu tạo ra một giá trị gia tăng 14,4 tỷ USD, đến năm 2019 đã lên tới gần 20 tỷ USD. Nó giúp tạo ra giá trị gia tăng trên lãnh thổ Việt Nam, trong khi ngành dệt may xuất khẩu giữ vững ở mức độ 51% trong tổng hàng xuất khẩu trong 4 năm vừa qua. Đó là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may.
Thứ năm, trong 5 năm vừa qua, chất lượng của ngành dệt may đã nâng lên, phân khúc ngành dệt may ngắm đến các thị trường ngoài đã có sự thay đổi rõ rệt. Hàng của chúng ta là hàng trung bình và trung bình khá. Yếu tố này có ý nghĩa rất to lớn đối với giá trị gia tăng của ngành.
Thứ sáu, trong 5 năm vừa qua ngành dệt may Việt Nam cho thấy sức chống chịu rất cao. Trong năm vừa qua, trước dịch covid chúng ta đã chứng kiến một sự linh hoạt rất lớn của ngành dệt may đã kịp thời chuyển đổi sang các mặt hàng thay thế để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Điều đó cho thấy, ngành dệt may đã trưởng thành, hết sức linh hoạt và có đủ sức để chống chọi với các cú sốc.
T heo chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành dệt may đã rất thành công trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất năm 2020. Sự thành công này có dấu ấn của Hiệp hội VITAS, khi có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành báo cáo tác động của dịch bệnh và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về xuất khẩu thời trang, liên kết các doanh nghiệp…
"Trong giai đoạn vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EAEU, CPTPP, EVFTA, RCEP… Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%. Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng trưởng: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới"- ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại
Báo cáo về kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua và trình bày về mục tiêu nhiệm kỳ tới, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS thông tin, xuất khẩu năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, ước năm 2020 sẽ đạt hơn 35,2 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu ngành sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm: xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm. Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 11,6%.
Để đạt được kết quả trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, nhiệm kỳ tới 2020-2025, hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập với nhà nước; đặc biệt các vấn đề về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành…
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tập trung làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do; kết nối các trường, viện trong nước với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS
Ông Giang cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; trong đó nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bỏ thuế VAT cho các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu (giống như vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu) để tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết…
Để ngành dệt may tăng tốc trong giai đoạn tới với mục tiêu chiếm lĩnh người tiêu dùng, xây dựng được hàng loạt thương hiệu Việt xứng tầm quốc tế, theo khuyến nghị của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngành dệt may cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường thông qua các FTA đã ký kết; tiếp tục giải quyết những khâu còn yếu như nguyên phụ liệu đầu vào; phát triển thương hiệu từng bước nâng cao giá trị gia tăng; từng bước đáp ứng được các quy tắc xuất xứ của các FTA; quan tâm hơn nữa đến tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường; chú trọng hơn phát triển thị trường trong nước, bảo đảm chúng ta có tốc độ tăng trưởng tối thiểu.
"Hiệp hội cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối các doanh nghiệp với nhau, với Chính phủ, với cơ quan nhà nước để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để hình thành chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế, các khách hàng để nâng cao vị trí dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu"- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đặc biệt, Hiệp hội cần giúp sức tạo ra hệ sinh thái cho ngành dệt may, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập. Đồng thời, xây dựng một trung tâm tư vấn pháp lý hỗ trợ cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và các quy tắc xuất xứ và ứng phó vào các rào cản thị trường hóa.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: "Với các hiệp định thương mại tự do đã có và các hiệp định đang đàm phán, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ghi nhận phản hồi của các doanh nghiệp để liên tục hoàn thiện các quy định hiện hành, đặc biệt là phối hợp với các nước đưa ra các quy tắc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ đáp ứng các tình huống mới, ngày càng tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại".
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp; thức đẩy hoạt động xúc tiến thương mại dài hơn, tiếp tục chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Đặc biệt, xây dựng và sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong năm 2021 tới.
"Ngành dệt may cần tập trung giải quyết những khâu còn yếu như thiết kế và phát triển thương hiệu; từng bước tiến tới xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu của chính mình; chuyển mạnh từ gia công sang các hình thức có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao hơn" - Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo.
Tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025), Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã thông qua tuyên bố và nghị quyết của Đại hội, đồng thời bầu Ban chấp hành của nhiệm kỳ mới. Theo đó, ông Vũ Đức Giang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Đại hội cũng bầu ra 16 phó Chủ tịch đảm nhiệm Ban chấp hành nhiệm kỳ mới.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang