Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 05:25

Thứ tư, 08/05/2024 | 05:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:25 ngày 22/12/2020

TP.HCM cần sự kết dính trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Hợp tác quốc tế có thể sẽ là giải pháp hợp lý, tạo ra cơ hội để các chuyên gia trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hiểu nhau, làm việc cùng nhau và hợp tác với nhau.
Báo cáo về xu hướng nghiên cứu, phát triển của ngành công nghệ sinh học trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, cụ thể là vấn đề xét nghiệm gen nhằm tầm soát nguy cơ, sàng lọc sớm và hỗ trợ điều trị ung thư, TS. Nguyễn Hoài Nghĩa (Viện Di truyền y học - Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, chính thị trường khổng lồ (xét nghiệm và sàng lọc nhóm người từ 40 tuổi trở lên) đang tạo nên cuộc đua công nghệ cực kỳ hấp dẫn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực và tài chính dành cho những dự án như trên đang có phần hạn chế, điển hình là thiếu chuyên gia công nghệ sinh học hỗ trợ, và nguồn chi cho hóa chất dùng trong nghiên cứu rất đắt (phải nhập ngoại). Vì thế, TS. Nguyễn Hoài Nghĩa đã kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mở rộng nguồn kinh phí tài trợ cho đầu tư dự án khoa học công nghệ (KHCN), đồng thời có giải pháp tập hợp các nhà nghiên cứu tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, vì một nhóm nhỏ khó có thể đủ nhân sự để triển khai hiệu quả những đề tài mang tính mới, tính sáng tạo ở quy mô lớn.
Sự kiện Kết nối Sáng tạo tháng 12/2020 thu hút hơn 70 nhà khoa học, chuyên gia.
Kiến nghị này của TS. Nguyễn Hoài Nghĩa đã được nêu tại sự kiện Kết nối Sáng tạo tháng 12/2020, với chủ đề “Công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp: Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước”, diễn ra chiều 18/12 vừa qua. Sự kiện là hoạt động thường xuyên của Sở KHCN TP.HCM nhằm xây dựng không gian kết nối giữa các nhà khoa học, trường viện và doanh nghiệp với nhà nước, nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Sự kiện lần này đã thu hút hơn 70 nhà khoa học, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, trường viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM.
“Tôi chờ 3 năm nay mà chưa thấy một dự án nào!”, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KHCN TP.HCM) chia sẻ nỗi thất vọng về “kết quả” sau nhiều lần đặt hàng với các nhà khoa học – giảng viên ở trường viện về việc thiết kế các chương trình, dự án nghiên cứu dài hơi 5-10 năm với kinh phí khoảng vài trăm tỷ/chương trình (để làm cơ sở để Sở tham mưu cho Thành phố).
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KHCN TP.HCM) giải đáp các vấn đề mà các nhà khoa học và doanh nghiệp nêu lên.
Thực tế, trong hai năm trở lại đây, Sở KHCN TP.HCM liên tục tổ chức nhiều buổi kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, viện trường với viện trường và cả doanh nghiệp với viện trường, nhưng kết quả chưa có “mối lương duyên” nào được “xe sợi chỉ hồng”. Bởi vì dù nhiều bên đã cùng tề tựu, cùng trao đổi thông tin, cùng giới thiệu những hướng nghiên cứu và ứng dụng, nhưng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu dự án lớn chưa thể thiết lập do chưa có “cây đại thụ” nào đứng ra kêu gọi, tập trung các nhóm chuyên gia để cùng xây dựng một mạng lưới cùng nghiên cứu một đề tài lớn.
Sự thực đáng buồn là đa phần đề tài nghiên cứu chủ yếu do sự kết hợp giữa một vài nhà khoa học và sinh viên (nếu có), nên quy mô rất nhỏ, thiếu sự gắn kết cần có giữa các nhóm, chứ chưa nói đến là không có sự gắn kết giữa các trường, viện trong khu vực và trong cả nước. Dĩ nhiên, khi không có sự hợp tác, không có sự tin tưởng, sẽ không có cơ hội nào để các nhà khoa học cùng đi nhau, và như thế sẽ không bao giờ có được dự án lớn.
Trong khi “chờ” giới khoa học chủ động tạo dựng mối liên kết và hợp tác với nhau, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM khuyến nghị các nhà khoa học tập trung vào những giải pháp công nghệ sinh học “sát sườn”, ví dụ như có thể giúp được gì ngay cho bệnh viện hoặc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Những giải pháp như thế sẽ là hướng đi phù hợp với đề tài nghiên cứu ứng dụng có nguồn kinh phí không cao, nhưng dễ tạo niềm tin về tiềm lực khoa học công nghệ.
Điều này đã được chứng minh qua nhiều đề tài được Sở KHCN TP.HCM hỗ trợ kinh phí thực hiện suốt những năm qua. Điển hình là đề tài xây dựng quy trình sản xuất cây giống in vitro chuối già xuất khẩu chất lượng cao do Viện Sinh học Nhiệt đới thực hiện đã góp phần tạo chuỗi giá trị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiến đến hình thành nhiều sản phẩm cuối cùng mang tính thương mại cao, sản xuất hàng triệu cây giống cung cấp cho thị trường mỗi năm. Đặc biệt, đề tài xây dựng quy trình nhân giống ba loài cây thủy sinh phục vụ thị trường cá cảnh vừa đưa vào nghiên cứu cách đây 6 tháng đã được một số doanh nghiệp đặt vấn đề chuyển giao công nghệ ngay sau khi nghiệm thu.
Một hướng đi khác được lãnh đạo Sở KHCN TP.HCM nêu lên nhằm thúc đẩy sự hợp tác khoa học công nghệ, là liên kết với các chuyên gia hoặc viện nghiên cứu nước ngoài, nhằm mục đích triển khai ứng dụng thành quả của các dự án quốc tế nhưng có điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của TP.HCM. Hướng đi này chủ yếu dựa vào mối quan hệ của những chuyên gia đã từng học tập tại nước ngoài hoặc có kinh nghiệm hợp tác quốc tế.
Nhà khoa học chia sẻ thêm kinh nghiệm trong hợp tác nghiên cứu với chuyên gia nước ngoài.
Hồi đầu tháng 11/2020, trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI, thuộc Sở KHCN TP.HCM) đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu hệ thống nuôi cấy vi tảo 2 lớp màng phiên bản “made in Vietnam” (do Đại học Nguyễn Tất Thành phát triển dựa trên công nghệ được chuyển giao từ Đức). Có thể, từ sự hợp tác khoa học công nghệ quốc tế, các chuyên gia trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ có thêm cơ hội hiểu nhau, làm việc cùng nhau, từ đó tạo dựng mối quan hệ và bắt tay với nhau thiết kế những chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ lớn cho TP.HCM.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thu hút hơn 15 lượt ý kiến, kiến nghị xoay quanh những tháo gỡ về pháp luật thử nghiệm thuốc, giấy phép lưu hành, kinh nghiệm đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực y, dược… để tránh đi đường vòng của doanh nghiệp thành công từ việc phát triển nghiên cứu khoa học, làm sao để tạo nhóm nghiên cứu mạnh, chia sẻ giá trị mang lại của việc đầu tư vào khoa học và công nghệ.
Bầu không khí sôi nổi, nhiệt tình của sự kiện đã “đánh động” doanh nghiệp, với 2 đơn vị chủ động lên tiếng mời gọi các nhà khoa học cùng đồng hành (1) nghiên cứu phương pháp chẩn đoán sớm bệnh ung thư và (2) hỗ trợ dự án sản xuất sản phẩm thử nghiệm (triển khai theo sáng chế đã có).
Trao đổi nhanh với một số đại diện doanh nghiệp, trường viện, mọi người đều cảm thấy thích thú với nội dung của sự kiện, đồng thời mong muốn Ban tổ chức tiếp tục nhóm cụ thể từng vấn đề cần giải quyết để các bên có thể kết nối với nhau, triển khai hợp tác, phát triển bền vững.
Theo cesti.gov.vn
lên đầu trang