Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến hành chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động trên môi trường số, quyết tâm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số vào năm 2022.
Đưa dịch vụ điện lên môi trường số
Vừa làm dịch vụ chuyển tên khách hàng sử dụng điện, chị Mai Thu (Thanh Trì, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên trước các dịch vụ điện được cung cấp; bởi chị vẫn nghĩ rằng việc làm dịch vụ điện sẽ rất phức tạp và mất thời gian. Chị Thu kể: “Tôi được hướng dẫn gọi điện lên Trung tâm chăm sóc khách hàng của điện lực Hà Nội và nhân viên tiếp nhận đề nghị của tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhân viên chăm sóc khách hàng rất chuyên nghiệp và nhiệt tình, lịch sự.”. Chị Thu không giấu nổi sự ngạc nhiên khi chị chỉ gặp nhân viên điện lực trực tiếp 1 lần duy nhất để ký đơn đề nghị, còn các thủ tục khác đều được điện lực thực hiện mà không phải ký tá nhiều loại giấy tờ.
Anh Hoàng Văn Nam (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Lâu nay nhà tôi vẫn dùng app của điện lực để theo dõi chỉ số tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình. Tôi thật sự ngạc nhiên khi chỉ cần dùng smartphone là có thể biết được chỉ số điện năng hàng tháng, thậm chí hàng ngày. Tôi cũng có thể so sánh mức biến động tiêu thụ điện so với tháng trước, năm trước. Thật sự rất hữu ích và minh bạch.”
Đại diện EVN cho biết, thực tế, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, ngay từ năm 2013, EVN là đơn vị điện lực đầu tiên phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Ngoài ra, các giao dịch của khách hàng với EVN từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng và thanh toán được thực hiện trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ thông tin. EVN cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Điện lực Việt Nam chia sẻ: “Bắt đầu từ 2013, chúng tôi bắt đầu trang bị công tơ điện tử cho khách hàng. Đến nay EVN trang bị được hơn 50% công tơ điện tử. EVN đã thông qua chủ trương trang bị sớm công tơ điện tử tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo công cụ cung cấp cho khách hàng tốt hơn. Ngày xưa với công tơ cơ, khách hàng chỉ biết lượng điện sử dụng sau 1 tháng. Tuy nhiên, với công tơ điện tử, khách hàng có thể biết được hàng ngày. Thậm chí ở Đà Nẵng, 1 ngày khách hàng có thể biết 4 lần thông tin tiêu thụ điện. Với Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi đặt mục tiêu những ngày đầu tiên của năm 2021, khách hàng có thể nhìn được số liệu sử dụng điện hàng ngày.”.
“Chuyển đổi số là minh bạch, thông tin tức thời các thông tin đó để khách hàng giám sát được việc sử dụng điện của mình”, ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Phấn đấu hoàn thành quá trình chuyển đổi số
Đại diện EVN cho biết, EVN thuộc một trong những đơn vị tiên phong trên cả nước đã triển khai văn phòng điện tử (E-Office) từ gần 20 năm trước đây. Đến nay, 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc. EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn tập đoàn. Hiện tại, hầu hết văn bản trong tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử, ngoại trừ văn bản mật phải quản lý theo quy định.
Đại diện EVN chia sẻ thêm, sau khi triển khai hệ thống văn phòng điện tử E-Office, các báo cáo văn bản giấy của EVN nói chung đã giảm được tới 86%, đem lại hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, EVN cũng đang từng bước triển khai hệ thống phòng họp không giấy (E- cabinet).
Ông Võ Quang Lâm cho biết: “Việc xử lý văn bản, trừ văn bản mật, đã được EVN xử lý trên môi trường mạng. Việc nâng cao năng lực quản trị, quản lý thông tin về tài sản, kỹ thuật cũng bắt đầu được số hóa từng phần”.
Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị tư vấn độc lập, đến nay EVN đã hoàn thành trên 50% công việc theo lộ trình chuyển đổi số. EVN đặt mục tiêu đến 2022, cơ bản hoàn thành chuyển đối số. Đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng phải đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp.
Đại diện EVN cho biết, ban đầu, EVN đưa ra mục tiêu hoàn thành cơ bản chuyển đổi số vào năm 2025. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, EVN đã quyết định đẩy nhanh quá trình này. Nhắc đến mục tiêu này, ông Võ Quang Lâm chia sẻ: “Chắc chắn EVN sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số. Muốn vậy, các công việc sẽ được đẩy nhanh hơn, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình này. Tất cả những điều đó nhằm mục đích phục vụ khách hàng tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.”
Theo Báo VietNamNet