Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 06/10/2024 | 08:16

Chủ nhật, 06/10/2024 | 08:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:04 ngày 14/11/2014

Cứu môi trường, cần đồng bộ các giải pháp

Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức đáng quan tâm. Như thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển; thách thức giữa tổ chức và năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập; thách thức giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo vệ môi trường lạc hậu với khối lượng chất thải ra ngày càng tăng; thách thức giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn vốn cho bảo vệ môi trường với khả năng có hạn của ngân sách Nhà nước và sự đầu tư của doanh nghiệp và người dân cho công tác bảo vệ môi trường còn ở mức rất thấp…

Sản xuất sạch trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là một trong những giải pháp hữu hiệu được khuyến khích thực hiện để bảo vệ môi trường

Nhiều ngành nghề còn ô nhiễm

Tại hội nghị các bộ trưởng môi trường Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp. Trong đó nổi lên một số vấn đề cấp bách như nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nước thải sinh hoạt và công nghiệp đúng quy chuẩn còn thấp. Khí thải, bụi phát sinh từ giao thông vận tải, xây dựng, cơ sở sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các thành phố lớn và các lưu vực sông. Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng cách, hợp vệ sinh, tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý và khắc phục, có nơi ngày càng trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Đa dạng sinh học bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng, các loài, nguồn gen ngày càng giảm sút và thất thoát; số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vẫn tiếp tục gia tăng.

Cũng theo Tổng cục Môi trường, những tồn tại, hạn chế này nguyên nhân chủ yếu là nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cấp chính quyền, cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng còn yếu kém. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Nhiều quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; thực thi pháp luật chưa nghiêm. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Hệ thống tổ chức quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bộc lộ nhiều yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để sớm khắc phục các vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đồng bộ, kết hợp nhiều giải pháp. Đơn cử như cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, nâng chất lượng thẩm định yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển. Chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Đối với tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn và các lưu vực sông, cần phải kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông vận tải theo tiêu chuẩn đã ban hành; có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm; đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi các đô thị, khu dân cư tập trung; nghiên cứu, xây dựng Chương trình quốc gia về đầu tư, xử lý nước thải, trước mắt tập trung vào các đô thị lớn và các lưu vực sông theo lộ trình hợp lý.

Ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo truyền thông môi trường - Tổng cục Môi trường cho biết, ngoài những giải pháp cơ bản như tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các điểm nóng về môi trường, điều quan trọng nhất là phải nâng cao được ý thức của từng cá nhân trong xã hội. Trong đó, công tác truyền thông được xem là công cụ quan trọng, cơ bản của quản lý môi trường ở cả cấp Trung ương và địa phương. Nó sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp làm thay đổi thái độ hành vi của con người trong cộng đồng, từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, và không những chỉ tự mình tham gia mà còn lôi cuốn những người khác cùng tham gia tạo ra các kết quả có tính đại chúng.

Theo sggp.org.vn
lên đầu trang