Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 12:16

Thứ năm, 09/05/2024 | 12:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:23 ngày 18/07/2010

Ứng dụng KHCN ở nhà máy lọc dầu Dung Quất

Mới đây tại một cuộc hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói rằng: trong tiến trình hội nhập, để cạnh tranh cộng đồng doanh nghiệp cần phải có 3 chữ T đó là:  Tư duy, Tốc độ và Tích tụ trong đó tích tụ là yếu tố làm cho tiềm lực tài chính mạnh để ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại làm cho sản phẩm nhanh chóng thâm nhập thị trường. Có thể nói Nhà máy lọc dầu ở Dung Quất (Quảng Ngãi) là một ví dụ. Với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy lọc dầu sẽ sản xuất xăng, dầu Diezen, dầu FO, LPG, Propylen.… bảo đảm 30% nhu cầu sử dụng nhiên liệu của cả nước. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn và vốn đầu tư cao, công nghệ và kỹ thuật hiện đại nhằm đảm bảo vận hành an toàn, cho ra đời  những sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.


Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ) cho biết: Dung Quất là 1 trong những nhà máy lọc dầu hiện đại nhât thế giới, có hàm lượng công nghệ và kĩ thuật cao. Cách đây 8 năm khi thiết kế nhà máy đã được tính toán để trang bị hệ thống điều khiển tự động hóa và các hệ thống tối ưu ứng dụng công nghệ tin học ở mức cao, có thể kết nối một cách liên hoàn với nhau, hỗ trợ cho nhau, trao đổi để chuyển tiếp thông tin để xử lý giữa các tầng với nhau, nhằm đảm bảo một mục đích cuối cùng là vận hành nhà máy một cách ổn định, an toàn đồng thời là nhằm mục đích đạt được hiệu quả sản xuất cao của nhà máy. Sau hơn 3 năm xây dựng, từ khi chạy thửtháng 2/2009 đến ngày mùng 3 Tết Canh Dần (16-2-2010) vừa qua, nhà máy đã vận hành ổn định ở mức 100% công suất.Đến nay, NMLDDQ đã tiếp nhận trên 2,4 triệu tấn dầu thô, chế biến 2,3 triệu tấn xăng dầu các loại và xuất ra thị trường hơn 1,8 triệu tấn xăng dầu thương mại.

 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành NMLDDQ và để xử lý kịp thời các sự cố  đều được tính toán một cách khoa học. Nếu hiểu một cách đơn giản về  khía cạnh kĩ thuật công nghệ thì việc vận hành NMLDDQ gồm có 4 tầng điều khiển chính. Tầng thứ nhất là các thiết bị đo lường ngoài hiện trường, cho đến các thiết bị xử lý cơ bản. Tầng thứ hai là tầng điều khiển phân tán, hay còn gọi là hệ thống thần kinh trung ương của Nhà máy được kết nối đến tầng hệ thống điều khiển cơ bản, để lấy tín hiệu phục vụ cho mục đích giám sát dữ liệu và điều khiển trung tâm. Hệ thống này sẽ tự động đưa ra những  biện pháp đối phó và đưa ra những lệnh điều khiển một cách tối ưu và an toàn nhất cho toàn nhà máy.Tầng  thứ ba là tầng sử dụng các thuật toán điều khiển  phức tạp, để có thể tối ưu hóa các hoạt động sản xuất trong nhà máy. Hệ thống này  có thể điều khiển dòng dầu thô vào nhà máy cũng như từ các phân xưởng công nghệ ra các bể chứa trung gian, rồi ra các bể chứa, tàu chứa, xe bồn xuất ra ngoài nhà máy. Đồng thời hệ thống này cũng điều khiển toàn bộ quá trình pha trộn sản phẩm một cách tối ưu, Tầng thứ tư là tầng hệ thống thông tin toàn nhà máy. Tầng này có chức năng giúp cho người vận hành nhà máy luôn luôn có thông tin trung thực nhất và chính xác nhất về tình trạng hiện tại của nhà máy. Bên cạnh đó sẽ thông báo tình trạng thiếu hụt về vật tư của nhà máy, về những phụ tùng thay thế, chất xúc tác, hóa phẩm… để kịp thời bổ sung, thậm chí sửa chữa đảm bảo nhà máy vận hành liên tục và ổn định. Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn có kế hoạch nâng cấp thêm một tầng phần mềm quản trị doanh nghiệp. Đó là tầng thứ 5, bao gồm các module lập kế hoạch sản xuất, quản trị nhân sự, tài chính, hành chính kết nối với mạng máy tính của Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các đối tác kinh doanh…

Để tận dụng những sản phẩm sau khi lọc hóa dầu của NMLDDQ, ở Dung Quất còn có 2 dự án sắp hoàn thành, đó là Nhà máy sản xuất Polyropylene và Nhà máy sản xuất xăng sinh học Bio Ethanol. Nguyên liệu của nhà máy sản xuất Polyropylene lấy từ nguồn khí hóa lỏng propylen thuộc phân xưởng thu hồi propylen (PRU) của NMLDDQ để chế biến thành hạt nhựa Polyropylene (PP) sáng màu và bền nhiệt được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô, xây dựng, điện, chế biến bao bì, sợi và các vật dụng phục vụ đời sống. Còn xăng sinh học Ethanol sẽ được pha trộn, sản xuất, để tăng sản phẩm đầu ra. Việc đẩy mạnh sản xuất áp dụng Khoa học- Kỹ thuật- Công nghệ thông tin cho các dự án sản xuất nhựa và ethanol này cũng sẽ được triển khai hoàn chỉnh dựa trên nền tảng hiện có của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cùng với kế hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất lên hơn 40.000 ha (gấp ba lần hiện nay) NMLDDQ sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/ năm .Để đạt được kết quả trên, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất phải có một biện pháp quan trọng là ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin và Khoa học Công nghệ hiện đại./.  

Yến Tuyết

lên đầu trang