Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 07:28

Thứ năm, 02/05/2024 | 07:28

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 09:10 ngày 01/02/2021

Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit trong sản phẩm dệt may, da giày

Hiện nay trên thế giới, đối với hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit mới có quy định về ngưỡng hàm lượng, chưa đưa ra được phương pháp thử chuẩn. Chủ yếu các phòng thử nghiệm tự xây dựng phương pháp thử và đánh giá liên phòng để được thừa nhận lẫn nhau. Do vậy việc xây dựng Quy trình xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit là cần thiết. Đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng tiêu chuẩn về phương pháp thử chung để kiểm tra về hàm lượng của các chất này trong sản phẩm dệt may, da giày góp phần nâng cao tính chủ động (tự kiểm tra), tạo cơ hội cạnh tranh, tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm.

Xuất phát từ lý do và thực nêu trên, trong hai năm 2019 và 2020, Bộ Công Thương đã đặt hàng Công ty Cổ phần - Viện nghiên cứu Dệt may triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit trong sản phẩm dệt may, da giày”.
Ảnh minh họa
Triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu do chủ nhiệm đề tài Thạc sĩ Bùi Thị Thái Nam đã tiến hành khảo sát những phương pháp xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit, trên cơ sở đó lựa chọn quy trình tối ưu phù hợp với trang thiết bị, vật tư phổ biến hiện nay tại các phòng thí nghiệm dệt may, da giầy trong nước và quốc tế; tối ưu các điều kiện phân tích trên thiết bị GC- MS để phân tích Hexabromcyclododecan và dimetylformamit; quy trình trên thiết bị đảm bảo độ lặp lại về diện tích pic và thời gian lưu.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn nghiệm thu cấp Bộ, quy trình xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit được xây dựng theo quy định, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo chuẩn mực ISO/IEC 17025. Giá trị sử dụng của 02 quy trình xác định Hexabromcyclododecan và dimetylformamit trên sản phẩm dệt may, da giày được xác nhận, kết quả cho thấy, các thông số về giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng, khoảng làm việc, đường chuẩn, độ đúng, độ chụm đáp ứng các yêu cầu của phương pháp phân tích hóa học. Đồng thời, đề tài cũng tiến hành ước lượng độ KĐBĐ của phương pháp cho từng chất phân tích và tiến hành so sánh liên phòng thí nghiệm. Kết quả so sánh liên phòng cho thấy 02 quy trình của đề tài đạt được hiệu năng cao trong so sánh kết quả. Các phương pháp đã được phê duyệt trong phòng thí nghiệm và áp dụng thử nghiệm các mẫu trên thị trường phục vụ công tác quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm, giúp các doanh nghiệp kiểm tra tính đáp ứng trong việc thực thi các yêu cầu kỹ thuật về các chất hạn chế trong công nghiệp dệt may, da giầy.

Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được tài liệu tổng quan về các hợp chất Hexabromcyclododecan và dimetylformamit, mối nguy hại và các quy định hạn chế các hợp chất này trong ngành công nghiệp dệt may, da giầy. Đây là tài liệu mà các doanh nghiệp có thể tham khảo trong việc lựa chọn nguyên phụ liệu trong sản xuất sản phẩm để tránh nguy cơ vượt quá giới hạn cho phép về hàm lượng của Hexabromcyclododecan và dimetylformamit; là tài liệu phục vụ nghiên cứu các hợp chất thay thế hoặc cung cấp luận cứ, thông tin cho cơ quan quản lý trong quá trình soạn thảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Thông qua việc thực hiện đề tài, 03 thí nghiệm viên thử nghiệm các chỉ tiêu này đã được đào tạo và được đánh giá tay nghề. Kết quả thử nghiệm của các thí nghiệm viên đáp ứng yêu cầu về độ chính xác của phương pháp.

Nghiên cứu cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành Công Thương nói chung là định hướng đang được các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương tích cực triển khai. Đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực dệt may, da giầy, thời gian tới, Công ty Cổ phần-Viện nghiên cứu Dệt may và Viện Nghiên cứu Da giày sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng và ứng dụng các phương pháp thử nghiệm xác định các chất cấm, hạn chế mới trong sản phẩm dệt may, da giày nhằm phát triển và hoàn thiện các phương pháp thử chỉ tiêu an toàn và sinh thái, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong công nghiệp dệt may, da giầy; góp phần nâng cao tính cạnh tranh và khả năng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu xác định các chất bị cấm và hạn chế trong sản phẩm tiêu dùng./.
Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện đề tài:
TS. Nguyễn Thị Hiền Anh
Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương
lên đầu trang