Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:40

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:40

Giải thưởng

Cập nhật lúc 08:37 ngày 06/04/2021

Vượt bão suy thoái, BSR đạt đỉnh cao trong sản xuất – kinh doanh nhờ ứng dụng KHCN

Vừa qua Bộ Công Thương đã tổ chức xét duyệt và lựa chọn 08 cụm công trình/công trình khoa học tiêu biểu tiêu biểu ngành Công Thương đề nghị lên Hội đồng xét tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6. 
Trong 08 cụm công trình KHCN tiêu biểu ngành Công Thương, cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của nhà máy lọc dầu dung quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” do  Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hội đồng khoa học đánh giá cao. 
Trang TTĐT Hoạt động khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT BSR, Chủ nhiệm cụm công trình để cùng tìm hiểu kỹ hơn về các giải pháp công nghệ đột phá và ý nghĩa của cụm công trình đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng như ngành lọc hóa dầu nói chung. 

Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT BSR
Xin chào ông!
PV: Để độc giả hiểu rõ hơn về Cụm công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) của BSR, xin ông chia sẻ về những vấn đề chính mà Cụm công trình đã giải quyết? 
Ông Nguyễn Văn Hội:
Cụm công trình của BSR là một tổ hợp của nhiều công trình nghiên cứu khác nhau được thực hiện trên toàn bộ dây chuyền công nghệ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong khoảng thời gian từ 2015 cho đến 2019. Cụm công trình tập trung vào các khâu trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, hiệu quả chế biến, bao gồm: nguyên liệu - sản phẩm, công suất chế biến - điều kiện vận hành và tiêu thụ năng lượng. 
Mục đích nghiên cứu của cụm công trình nhằm giúp BSR giải quyết, ứng phó với các khó khăn thách thức về nguồn nguyên liệu dầu thô mỏ Bạch Hổ đang ngày càng suy giảm về chất lượng và sản lượng cung ứng cũng như các thách thức khác trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế có nhiều biến động bất thường và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 
Về phương pháp ứng dụng, quá trình thực hiện bao gồm nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến, phát triển công nghệ hiện hữu nhằm tối ưu hóa toàn bộ hoạt động sản xuất của NMLD Dung Quất, quá đó nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực canh tranh của BSR.
Hệ thống Phòng thí nghiệm hiện đại của BSR
PV: Vậy những kết quả cụ thể mà những cụm sáng kiến này đã đem lại cho Nhà máy cũng như đóng góp cho sự phát triển ngành lọc hóa dầu nói chung là gì?
Ông Nguyễn Văn Hội: 
Sau 5 năm nghiên cứu và ứng dụng, cụm công trình đã đem lại nhiều lợi ích về mặt KHCN, kinh tế - xã hội không chỉ cho NMLD Dung Quất, ngành lọc hóa dầu, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 
Trước tiên, hiệu quả ứng dụng KHCN thể hiện rõ rệt nhất ở ba điểm cơ bản là đảm bảo nguồn nguyên liệu dầu thô ổn định cho Nhà máy, giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nội bộ đồng thời đảm bảo các yếu tố về môi trường.  
Việc ứng dụng KHCN để đảm bảo đủ nguyên liệu dầu thô, giúp NMLD Dung Quất hoạt động ổn định. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bối cảnh nguồn dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm về sản lượng và chất lượng; đồng thời đây cũng là cơ sở chiến lược cung ứng dầu thô cho nhà máy theo hướng tăng dần tỷ trọng dầu thô nhập khẩu trên 51% tổng khối lượng dầu thô chế biến, giảm phụ thuộc vào nguồn dầu thô nội địa, sẵn sàng cho việc mở rộng thị trường BSR trong khu vực ngay khi các rào cản về chính sách thuế được tháo gỡ. 
Thêm vào đó, ứng dụng khoa học, cải tiến công nghệ còn đóng góp cho việc tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho toàn Nhà máy. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, mức tiêu thụ năng lượng nội bộ của Nhà máy tính trên lượng dầu thô chế đã giảm khoảng 0,5% khối lượng, tiết kiệm được khoảng 35 nghìn tấn dầu FO nhiên liệu, tương đương khoảng 15 triệu USD/5 năm. Cùng với đó, chỉ số năng lượng EII (Energy Intensity Index), đặc trưng cho hiệu quả sử dụng năng lượng của Nhà máy cũng đã giảm đáng kể từ mức cao ~ 114% trong năm 2015 xuống còn 103% - 106% trong các năm 2018, 2019. Theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Solomon trong năm 2018, giảm được 1% chỉ số EII tương đương tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu USD/năm.
Nếu tính trên mức công suất chế biến thông thường của Nhà máy là 103% - 108% giá trị thiết kế (152.440 - 159.840 thùng dầu thô/ngày) trong giai đoạn vừa qua nhờ ứng dụng KHCN, chi phí sản xuất đã hạ xuống khoảng 0,44 USD/thùng dầu/năm, tương đương tiết kiệm khoảng 24-43 triệu USD/năm.
Với tổng chi phí đầu tư thiết bị, đường ống là 7,4 tỷ đồng, cụm công trình đã đem lại khoản lợi ích kinh tế tính đến tháng 12/2019 là 4.277,5 tỷ đồng, tương đương 194 triệu USD. Đây cũng là nhân tố đóng góp không nhỏ cho kết quả kinh doanh của BSR kể từ khi tiếp nhận NMLD Dung Quất so với giai đoạn trước đó. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hàng năm của BSR tăng từ con số âm hoặc vài trăm tỷ đồng trong giai đoạn đầu (trừ năm 2013), lên đến trên 2.000 đến gần 8.000 tỷ trong suốt giai đoạn 2015-2019. Kết quả nhờ lợi thế chênh lệch giá dầu dầu thô và sản phẩm tinh chế vẫn còn tương đối tốt trên thị trường thế giới, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ ngành liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về chính sách thuế đối với nguyên liệu dầu thô nhập khẩu và sản phẩm của BSR, kết hợp với sự đóng góp rất lớn của việc tiết giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm thông ứng dụng các công trình nghiên cứu KHCN.
Để ứng phó và vượt qua được các khó khăn thách thức, tập thể cán bộ - công nhân viên BSR đã quyết tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất nhằm ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất.
Ngoài giá trị về mặt kinh tế, cụm công trình còn có ỹ nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bình ổn thị trường xăng dầu nội địa thông qua việc ổn định sản xuất, đáp ứng trung bình trên 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước với khoảng trên 33,7 triệu tấn sản phẩm trong giai đoạn 2011-2019. 
Việc tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, đảm bảo vận hành ổn định và liên tục theo kế hoạch đã góp phần hạn chế đáng kể một lượng lớn khí thải, nước thải tại các phân xưởng. Thực tế, trong các đợt kiểm tra, phân tích chất lượng môi trường bên trong và ngoài NMLD Dung Quất các thông số về chất lượng khí thải và nước thải luôn nằm dưới giới hạn QCVN. Trong 3 năm liền, từ 2017-2019, Nhà máy được trao tặng danh hiệu danh hiệu Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”. 
Điểm cuối cùng cần nhắc tới, mặc dù chưa được lượng hóa chi tiết, nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển bền vững của Nhà máy cũng như ngành lọc hóa dầu nói chung, đó là việc hình thành và phát triển lớn mạnh đội ngũ nhân sự chất lượng cao thông qua nghiên cứu và triển khai các công trình khoa học công nghệ. 
Trong nhiều năm qua, BSR đã cung cấp nhiều kỹ sư, chuyên gia trưởng thành từ NMLD Dung Quất, thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau bao gồm vận hành, kỹ thuật, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị, v.v.. tham gia làm việc trực tiếp dài hạn tại dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các dự án chế biến dầu khí của PVN... để hỗ trợ công tác triển khai dự án, chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy. Đội ngũ BSR cũng đã đóng góp rất lớn trong công tác đào tạo, hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng cho các đơn vị thành viên hoặc các dự án khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như: Nhà máy Đạm Cà mau, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Trường Cao đẳng Dầu khí, v.v. Đồng thời, nhiều lớp cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ thuộc các trường, viện kỹ thuật cũng trưởng thành khi được tiếp cận những công nghệ tiên tiến thế giới trong quá trình tham gia nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tại Nhà máy. 

Cụm công trình đã đem lại giá trị kinh tế trực tiếp là 4.277,5 tỷ đồng (tính đến tháng 12/2019)
PV: Con số hơn 4.270 tỷ đồng cho thấy giá trị trực tiếp mà cụm đề tài đem lại là không nhỏ, chưa kể những giá trị công nghệ, thương hiệu khác. Vậy để có được thành quả này, đội ngũ đội ngũ kỹ sư, tập thể cán bộ - công nhân viên BSR đã vượt qua những thách thức nào? 
Ông Nguyễn Văn Hội: 
Bắt đầu từ cuối năm 2014, BSR đã nhận diện được 3 khó khăn thách thức mà theo đánh giá là tác động vô cùng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của BSR nói riêng, sự phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung. 
Thứ nhất là nguy cơ không đủ nguyên liệu dầu thô cho hoạt động ổn định, hiệu quả của NMLD Dung Quất khi nguồn dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm về sản lượng cung ứng và có chất lượng không ổn định do mỏ Bạch Hổ đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác.
Thứ hai, xu hướng chung của tự do hóa thương mại khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các nước có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn đối với thị trường cung ứng xăng dầu nội địa. 
Thứ ba, diễn biến bất thường của thị trường dầu thô trên thế giới do ảnh hưởng của cuộc cách mạng dầu thô đá phiến, cuộc chiến giành thị phần giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ, v.v.. cũng là một bài toán hóc búa đối với BSR trong việc “bắt đáy” giá dầu thô với điều kiện mức tồn kho cho phép hiện tại. 
Để ứng phó và vượt qua được các khó khăn thách thức mang tính sống còn nói trên, tập thể cán bộ - công nhân viên BSR đã quyết tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất nhằm ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, cải tiến, phát triển thiết kế nhằm tối ưu hóa mọi hoạt động sản xuất của NMLD Dung Quất qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD tổng thể và năng lực canh tranh của BSR. 
Thành tựu của cụm công trình là kết quả đáng tự hào của một quá trình lao động, nghiên cứu khoa học miệt mài một cách nghiêm túc, đầy tính sáng tạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm và là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn cao của BSR.
BSR làm chủ khoa học công nghệ, vươn mình ra thế giới
PV: Ông vui lòng chia sẻ về định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với phát triển ổn định, bền vững thương hiệu BSR trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Văn Hội:
Trong thời gian tới, định hướng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của BSR sẽ tập trung vào các nhiệm vụ then chốt, mang tính chiến lược như sau:
Về nguyên liệu, BSR sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến cho NMLD Dung Quất, mục tiêu có thể xác định các nguồn dầu thô nhập khẩu tiềm năng cao có thể thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ và các nguồn dầu thô nội địa khác (đang trên đà suy giảm sản lượng theo từng năm), đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho NM hoạt động liên tục và hiệu quả.
Về sản phẩm, chúng tôi sẽ tăng cường nghiên cứu tăng chất lượng sản phẩm xăng dầu BSR đạt mức Euro-V và tăng dần tỷ trọng sản phẩm hóa dầu trong cơ cấu sản phẩm tổng thể của công ty.
Ngoài ra về công nghệ, BSR sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “xây dựng chiến lược sản xuất và cung ứng Hydro từ sản phẩm trung gian của NMLD Dung Quất và tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo” để phát triển BSR phù hợp theo xu hướng chuyển dịch năng lượng. 
Xin cảm ơn ông./.
Hương Giang – Thu Hà
lên đầu trang