Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 08:11

Thứ sáu, 26/04/2024 | 08:11

Giải thưởng

Cập nhật lúc 15:45 ngày 13/03/2021

BSR làm lợi hơn 4.270 tỷ đồng từ cải tiến công nghệ

Theo định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn BSR xác định khoa học công nghệ (KHCN) là giải pháp chiến lược trong việc tối ưu hóa công suất - năng suất - hiệu suất; đảm bảo sản xuất an toàn - ổn định; giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo yếu tố môi trường; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và phát triển bền vững.
Tính đến hết năm 2018, tổng sản phẩm xăng dầu sản xuất, cung ứng cho thị trường của doanh nghiệp đạt 57,4 triệu tấn; doanh thu trên 994.670 tỷ đồng; góp phần nộp ngân sách Nhà nước 157.160 tỷ đồng (xấp xỉ 7 tỷ USD).
Để có được những thành quả này, tập thể Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ kỹ sư - công nhân viên Công ty đã phải khắc phục và vượt qua những thách thức không nhỏ. 
Cụ thể đó là sự thiếu hụt của nguyên liệu thiết kế và sự biến động giá nguyên liệu đầu vào. Trong khi sản lượng mỏ Bạch Hổ suy giảm mạnh hàng năm do đã ở cuối đời mỏ dẫn đến thiếu nguyên liệu thiết kế, dẫn đến việc phải tìm mua các loại dầu khác thay thế, hiệu quả chế biến thấp hơn. Cộng thêm nguyên liệu khai thác do đã ở cuối đời mỏ, chứa nhiều tạp chất như kim loại nặng, halogen, kim loại kiềm thổ... ảnh hưởng đến công nghệ, vận hành. Máy móc thiết bị đã trải qua thời gian dài hoạt động, cần duy tu, bảo dưỡng, chống ăn mòn nên chi phí vận hành cao, tiềm ẩn các nguy cơ sự cố. 
Những khó khăn bên ngoài có thể kể đến sự cạnh tranh ngày càng cao khi các hàng rào thuế quan đã dần được gỡ bỏ; sự đổi mới không ngừng của công nghệ máy móc và các chính sách môi trường đòi hỏi các dạng nguyên liệu mới, hiệu quả, ít ô nhiễm hơn... Tất cả các yếu tố này đặt ra những thách thức không ngừng, đòi hỏi Công ty phải liên tục cải tiến, tối đa hóa hiệu suất - công năng tại từng công đoạn, giảm chi phí vận hành, chi phí sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh. 
Trong các giải pháp có thể kể đến, tối ưu hóa vận hành sản xuất và tiết kiệm năng lượng dựa trên ứng dụng KHCN và sáng tiến kỹ thuật được Công ty xác định là giải pháp chủ động, nằm trong tầm tay. Do đó được đặc biệt quan tâm thực hiện để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Hàng tháng, hàng quý các tổ sản xuất đều thực hiện hoạt động bám sát chương trình tối ưu hóa năng lượng, tối ưu hóa sản xuất; báo cáo về lãnh đạo Công ty từ đó có hướng cải thiện hiệu quả và xây dựng kế hoạch các năm tiếp theo. Trong nội bộ Công ty cũng thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề nhiệm vụ để các thành viên cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm về tối ưu hóa vận hành sản xuất, tối ưu hóa năng lượng, tối ưu hóa chi phí, kinh nghiệm bảo dưỡng, sửa chữa... tại tất cả các khâu sản xuất - kinh doanh. Đồng thời khuyến khích đội ngũ nhân sự, kỹ sư nòng cốt tham gia các diễn đàn trong khu vực và trên thế giới để cập nhật thông tin về tiến bộ KHCN mới nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Quán triệt tinh thần tối ưu hóa toàn diện, quyết liệu thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí, trong những năm qua, BSR liên tục cải tiến kỹ thuật, ứng dụng KHCN, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu USD. Công ty đã có 596 cải tiến Kaizen, thực hiện 33 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, trong khoảng từ năm 2015 - 2019, Công ty đã đẩy mạnh và triển khai quyết liệt hàng loạt giải pháp ứng dụng KHCN nhằm tối ưu hóa quá trình quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Các cụm sáng kiến này được triển khai ở nhiều giai đoạn, tập trung giải quyết các vấn đề sau: (i) nâng cao chất lượng và sản lượng của nguyên liệu dầu thô, linh động trong lựa chọn dầu thô cho nhà máy; (ii) đa dạng hóa sản phẩm thương mại, đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu BSR trên thị trường khu vực và quốc tế; (iii) giải quyết triệt để các điểm còn tồn đọng trong quá trình vận hành, tiết giảm chi phí vận hành - bảo dưỡng, ổn định và nâng cao hiệu quả vận hành, giảm hao hụt nhiên liệu và tiêu thụ năng lượng, đảm bảo yếu tố môi trường bền vững. 
Để thực hiện các mục tiêu trên, BSR đã tập trung rà soát tất cả các khâu trọng điểm sản xuất, tập trung nghiên cứu cải tiến kỹ thuật đồng thời hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm trên thế giới nhằm thiết kế phương án tối ưu nhất. 
Cụ thể, BSR bắt tay với Solomon, đơn vị chuyên đánh giá xếp loại các nhà máy lọc dầu trên thế giới, nhằm định vị Nhà máy trong 400 nhà máy lọc dầu trên thế giới. Từ kết quả phân tích của các chuyên gia quốc tế, BSR triển khai 17 giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chế biến của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Một số giải pháp cụ thể có thể kể đến là giảm tỷ lệ hồi lưu tháp NHT Splitter T1202, giảm tỷ lệ tuần hoàn hydro (H2:Oil) ở Phân xưởng CCR (giai đoạn 1), giảm áp suất đầu ra máy nén MAB, giảm tiêu thụ MPS tại thiết bị phản ứng của Phân xưởng RFCC, hạn chế xả đuốc ở D2401... 
Song song, Công ty cũng triển khai các nhóm giải pháp ngắn hạn trong việc tối ưu hóa năng lượng, tối ưu hóa công nghệ - sản xuất; nâng cao chất lượng nguyên liệu dầu thô; tối ưu hóa hóa phẩm - xúc tác; tiết giảm chi phí; công tác quản lý; dự án nhập cấu tử. 
Các nhóm dài hạn tập trung vào các vấn đề liên quan tới nâng cao hiệu quả vận hành. Cụ thể, nghiên cứu, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nâng công suất vận hành của một số phân xưởng CDU (110%), NHT/ISOM (115%), KTU (130%); đưa vào sử dụng hóa phẩm loại Fe và Ca trong dầu thô nhằm tiết kiệm chi phí xúc tác RFCC, tối ưu hóa sử dụng xúc tác RFCC, thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng chất ức chế nickel, thiết lập chương trình tối ưu và thử nghiệm hấp phụ xúc tác.
Bộ chỉ số cường độ năng lượng EII của Nhà máy Lọc đáu Dung Quất trong giai đoạn 2013 - 2018: EII giảm từ 117% năm 2013 xuống 103,5% năm 2018
Năng lượng tiêu thụ nội bộ (nhiên liệu/đáu thô chế biến) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong giai đoạn 2013 - 2018
Từ những nỗ lực trên, các kết quả đem lại không nhỏ và có giá trị sử dụng bền vững. Cụ thể:
- Nâng cao độ an toàn, ổn định và hiệu quả lên 108 - 110% công suất thiết kế cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất;
- Giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng EII từ 117% năm 2013 xuống 103,5% năm 2018. 1 chỉ số EII tương đương 1,5 triệu USD/năm;
- Chỉ số tiêu thụ năng lượng nội bộ dầu FO giảm từ 7,62% năm 2013 xuống 7,04% năm 2018, tiết kiệm 35 nghìn tấn/năm dầu FO, tương đương 15 triệu USD/năm.
- Thử nghiệm và thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm chất lượng cao, như nhiên liệu máy bay phản lực Jet A1 và nhiên liệu vận tải hàng hải MFO, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, nâng tầm vị thế thương hiệu BSR trên trường quốc tế. 
- Giảm tiêu thụ xúc tác, hóa phẩm. Cụ thể, BSR đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng hóa phẩm loại Fe và Ca trong dầu thô nhằm tiết kiệm chi phí xúc tác RFCC, tối ưu hóa sử dụng xúc tác RFCC, thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng chất ức chế nickel, thiết lập chương trình tối ưu và thử nghiệm hấp phụ xúc tác.
Theo báo cáo, trong khoảng 5 năm, từ 2015-2019, các sáng kiến cải tiến, ứng dụng KHCN đã giúp BSR nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến 33,7 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước. Giá trị làm lợi của các cụm sáng kiến, ứng dụng KHCN ước tính 4.270 tỷ đồng, tương đương 185 triệu USD.
Những thành quả này đã giúp 100% sản phẩm của BSR đưa ra thị trường đạt chất lượng, đạt nhiều giải thưởng uy tín như đạt giải Vàng chất lượng Quốc gia (năm 2013 và 2016), Top 10 doanh nghiệp đảm bảo chất lượng QAS 2017, Thương hiệu tiêu biểu vượt trội... 
Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và hiệu quả kinh tế- xã hội mang lại, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất Bộ Công Thương xét chọn cụm công trình khoa học "Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR" xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6. 
Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm nay sẽ tiến hành làm việc từ tháng 4 tới giữa tháng 7, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 8/2021. 

Hương Giang
lên đầu trang