Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 06:05

Chủ nhật, 05/05/2024 | 06:05

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 10:15 ngày 23/08/2015

Viện Dầu khí Việt Nam: Đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực nghiên cứu

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, đang tích cực triển khai Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành chủ yếu thực hiện kế hoạch nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ năm 2015. Trong đó, VPI đẩy mạnh nghiên cứu điều tra cơ bản, chủ động đề xuất nghiên cứu trung và dài hạn theo Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); đồng thời tiếp tục đổi mới quyết liệt, toàn diện, triệt để, nhằm nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn đang ở mức thấp.


Đẩy mạnh nghiên cứu điều tra cơ bản    

Năm 2014, VPI đã thực hiện 211 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và 174 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ và phản biện, nhận xét cho hàng chục báo cáo RAR, ODP, FDP… Trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, VPI đã triển khai phân tích tướng - môi trường trầm tích, xây dựng mô hình hệ thống dầu khí bể Sông Hồng, Nam Côn Sơn trên cơ sở tài liệu mới; tối ưu hóa hệ thống gaslift cho khu vực mỏ Tê Giác Trắng; hỗ trợ PVN quản lý điều hành khai thác, phát triển mỏ dầu khí trong và ngoài nước; nghiên cứu đánh giá, phân tích mẫu nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu tầng Miocen dưới mỏ Bạch Hổ, Miocen dưới bể Cửu Long… Đặc biệt, Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” do VPI chủ trì thực hiện đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước xếp loại xuất sắc do có nhiều đóng góp mới, quan trọng cho khoa học địa chất dầu khí.

Đồng thời, VPI đã tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN; nghiên cứu sử dụng hiệu quả các nguồn khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao, trong đó chú trọng đến xử lý, vận chuyển, chế biến sâu, tích hợp với lọc dầu và hóa dầu từ khí, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên trong nước.

Bên cạnh đó, VPI tư vấn cho các nhà thầu dầu khí lập biện pháp ứng phó tràn đổ hóa chất; quan trắc môi trường khu vực nước sâu; quản lý môi trường, quản lý an toàn, khảo sát và giám sát môi trường; nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học xử lý dầu tràn từ nguồn sinh vật bản địa; nghiên cứu pha chế chất phân tán dầu phù hợp với các loại dầu thô Việt Nam… Tư vấn đánh giá thiết kế, kiểm tra, kiểm soát các hệ thống chống ăn mòn, giải pháp chống ăn mòn; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ khí: LPG, LNG, khí có hàm lượng CO2 cao; tư vấn quản lý rủi ro (RBI), lập quy hoạch khí, điện. Đánh giá tổng thể hiệu quả đầu tư hoạt động thăm dò khai thác, các dự án chế biến; nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi áp dụng biện pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu; nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật mặt hàng dầu thô dự trữ quốc gia…

Về hợp tác quốc tế, VPI đã tổng kết Dự án “Phân tích tổng hợp, mô hình hóa và đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trầm tích ở Việt Nam” thuộc Chương trình “Nâng cao năng lực nghiên cứu” (ENRECA). Hoàn thành các dự án: VPI-Idemitsu pha 5 “Áp dụng kỹ thuật địa hóa tiên tiến nghiên cứu hệ thống dầu khí và dự đoán CO2 các bể trầm tích Việt Nam: Bể Sông Hồng”; Tối ưu hóa năng lượng, đánh giá xúc tác, xây dựng và chuyển giao mô hình quy hoạch tuyến tính cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Ký các thỏa thuận hợp tác về ứng phó sự cố tràn dầu (với OSCT), về đánh giá tác động môi trường mỏ Cá Voi Xanh (với ERM), hợp tác đào tạo (với LiKat, UOP, ENI, Aston, Sojitz Chioda, Corelab)…

Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới  

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, VPI đã xây dựng và đang tích cực triển khai Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành chủ yếu thực hiện kế hoạch nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ năm 2015. Trong đó, VPI sẽ đẩy mạnh nghiên cứu điều tra cơ bản, chủ động đề xuất nghiên cứu trung và dài hạn theo Chiến lược phát triển của VPN. Đồng thời, Viện tăng cường nghiên cứu dự báo, khai thác tối đa trang thiết bị phần mềm hiện có, giải quyết các vấn đề phát sinh, vượt qua khó khăn sự biến động của giá dầu. Tăng cường hội nhập quốc tế và đa dạng hóa các hình thức hợp tác, chuyển giao kinh nghiệm, tri thức, công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ, lấy nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh các dịch vụ “cốt lõi” và có thế mạnh; mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, gia tăng tỷ lệ tự thực hiện thông qua nghiên cứu các sản phẩm mới.

Trên cơ sở đó, Viện đang triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích phát huy sáng kiến, áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa chi phí nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ. Đồng thời, Viện Dầu khí Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí, song song với việc đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên sâu phát triển chuyên gia và chú trọng thu hút, phát hiện, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài… để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Dự kiến cuối năm 2015, VPI sẽ đưa Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng Viện vào hoạt động. Với hệ thống thiết bị chuyên dụng hiện đại, cơ sở này sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện, tăng tỷ lệ phân tích mẫu trong nước lên đến trên 90% ở các khâu: đánh giá, sản xuất thử nghiệm xúc tác, mô phỏng, tối ưu hóa, phân tích thí nghiệm mẫu đất, đá, dầu, khí, nước và hóa chất, nghiên cứu sản xuất, tồn trữ và phân phối nhiên liệu sinh học, sản xuất thử nghiệm hóa chất và sản phẩm dầu khí, đánh giá an toàn môi trường, công nghệ giám định, kiểm định kỹ thuật; xử lý mẫu và xử lý chất thải...

 

Ngọc Linh

lên đầu trang