Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 18:12

Thứ sáu, 10/05/2024 | 18:12

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:55 ngày 02/09/2015

Điều tra đổi mới công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng áp dụng cho Việt Nam

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia trên thế giới đang hướng tới sự phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức (Knowledge-based Economy), nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững đó là đổi mới công nghệ (ĐMCN). Tuy nhiên, hoạt động điều tra ĐMCN của Việt Nam chưa được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất. Và điều đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu kinh nghiệm điều tra ĐMCN của quốc tế.

1. Phương pháp điều tra ĐMCN của OECD

Hiện tại, trên thế giới có một số phương pháp điều tra đổi mới nói chung và điều tra ĐMCN nói riêng, nhưng phương pháp điều tra ĐMCN phổ biến được hầu hết các nước áp dụng đó là của tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), được phát triển và hoàn thiện thiện theo từng giai đoạn cho phù hợp với điều kiện thực tế của thế giới cũng như phù hợp với điều kiện của nhiều quốc gia khác nhau. Cho đến nay đã có ba phiên bản hướng dẫn điều tra đổi mới của OECD lần lượt xuất bản vào các năm 1992, 1997 và 2005 [1]

Phiên bản năm 1992

Được định hướng theo hướng dẫn sổ tay OSLO, nội dung điều tra gồm: đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm. Điều tra ĐMCN trong lĩnh vực chế biến và chế tạo và cũng có thể điều tra ĐMCN ở các ngành. Trong đó có một số quốc gia đã áp dụng điều tra theo phương pháp này như EU, Úc, Canada, Malaysia…

Phiên bản năm 1997

Phát triển thành phương pháp điều tra ĐMCN quốc tế và mở rộng đối tượng điều tra là các ngành dịch vụ. Đối với các nước phát triển, định hướng áp dụng theo sổ tay OSLO, ngoài ra Ủy ban châu Âu cũng đã ban hành Quy định số 1450/2004 (ngày 13/8/2004) để hướng dẫn các quốc gia thành viên tổ chức điều tra diện rộng về đổi mới. Cùng với việc hoàn thiện phương pháp điều tra, về nội dung điều tra ĐMCN có bổ sung 09 chỉ tiêu liên quan đến doanh nghiệp đổi mới và sản phẩm đổi mới. Lĩnh vực điều tra ĐMCN chế tạo, chế biến và dịch vụ dựa trên phân loại các ngành kinh tế của EU.

Phiên bản năm 2005

Trong phiên bản 2005, khái niệm về ĐMCN được mở rộng thêm theo hướng đổi mới sáng tạo, như vậy ĐMCN bao gồm bốn thành phần: Đổi mới quy trình; Đổi mới sản phẩm; Đổi mới tổ chức và Đổi mới thị trường. Ngoài ra, trong phiên bản năm 2005, nội dung có mở rộng thêm để nghiên cứu, phân tích mối quan hệ giữa 4 thành phần đổi mới: sản phẩm - quy trình - tổ chức - thị trường. Tầm quan trọng của ĐMCN trong các lĩnh vực công nghiệp ít nhạy cảm như dịch vụ và chế biến, chế tạo công nghệ thấp.

2. Kinh nghiệm điều tra ĐMCN của một số quốc gia

Điều tra ĐMCN của Malaysia: Chủ trì là Trung tâm Thông tin KH&CN Malaysia - Malaysian Science and Technology Information Centre (MASTIC) thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Thông tin Malaysia (MOSTI) phối hợp với nhiều cơ quan khác như  Bộ Giáo dục, Bộ Nội thương, Hội người tiêu dùng và Ngân hàng Nagera Malaysia... theo phương pháp hướng dẫn của cẩm nang hướng dẫn OSLO. Từ năm 1994-2012, Malaysia đã có 6 cuộc điều tra về ĐMCN, trung bình khoảng 2-3 năm một lần. Lĩnh vực điều tra là các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Kết quả điều tra năm 2012 của Malaysia về doanh nghiệp ĐMCN. (Xem biểu đồ).

Lĩnh vực sản xuất: 38% doanh nghiệp đổi mới

Lĩnh vực dịch vụ: 62% doanh nghiệp đổi mới

Biểu đồ: Khảo sát doanh nghiệp có đổi mới và không đổi mới thuộc khu vực doanh nghiệp



Nguồn: Điều tra quốc gia về đổi mới của Malaysia 2012 [2]

Điều tra, ĐMCN của Đài Loan [3]

Theo cuộc điều tra ĐMCN đầu tiên ở Đài Loan (TTIS 1) diễn ra từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2002 với số liệu thu thập trong 3 năm từ 1998 đến 2000, quá trình thu thập dữ liệu được chia thành 02 giai đoạn, giai đoạn 1 gọi điện cho doanh nghiệp, giai đoạn 2 phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp. Chọn mẫu doanh nghiệp dựa vào bảng phân loại ngành kinh tế của Đài Loan theo hướng dẫn của phân loại ngành kinh tế của OECD. Mỗi ngành công nghiệp được lựa chọn theo quy mô doanh nghiệp (số lượng nhân viên trong doanh nghiệp), được phân thành 05 nhóm: 6-19, 20-49, 50-249, 250-499 và từ 500 trở lên. Với nguyên tắc lựa chọn mẫu ngẫu nhiên, khoảng 60.000 doanh nghiệp được lựa chọn từ số liệu của ban ngân sách, kế toán và thống kê các ngành công nghiệp và thương mại. Trong số đó, 10.000 doanh nghiệp là những mẫu tốt và 50.000 doanh nghiệp là các mẫu dự trữ. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với những doanh nghiệp trên 20 nhân viên có 50,2% doanh nghiệp ĐMCN, trong ngành sản xuất là 51,1% và ngành dịch vụ là 49,3%. Trong số các doanh nghiệp đổi mới thì 28,2% doanh nghiệp đổi mới sản phẩm và 33,4% doanh nghiệp đổi mới quy trình. (Xem bảng)

Bảng: Hoạt động điều tra ĐMCN của một số quốc gia trên thế giới

Quốc gia

Phương pháp áp dụng

Thời gian quan sát điều tra

Phạm vi điều tra doanh nghiệp

Yêu cầu đối với người điền phiếu

Hình thức thu thập thông tin, số liệu

Châu Âu

Cẩm nang Oslo

02 năm

Toàn bộ lĩnh vực công nghiệp[1] và các lĩnh vực hẹp khác

---

---

Trung Quốc

Cẩm nang Oslo

03 năm

Toàn bộ lĩnh vực công nghiệp

Bắt buộc, có chế tài

Tổ chức HT hướng dẫn, phát phiếu điều tra

Malaysia

Cẩm nang Oslo

03 năm

Công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ

Tự nguyện

Kết hợp gửi mail, phỏng vấn trực tiếp, hội thảo

Đài Loan

Cẩm nang Oslo

03 năm

Sản xuất và dịch vụ

Tự nguyện

---

Hàn Quốc

Cẩm nang Oslo

03 năm

Công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ

Tự nguyện

---

Indonesia

Cẩm nang Oslo

02 năm

Công nghiệp chế biến – chế tạo

Tự nguyện

Phỏng vấn trực tiếp

Thái Lan

Cẩm nang Oslo

03 năm

Cơ khí chế tạo và dịch vụ

Tự nguyện

Phát phiếu điều tra,

Châu Phi, Nam Mỹ

Bogota

02 năm

Công nghiệp chế biến – chế tạo

Tự nguyện

---

3. Hiện trang các cuộc điều tra liên quan đến ĐMCN của Việt Nam     

Năm 1996, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tiến hành cuộc điều tra tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả cuộc điều tra đã cung cấp những số liệu phục vụ đánh giá, phân tích thực trạng tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN ở địa phương.

Năm 2000, Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường giao Trung tâm Thông tin KH&CN quốc gia (nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) thử nghiệm tiến hành điều tra nghiên cứu và phát triển quốc gia.

Năm 2004, Tổng cục Thống kê [4] có cuộc điều tra liên quan đến đầu tư cho KH&CN trên 400 doanh nghiệp, trong đó có chỉ tiêu liên quan đến ĐMCN và thiết bị như số lượng cán bộ KH&CN có trình độ từ cao đẳng trở lên, chi phí đầu tư, nghiên cứu và phát triển KH&CN, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Giai đoạn 2010-2013[5], Viện Quản lý kinh tế trung ương hợp tác với Tổng cục Thống kê và Đại học Copenhagen Đan Mạch, tổ chức điều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ của 8.000 doanh nghiệp trong 24 ngành chế biến và chế tạo trong phạm vi cả nước với một số chỉ tiêu đánh giá như: Tình hình sử dụng công nghệ/máy móc thiết bị trong sản xuất của doanh nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sử dụng các nguồn đầu vào và cơ cấu đầu ra của sản phẩm, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, cạnh tranh, phát triển công nghệ/máy móc thiết bị, tiếp nhận chuyển giao công nghệ/máy móc thiết bị, thay đổi/điều chỉnh công nghệ/máy móc thiết bị, kế hoạch/trông đợi về phát triển công nghệ/máy móc thiết bị, phổ biến công nghệ/máy móc thiết bị ra bên ngoài.

Năm 2012, 2014, Bộ Khoa học, công nghệ đã tổ chức điều tra Nghiên cứu và phát triển, iều tra điều tra Tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN.

4. Kết luận

Song hành cùng sự phát triển phương pháp điều tra đổi mới của OECD, hầu hết các quốc gia đều áp dụng phương pháp điều tra này trên cơ sở áp dụng cẩm nang hướng dẫn OSLO đối với các nước phát triển và các nước châu Âu; còn cẩm nang hướng dẫn Bogota áp dụng cho các nước đang phát triển như châu Mỹ La Tinh và châu Phi. Theo kinh nghiệm điều tra ĐMCN của các quốc gia cho thấy, trên cơ sở tiếp thu phương pháp điều tra quốc tế, xây dựng bộ chỉ tiêu điều tra thống nhất với chu kỳ điều tra ổn định từ 2-3 năm/lần; lựa chọn các các lĩnh vực điều tra là sản xuất và dịch vụ; tiến hành chọn mẫu các doanh nghiệp điều tra theo quy mô phù hợp và với một cơ quan đầu mối của nhà nước tổ chức điều tra một cách thường xuyên.

Hiện tại, ở Việt Nam, sau khi Luật Thống kê ra đời năm 2003, tiếp theo là Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê và Nghị định số 30/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 về thống kê KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã Ban hành Thông tư số 05/2009/TT-BKHCN ngày 30/3/2009 quy định chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN có các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động ĐMCN như: 0204 Chi cho ĐMCN (chỉ tiêu quốc gia), 0802 Giá trị mua/bán công nghệ (chỉ tiêu quốc gia), số doanh nghiệp có hoạt động ĐMCN (0803)… Tuy nhiên, Việt Nam chưa có cuộc điều tra ĐMCN hoàn chỉnh, thống nhất với quy mô quốc gia. Cũng có một số cuộc điều tra nhưng với các quy mô nhỏ và thường theo các yêu cầu cụ thể có liên quan đến ĐMCN, thiết bị, do đó các cuộc điều ta này còn nhiều hạn chế như các chỉ tiêu điều tra chưa thống nhất; Quy mô điều tra còn nhỏ chưa đủ để đại diện cho quốc gia; Phương pháp điều tra đánh giá ĐMCN chưa thống nhất và chưa có khả năng đảm bảo hài hòa với quốc tế; Cơ chế phối hợp chưa hoàn chỉnh đảm bảo triển khai đồng bộ giữa trung ương và địa phương; Chưa đủ nguồn lực để triển khai hoạt động điều tra đánh giá ĐMCN trong phạm vi cả nước.

Để nâng cao hiệu quả ĐMCN nói chung và hoạt động điều tra ĐMCN nói riêng, Việt Nam cần triển khai công tác điều tra, đánh giá ĐMCN đồng bộ từ trung ương tới địa phương với một phương pháp luận thống nhất, đảm bảo tính khả thi và có thể hài hòa – so sánh được với quốc tế theo cách: Chu kỳ điều tra 2 năm/lần; Phương pháp điều tra định hướng theo phương pháp OECD; Có đầu mối triển khai, phối hợp để đảm bảo hiệu quả.

Phạm Thế Dũng

Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

 
lên đầu trang