Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 18:58

Thứ sáu, 10/05/2024 | 18:58

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:06 ngày 02/10/2015

Bảo dưỡng - sửa chữa các hệ thống trang thiết bị phục vụ khai thác than - khoáng sản của TKV

Hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ khai thác, vận tải và chế biến khoáng sản là nhân tố quan trọng trong quá trình sản xuất. Duy trì làm sao để chúng luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất, nâng cao hiệu suất sử dụng, kéo dài tuổi thọ là yêu cầu và lợi ích kinh tế đặt ra cho các doanh nghiệp.


Sau đây là quan điểm và phân tích của nhóm tác giả về những vấn đề tồn tại trước mắt của công tác bảo dưỡng - sửa chữa, các biện pháp cần áp dụng nhằm nâng cao trình độ bảo dưỡng - sửa chữa, đồng thời giới thiệu xu hướng phát triển của công tác bảo dưỡng - sửa chữa các hệ thống trang thiết bị, máy móc, công trình cơ khí.

Tầm quan trọng của công tác bảo dưỡng - sửa chữa

Qua quá trình sử dụng, các linh kiện, phụ tùng cơ khí sẽ bị mài mòn, biến dạng, nứt gẫy..., cùng với việc tăng dần sự mài mòn của các chi tiết máy, trạng thái kĩ thuật của thiết bị sẽ biến đổi theo chiều hướng xấu dần, dẫn đến xuất hiện các sự cố không mong muốn, độ tin cậy, tuổi thọ, công năng và độ chính xác sẽ giảm, thậm chí mất đi giá trị sử dụng. Nhằm phục hồi công năng và độ chính xác, nâng cao tuổi thọ, độ tin cậy của thiết bị, nhất thiết phải tiến hành các biện pháp thay mới hoặc sửa chữa, phục hồi nhằm khôi phục tính năng kĩ thuật vốn có của chi tiết máy.

Đầu tư bảo dưỡng - sửa chữa là đầu tư cho tương lai. Bảo dưỡng - sửa chữa không chỉ là việc loại bỏ sự cố, mà còn đảm bảo sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, là một hạng mục đầu tư liên tục và lâu dài đảm bảo cho doanh nghiệp đạt được lợi ích về mặt kinh tế. Làm tốt công tác sửa chữa, phục hồi sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp như: bảo đảm doanh nghiệp hoạt động sản xuất một cách bình thường, gia tăng sản lượng, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng xuất lao động, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật...

Bảo dưỡng - sửa chữa là một hoạt động kĩ thuật nhằm duy trì lâu dài hoặc cải thiện nâng cao tính năng của các thiết bị, công trình cơ khí. Tác dụng của công tác bảo dưỡng - sửa chữa có thể khái quát như sau: gia tăng lợi nhuận, tiết kiệm nguyên vật liệu, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, kéo dài tuổi thọ thiết bị, giảm chi phí sản xuất, ngăn ngừa sự cố và tai nạn. Bảo dưỡng - sửa chữa chính là công tác quan trọng nhằm bảo đảm cho các hệ thống trang thiết bị, máy móc, công trình cơ khí hoạt động hiệu quả. Có thể nói cùng với sự không ngừng xuất hiện các phương pháp bảo dưỡng - sửa chữa kĩ thuật cao, tiên tiến đã đảm bảo chắc chắn cho các thiết bị hoạt động an toàn không xảy ra sự cố, hơn nữa còn làm cho thiết bị duy trì trạng thái hoạt động bình thường.

Trước mắt, công tác bảo dưỡng - sửa chữa vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề, cần thiết phải tổng kết nghiêm túc, rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời đi sâu nghiên cứu nhằm làm tốt các biện pháp bảo dưỡng - sửa chữa các hệ thống trang thiết bị, máy móc, công trình cơ khí.

Các vấn đề tồn tại trong công tác bảo dưỡng - sửa chữa

- Hiện nay, tại một số doanh nghiệp do vấn đề vốn đầu tư gặp khó khăn nên một bộ phận các trang thiết bị, máy móc sản xuất hiện đang sử dụng đã già cỗi, hầu hết các chi tiết, linh kiện đều vượt quá giới hạn mài mòn cho phép. Mặt khác, trong quá trình sử dụng lại không tuân theo các quy trình tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa làm tăng các sự cố, giảm tuổi thọ của thiết bị.

- Chỉ chú ý đến sửa chữa phục hồi tính năng ban đầu vốn có của thiết bị, không tiến hành cải tạo, nâng cấp kĩ thuật cần thiết vì vậy vẫn tồn tại hiện trạng thiết bị dần dần già cỗi, hiệu quả sử dụng và lợi ích kinh tế kém.

- Thiếu kế hoạch thống nhất trong việc mua sắm các linh kiện thay thế dự phòng, dẫn đến không bảo đảm cung ứng đủ vật tư, thiết bị, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác sửa chữa, kéo dài thời gian máy ngừng hoạt động.

- Do sức hấp dẫn của nghề cơ khí, sửa chữa cơ điện mỏ hiện không cao, dẫn đến một bộ phận nhân viên sửa chữa, nhất là người có kinh nghiệm và tay nghề cao thường tìm cách chuyển đi các nơi khác, làm cho lực lượng bảo dưỡng - sửa chữa suy yếu một cách nghiêm trọng.

- Trình độ cơ khí hóa trong bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị còn thấp, cường độ lao động còn lớn, hiệu suất lao động thấp.

- Trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa chủ yếu vẫn dựa vào phán đoán cảm quan, tính chính xác thấp, khó xác định chính xác mức độ hư hỏng.

- Khi tiến hành đại tu thiết bị cơ khí, hầu hết cần phải đưa về các cơ sở sửa chữa tập trung. Do các cơ sở này thường cách xa hiện trường cộng với khó khăn về điều kiện vận chuyển thiết bị, dẫn đến có lúc không kịp thời đưa thiết bị cần sửa chữa về xưởng, sau khi sửa chữa cũng không thể lập tức đưa thiết bị quay lại hiện trường, điều này dẫn đến giá thanh sửa chữa tăng và tăng thời gian ngừng hoạt động của thiết bị.

Biện pháp cần áp dụng để làm tốt công tác bảo dưỡng - sửa chữa

a) Chú trọng chế độ bảo dưỡng - sửa chữa hàng ngày

Công tác bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị bao gồm đảm bảo cho thiết bị chưa hỏng hóc hoạt động một cách bình thường và sửa chữa khi thiết bị gặp sự cố. Việc đào tạo, giáo dục người vận hành chuyên tâm vào thao tác, giữ gìn thiết bị có thể làm giảm sự cố, giảm thời gian sửa chữa, tăng khoảng cách giữa các lần phải sửa chữa, tiết kiệm chi phí sửa chữa, tăng năng xuất lao động, phát huy đầy đủ hiệu năng thiết bị. Bảo dưỡng - sửa chữa hàng ngày bao gồm: kiểm tra, bôi trơn, vệ sinh, điều chỉnh, thay thế linh kiện mau mòn chóng hỏng...

b) Xây dựng đội ngũ bảo dưỡng - sửa chữa đạt trình độ hệ thống hóa, chuyên nghiệp hóa

Đặc điểm và tính chất của doanh nghiệp quyết định đến đội ngũ nhân viên làm công tác bảo dưỡng - sửa chữa. Bất luận xuất phát từ yêu cầu của sản xuất hay suy xét về góc độ kinh tế thì việc đưa tất cả các thiết bị hỏng hóc về cơ sở bảo dưỡng - sửa chữa chuyên nghiệp, tập trung để tiến hành sửa chữa là điều không thể, mà chủ yếu phải dựa vào đội ngũ bảo dưỡng sửa chữa tại chỗ. Do vậy mỗi doanh nghiệp sử dụng thiết bị cần xây dựng và duy trì một đội ngũ nhân viên bảo dưỡng - sửa chữa tương đối thành thạo và chuyên nghiệp. Tổ chức thành các đội sửa chữa lưu động hoặc các trung tâm sửa chữa. Áp dụng các phương pháp cũng như phương tiện kiểm tra chẩn đoán hiện đại, có kế hoạch, có trọng điểm, có tính bắt buộc để định kì, định địa điểm giám sát trạng thái, chẩn đoán và sửa chữa khắc phục sự cố. Nghiên cứu, giải quyết những khó khăn về mặt kĩ thuật bảo dưỡng - sửa chữa tại cơ sở sản xuất nhằm hạ thấp tần suất sự cố phải dừng hoạt động của thiết bị, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, nâng cao hiệu quả đầu tư.

c) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên bảo dưỡng - sửa chữa có trình độ kĩ thuật cao

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên bảo dưỡng - sửa chữa, xây dựng một đội ngũ có đầy đủ tố chất thực hiện công tác bảo dưỡng - sửa chữa. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và mức độ nâng cao trình độ trang thiết bị của các doanh nghiệp, hiện nay các phương pháp truyền thống như: mắt nhìn, tai nghe, tay sờ... đã không còn đủ thích ứng với yêu cầu của công tác bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị hiện đại mà cần áp dụng các phương pháp mới như: tư vấn từ các đơn vị nghiên cứu, cử nhân viên kĩ thuật tham gia các lớp bồi dưỡng huấn luyện về công tác bảo dưỡng - sửa chữa... Đào tạo một đội ngũ có thể thao tác thành thạo các thiết bị kiểm nghiệm hiện đại nhằm phán đoán chính xác sự cố đồng thời có thể kịp thời loại bỏ sự cố. Chỉ có như vậy mới có thể bảo đảm thiết bị hoạt động hiệu quả cao, phát huy đầy đủ hiệu năng của thiết bị.

d) Áp dụng các kĩ thuật kiểm tra, kiểm định tiên tiến

 Hiện đại hóa các thiết bị giám sát, kiểm tra, đo lường nhằm làm tốt công tác sửa chữa dự phòng. Tốc độ mài mòn của các linh kiện, thiết bị cơ khí là rất khác nhau, để kịp thời sửa chữa cần áp dụng các thiết bị kiểm tra, đo lường và giám sát hiện đại, tìm ra bộ phận có sự cố và mức độ sự cố một cách chính xác, làm cho thiết bị trước khi xảy ra sự cố đã được bố trí kế hoạch bảo dưỡng - sửa chữa, chuẩn bị tốt linh kiện thay thế cũng như sẵn sàng bố trí nhân viên sửa chữa... tránh các tổn thất do mù quáng trong kĩ thuật bảo dưỡng - sửa chữa.

e) Làm tốt công tác cung ứng và mua sắm linh kiện dự phòng

Cần kết hợp chặt chẽ công tác quản lí, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa và chuẩn bị linh kiện dự phòng, đảm bảo kế hoạch mua sắm, chế tạo, phục hồi cải tạo linh kiện, thay thế và kế hoạch cung ứng vật tư, vật liệu được hài hòa với nhau.

Lập kế hoạch chuẩn bị linh kiện thay thế là khâu trung tâm của công tác bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị. Căn cứ để lập kế hoạch này dựa vào kế hoạch sử dụng thiết bị và tình trạng kĩ thuật của thiết bị, hiện nay ở một số doanh nghiệp việc lập kế hoạch chuẩn bị linh kiện thay thế không được đầy đủ và chắc chắn. Để việc lập kế hoạch đối với thiết bị thay thế phù hợp nhất với thực tế, người lập kế hoạch cần nắm bắt được hai điểm sau: một là cần hiệp đồng giữa các bộ phận chức năng (ví dụ: kĩ thuật, cơ điện vận tải, kế hoạch, tài vụ...) kết hợp tình hình thực tế của đơn vị, đối chiếu với nhiệm vụ sản xuất của năm sau, kế hoạch đầu tư, tình hình sử dụng và tu sửa thiết bị để đưa ra các phân tích và đánh giá một cách đầy đủ. Hai là cần hiểu rõ tình hình sử dụng thiết bị, chủ yếu là tình trạng kĩ thuật của thiết bị, thao tác, trình độ kĩ thuật của nhân viên bảo dưỡng - sửa chữa và trình độ nhân viên quản lí cùng tình trạng dự trữ linh kiện thay thế trong kho... Sau đó tổng hợp mọi mặt các nhân tố, tham chiếu tình hình tiêu hao linh kiện trong thời gian sử dụng trước đây để tiến hành lập kế hoạch cụ thể, cố gắng đạt được mức độ dự trữ linh kiện thay thế trong kho là nhỏ nhất có thể mà vẫn đáp ứng yêu cầu cần thiết.

f) Tăng cường sự bình đẳng trong quan hệ và hợp tác

Mặc dù đại đa số các đơn vị sử dụng còn chưa hiểu biết rõ kết cấu và nguyên lí của các thiết bị nhập khẩu hoặc các thiết bị tiên tiến do trong nước chế tạo, đặc biệt đối với một số các thiết bị nhập khẩu còn thiếu các tài liệu kĩ thuật, điều này mang đến không ít khó khăn cho công tác bảo dưỡng - sửa chữa. Tuy nhiên trong nội bộ TKV vẫn có các Viện nghiên cứu và một số các doanh nghiệp lớn trong quá trình bảo dưỡng - sửa chữa các thiết bị nhập khẩu đã tích lũy được một số kinh nghiệm và lập ra một số phương pháp bảo dưỡng - sửa chữa riêng. Do đó cần tăng cường quan hệ hợp tác một cách bình đẳng, giao lưu kinh nghiệm bảo dưỡng - sửa chữa, đây là một trong những hướng đi quan trọng nhằm giải quyết các tồn tại trong công tác bảo dưỡng - sửa chữa hiện nay.

Xu hướng phát triển của công tác bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị

a) Sử dụng kĩ thuật chẩn đoán thiết bị

Kĩ thuật chẩn đoán thiết bị bao gồm: kiểm tra đo lường trạng thái thiết bị và chẩn đoán sự cố. Nghĩa là trong quá trình vận hành thiết bị hoặc trong tình trạng không tháo rời thiết bị, nắm rõ trạng thái vận hành của thiết bị, xác định bộ phận có khả năng phát sinh sự cố và nguyên nhân sự cố, đồng thời đưa ra dự đoán, dự báo chính xác.

b) Đầu tư các trang thiết bị chẩn đoán

Thiết bị chẩn đoán sự cố cần đáp ứng các điều kiện sau: (1) Có khả năng phát hiện kịp thời và chính xác sự cố; (2) Có thao tác đơn giản để nhân viên kĩ thuật bình thường cũng có thể nắm bắt; (3) Không đòi hỏi môi trường làm việc đặc thù, có thể hoạt động tại tất cả các môi trường công tác bình thường; (4) Giá cả hợp lí, các doanh nghiệp sản xuất thông thường đều có thể mua sắm.

c) Áp dụng biện phấp bảo dưỡng - sửa chữa xanh

Bảo dưỡng - sửa chữa xanh là phương thức bảo dưỡng - sửa chữa hiện đại, tổng hợp vấn đề ảnh hưởng môi trường và hiệu suất sử dụng nguồn tài nguyên, mục tiêu của nó là không những duy trì và khôi phục trạng thái quy định của thiết bị, ngoài ra còn cần đáp ứng yêu cầu của mục tiêu phát triển bền vững, tức là giai đoạn trong và sau quá trình bảo dưỡng - sửa chữa cho đến tận khi thiết bị báo hỏng cần nỗ lực với cấp độ cao nhất để làm sao duy trì và phục hồi trạng thái quy định ban đầu của thiết bị, cần khống chế làm cho phế phẩm và các vật chất có hại phát sinh trong quá trình bảo dưỡng - sửa chữa là nhỏ nhất, điều này làm các ảnh hưởng có hại đến môi trường là nhỏ nhất. Đối với người bảo dưỡng - sửa chữa và người sử dụng thiết bị cần có trang bị bảo hộ lao động đảm bảo, đồng thời cũng cần đảm bảo hiệu suất sử dụng tài nguyên là cao nhất. Bảo dưỡng - sửa chữa xanh đề cập đến rất nhiều phương diện tổng hợp của hệ thống, cũng là hình thức phát triển bền vững bằng việc duy trì sản xuất sạch.

Tương lai của công tác bảo dưỡng - sửa chữa là bảo dưỡng - sửa chữa xanh, bảo dưỡng - sửa chữa tiên tiến. Bảo dưỡng - sửa chữa không chỉ là biện pháp khôi phục cho thiết bị tính năng nguyên bản của thiết bị mà còn cần cải thiện và nâng cao tính năng của thiết bị. Vì vậy, bảo dưỡng - sửa chữa cũng là một loại đầu tư nó cũng quan trọng như các khoản đầu tư cho tài sản cố định, nếu không đầu tư cho bảo dưỡng - sửa chữa thì tài sản cố định khó mà bảo đảm hoạt động và mở rộng hoạt động. Bảo dưỡng - sửa chữa không phải là một công đoạn phụ trợ và biện pháp ứng phó mà nó là một bộ phận của nguồn lực sản xuất, là nhiệm vụ trọng yếu liên quan đến vấn đề đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đặc biệt là trong thời gian tới khi mà TKV đẩy mạnh công tác cơ giới hóa./.

TS. Đỗ Trung Hiếu 

Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin

lên đầu trang