Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:37

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:37

Chính sách

Cập nhật lúc 11:35 ngày 18/05/2021

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trong những công tác trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian qua nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2016), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết số 02/NQ-CP) và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 05 năm 2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. 

Bộ Công Thương đã tiến hành cắt giảm tổng số là 1.446 mã HS/1891 mã HS, chiếm 76,5%. Ảnh Báo Công Thương
Là một trong những Bộ có lĩnh vực quản lý đa ngành, do đó, số lượng mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương tương đối lớn, phức tạp. Đặc biệt, nhiều nhóm mặt hàng có nguy cơ cao gây mất an toàn đối với sức khỏe con người như vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, thực phẩm v.v... cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ. 
Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc đơn giản hóa thủ tục và rà soát, cắt giảm danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến nội dung này. Trong đó, Quyết định số 2314/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2019 về việc ban hành phương án cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương giai đoạn năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Đây là văn bản cơ sở để tổ chức rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục đối với từng nhóm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Việc rà soát được thực hiện theo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo tính pháp lý đầy đủ và đảm bảo các yêu cầu cần thiết của quản lý nhà nước trong từng thời kỳ. 

Tổng số mã HS (sau cắt giảm) còn lại là 445 mã HS 8 số. Ảnh Báo Công Thương
Sau khi tiến hành việc rà soát cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Danh mục các mặt hàng nhập khẩu (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương kèm theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 16 tháng 4 năm 2021. Theo đó, tổng số mã HS (sau cắt giảm) còn lại là 445 mã HS 8 số và bao gồm các nhóm mặt hàng sau:
- Danh mục các mặt hàng KTCN về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2: 143 mã HS 8 số.
- Danh mục các mặt hàng KTCN về an toàn thực phẩm: 236 mã HS 8 số. 
- Danh mục các mặt hàng KTCN về HSNL: 66 mã HS 8 số.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã tiến hành cắt giảm tổng số là 1.446 mã HS/1891 mã HS (đợt 1 năm 2019: đã cắt giảm 1051 mã HS; đợt 2: cắt giảm tiếp còn lại 445 mã HS), chiếm 76,5% số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương tính từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. 
Với các kết quả nêu trên, trong công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công Thương luôn được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Công tác KTCN về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh Báo Công Thương
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung công tác cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng tiếp tục tăng cường đơn giản hóa các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hiện nay, một số thủ tục đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, các thủ tục sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ trên Cổng thông tin này, Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống thông tin an toàn thực phẩm quốc gia sau khi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, sửa đổi được ban hành.
Cùng với việc hoàn thiện từng bước các Hệ thống thông tin nêu trên, công tác kiểm tra chuyên ngành nói riêng và quản lý chuyên ngành nói chung sẽ được cải cách phù hợp đáp với nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như chủ động với các tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19. Từ đó, góp phần giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức, cá nhân và các chi phí xã hội cũng như giảm áp lực lên hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước hiện hành, tạo động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế./.​
Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang