Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 07:00

Thứ năm, 25/04/2024 | 07:00

Chính sách

Cập nhật lúc 10:58 ngày 18/05/2021

Cơ chế chính sách ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học

Theo thời gian, các cơ chế chính sách khoa học và công nghệ đã được cải thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo. Đó là cảm nhận chung của một số nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Đóng góp quan trọng vào nền kinh tế
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.
Khoa học và công nghệ đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế
“Một số điểm nổi bật có thể kể đến như: Xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu GII theo WIPO tăng 17 bậc; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế đạt 45,7%, tăng đáng kể so với mức 33,6% của giai đoạn 2011-2015; tăng năng suất lao động đạt 5,9%/năm, cũng cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn trước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nêu dẫn chứng cụ thể hơn, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho hay: KH&CN và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa nước ta trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Ví dụ như, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Thiếu tướng, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lạc Hồng - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự - chia sẻ: Đối với Học viện Kỹ thuật quân sự, chúng tôi có đội ngũ cán bộ khoa học rất hùng hậu, được đào tạo tương đối bài bản, có nhiệt huyết và trong giai đoạn vừa qua, với trí tuệ của mình đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm, phục vụ kinh tế quốc dân cũng như lĩnh vực khoa học quân sự. Chúng tôi, những người lính, những nhà khoa học quân đội sẽ đem hết tâm huyết của mình để nghiên cứu, phục vụ cho việc phát triển lĩnh vực KH&CN nước nhà tốt hơn.
“Tôi hy vọng, thời gian tới, với sự đầu tư của Nhà nước và xã hội, sự chung tay góp sức của các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân, cùng đội ngũ nhân lực có năng lực, trình độ, tâm huyết như hiện nay, sẽ ngày càng có thêm nhiều sản phẩm sáng tạo hơn nữa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh” - Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Lạc Hồng nói.
Theo TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Theo thời gian, các cơ chế chính sách KH&CN đã được cải thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Bộ KH&CN cũng như sự ủng hộ của xã hội đối với sự phát triển KH&CN nước nhà.
“Tôi hy vọng, với những thành tựu KH&CN trong thời gian qua không những giúp giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế xã hội, mà còn giúp tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia. Đồng thời, tăng cường năng lực KH&CN còn mở ra những cơ hội mới cho đất nước trước xu thế hội nhập” - TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu nhấn mạnh.
Khơi dậy đam mê nghiên cứu KH&CN
GS.TS. Vũ Thị Thu Hà - Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu, Bộ Công Thương - bày tỏ: Tôi nhận thấy lĩnh vực KH&CN ở nước ta đang ngày càng được quan tâm, thể hiện qua đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Khoa học công nghệ được xác định là “động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại” góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể của nước ta trong giai đoạn tới”. Chúng tôi tin tưởng rằng, ngành KH&CN sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp, thực sự đột phá để sử dụng một cách thực sự hiệu quả nguồn nhân lực KHCN quốc gia.
Theo GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp - Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu khoa học. Kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học thông qua các quỹ đầu tư phát triển khoa học cũng đã được quan tâm và tăng lên theo thời gian.
Đối với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán học dưới sự bảo trợ của Tổ chức giáo dục khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO), hàng năm đều được sự quan tâm của Nhà nước về kinh phí và cơ chế tổ chức. Ngày 12/5/2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện giữa Việt Nam và UNESCO về thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán học quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Hà Nội. “Với sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN, tôi tin rằng nền khoa học và công nghệ của Việt Nam ngày càng phát triển” - GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp khẳng định.
Đồng thời, GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp kỳ vọng, trong thời gian tới những nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng bám sát vào thực tiễn cuộc sống và phát triển sản xuất để giải quyết được ngày càng nhiều nhu cầu phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển sản xuất, văn hoá, giáo dục và tiến bộ xã hội của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang có bước phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.
Chứng kiến nhiều thành tựu ý nghĩa, thiết thực của KH&CN đặc biệt trong bối cảnh cả nước, toàn hệ thống chính trị quyết tâm, dốc sức phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo mục tiêu kép mà Đảng, Chính phủ đã đề ra, TS. Dương Tuấn Hưng, Trưởng phòng Hoá môi trường, Viện Hoá học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận định: Trong những năm qua, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 được ghi nhận và đề cập với không khí hào hứng, nhiều sự kiện, thông tin trao đổi liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp của chúng tôi. Điều đó cho thấy sự trân trọng và nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với vai trò của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Về phía doanh nghiệp, TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho rằng: Ngày 18/5 là ngày KH&CN Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng KH&CN Việt Nam nói chung cũng như những người tham gia hoạt động KH&CN làm việc tại các doanh nghiệp. Mong muốn của tôi cũng như nhiều anh em hiện làm việc trong các doanh nghiệp là Nhà nước cần nhiều hơn các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu và kết quả của KH&CN vào việc phát triển sản phẩm cũng như phát triển doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp KH&CN. Có như thế mới thể hiện rõ được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là KH&CN là đòn bẩy cho phát triển đất nước.
CEO Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam - ông Lê Anh Tiến - cho biết: Chúng tôi thấy rất vui khi nhìn thấy sự thay đổi tư duy của các đơn vị quản lý Nhà nước, với tinh thần hợp tác, tôn trọng, cầu thị, thẳng thắn và luôn vì mục tiêu chung của tổ chức. Đó chính là tinh thần hợp tác công tư mới mà những người khởi nghiệp công nghệ như chúng tôi luôn mong đợi. Ranh giới tư duy giữa quản lý Nhà nước, doanh nhân và nhà khoa học chỉ rút ngắn thông qua niềm tin, tôn trọng, thấu hiểu, mới thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả, đòn bẩy lớn để đẩy mạnh KH&CN phát triển nhanh hơn cũng như khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang