Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:23

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:23

Chính sách

Cập nhật lúc 07:45 ngày 27/05/2021

Chuyển đổi số: Cần cụ thể hóa chính sách vào thực tiễn

Việt Nam có rất nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số phát triển, nhưng vẫn thiếu những chương trình, hành động cụ thể để tạo ra những điển hình cụ thể. Đó là chia sẻ của TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương với phóng viên Báo Công Thương mới đây.
Xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số (CĐS) đang được đánh giá là xu hướng toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, “Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mọi người đang muốn giảm tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch, thì CĐS lại càng trở nên quan trọng hơn” – TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Cần cụ thể hóa chính sách, tạo ra những điển hình trong chuyển đổi số
Tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra rất nhiều chính sách nhằm thúc đẩy CĐS phát triển. Điển hình nhất là Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Quyết định đặt ra rất nhiều mục tiêu đến năm 2025 và 2030. Trong đó, đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công viêc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ tại cấp huyện và 60% cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% báo cáo cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối chia sẻ trên toàn quốc. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin cơ quan quản lý.
Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Các mục tiêu, chính sách đưa ra thì hấp dẫn, nhưng thực tế thực hiện thì vẫn chưa được như mong muốn. Chúng ta vẫn mới chỉ đưa ra những chính sách về CĐS, chứ chưa cụ thể hóa những chính sách đó để đưa vào thực tiễn các chương trình, hành động cụ thể, do đó chưa tạo ra được những điển hình cụ thể, những bài học thực tiễn để các doanh nghiệp học tập, làm theo.
Cần sự quyết tâm cao
Để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 theo Quyết định 749/QĐ-TTg đề ra. Đồng thời, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, Chỉ số đổi mới sáng tạo và Chỉ số cạnh tranh, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần cụ thể hóa những chính sách, sớm đưa chúng vào thực tiễn, nhằm tạo ra những điển hình mới trong phong trào CĐS.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để CĐS thành công phải thay đổi nhận thức, bởi nhận thức đóng vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của CĐS. Cùng với đó, khuyến nghị mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình CĐS trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để thúc đẩy CĐS diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế.
Đồng quan điểm với vấn đề trên, TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) – cho rằng: Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng CĐS thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế của mỗi quốc gia. Theo đó, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy CĐS phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng vào thực tiễn.
Còn bản thân mỗi doanh nghiệp, để CĐS thành công phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo. Cùng với đó, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi.
Kết quả khảo sát hơn 400 doanh nghiệp của VCCI vào năm 2020 cho thấy, 50,9% doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ trước khi có dịch Covid-19 bùng phát.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang