Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 07/09/2024 | 23:49

Thứ bảy, 07/09/2024 | 23:49

Chính sách

Cập nhật lúc 08:14 ngày 13/05/2024

Khai thác tối đa thế mạnh các bên nhằm tăng hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ

Chiều ngày 9/5/2024, Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Sơ kết Chương trình phối hợp công tác về hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và định hướng giai đoạn 2024-2030. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và chủ trì buổi Sơ kết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và chủ trì buổi Sơ kết
Đây là Chương trình phối hợp số 1492/CTPH-BCT-VHL ký ngày 17 tháng 3 năm 2023 giữa Bộ Công Thương (MOIT) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030 (Gọi tắt là chương trình 1492). Hai cơ quan đầu mối là Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương và Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chương trình phối hợp số 1492 giữa Bộ Công Thương (MOIT) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030 
Một năm phê duyệt 05 nhiệm vụ mở mới về khoa học và công nghệ
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng Kế hoạch 2024, Bộ Công Thương đã nhận được 11 đề xuất từ phía Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Sau khi được các Hội đồng chuyên môn xem xét, Bộ Công Thương đã đưa vào Kế hoạch Khoa học và Công nghệ năm 2024 của Bộ 05 nhiệm vụ (04 nhiệm vụ lĩnh vực công nghệ sinh học và 01 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực vật liệu). 05 nhiệm vụ đã phê duyệt nội dung, kinh phí, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhưng chưa có kinh phí giao thực hiện.
Dự kiến thực hiện giai đoạn 2024 – 2025, tổng kinh phí từ NSNN là 19.570 triệu đồng. Đối với các nhiệm vụ này, dự kiến khi Bộ có nguồn kinh phí bổ sung sẽ được rà soát, cân đối và phân bổ theo quy định. Trong 05 nhiệm vụ, có 01 Dự án sản xuất thử nghiệm; 04/05 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học; 01 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu. Đây cũng những nhiệm vụ nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên Chương trình phối hợp của 02 đơn vị. Dự kiến kết quả thực hiện nhiệm vụ đều có tính ứng dụng cao trong các doanh nghiệp của ngành Công Thương.
Ngoài ra, MOIT tiếp tục giao VAST thực hiện 03 nhiệm vụ đã được ký kết từ năm 2022; với tổng kinh phí là 11,73 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2022-2024. Đây đều là các đề tài nghiên cứu triển khai (R&D) thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học (02 nhiệm vụ) và công nghệ vật liệu (01) nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, VAST đã tích cực tham gia công tác góp ý các văn bản quy định của MOIT như Quy chế quản lý nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ của MOIT nhằm thay thế Thông tư 50/2014, Thông tư thay thế các Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa (SPHH) nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của MOIT… Đồng thời, giới thiệu các chuyên gia có trình độ, uy tín để tư vấn hoặc tham gia các Hội đồng Khoa học và Công nghệ của MOIT. Mặt khác, phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông trên các website chính thống của hai đơn vị.
Vụ trưởng Lý Quốc Hùng đánh giá, Sau khi Chương trình được ký kết, hai đơn vị đã nhanh chóng thiết lập được kênh trao đổi, cung cấp thông tin. Tuy vậy, Bộ Công Thương thấy rằng việc triển khai còn chưa như kỳ vọng. Nội dung triển khai mới tập trung chủ yếu vào việc phối hợp nghiên cứu đề xuất, đặt hàng và triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ trong các ngành, lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Một số các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ đặt hàng cụ thể chưa được phía VAST nghiên cứu, tư vấn, đề xuất việc triển khai.
Ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương báo cáo về tính hình phối hợp giữa hai bên
Do đó, qua buổi làm việc này, hai bên cần có những trao đổi, thảo luận để thống nhất những nhiệm vụ ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Khai thác tối đa thế mạnh của mỗi bên
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ VAST cho biết, phía VAST đánh giá cao sự hỗ trợ của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong hơn một năm qua kể từ khi Chương trình 1492 được ký kết triển khai giữa hai bên.
Về phía VAST, qua quá trình làm việc, cũng mong muốn trong giai đoạn 2024-2025, các nhiệm vụ nghiên cứu sẽ tập trung vào khai thác thế mạnh nghiên cứu công nghệ cao của VAST.
Hàng năm, Bộ Công Thương xem xét đặt hàng Viện Hàn lâm cung cấp các Báo cáo phân tích, đánh giá xu hướng kỹ thuật - công nghệ tiên tiến trên thế giới trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, triển khai thử nghiệm ngay từ năm 2025; Hai bên tăng cường việc tổ chức kết nối các viện, trường, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương với các đơn vị trực thuộc VAST để các đơn vị phối hợp đề xuất, triển khai các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ chung nhằm thực hiện Chương trình phối hợp số 1492.
Trong năm 2024, dự kiến phối hợp triển khai ít nhất 01 Hội nghị nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá thành tựu, sản phẩm Khoa học và Công nghệ của VAST cũng như các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Công Thương; Hai bên cùng phối hợp xây dựng một số định hướng nghiên cứu (cụm nhiệm vụ) có tính chất tập trung giải quyết toàn diện, tận gốc những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của ngành Công Thương giai đoạn hiện nay, trên cơ sở:
- Khai thác thế mạnh nghiên cứu công nghệ cao của VAST, rà soát tính trùng lặp với các công trình/cụm công trình do Bộ Công Thương, VAST quản lý và các Chương trình khác có liên quan.
- Công nghệ hoặc sản phẩm công nghệ đề xuất khả thi khi ứng dụng tại doanh nghiệp và hướng tới theo nhu cầu của doanh nghiệp.
- Sản phẩm đề xuất kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ VAST báo cáo về định hướng phối hợp của các bên trong thời gian tới
Một số lĩnh vực, cụm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển và làm chủ công nghệ chế biến sâu khoáng sản đất hiếm để đạt được sản phẩm là nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO); Công nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp thực phẩm; Công nghệ vật liệu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ô tô, chế biến chế tạo; Ứng dụng công nghệ vũ trụ cho ngành Công Thương; Ứng dụng công nghệ môi trường - năng lượng.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn VAST, GS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Viện đã tổ chức buổi làm việc hết sức chu đáo. Thứ trưởng khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng cốt lõi cho quá trình tái cơ cấu chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu của ngành Công Thương. Do đó, việc ký kết và triển khai Chương trình 1492 được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến mới trong hợp tác giữa hai đơn vị, cũng như tạo cú hích cho kết quả triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương. Qua buổi làm việc và qua trao đổi thảo luận giữa các đơn vị hai bên, có thể thấy, về cơ bản các hoạt động triển khai trong Chương trình 1492 đang đi đúng hướng, tuy nhiên các kết quả chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai đơn vị.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị hai đơn vị được giao đầu mối nhanh chóng rà soát, cụ thể hóa các đề xuất trong buổi làm việc này thành Kế hoạch thực hiện của năm 2024 và đề xuất ngay nội dung của năm 2025. Trong thời gian tới, hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tập trung vào việc kết nối, chia sẻ thông tin, gắn với ứng dụng dn, đa dạng dưới nhiều hình thức để khai thác, tận dụng tối đa thế mạnh và tiềm lực của các bên. Bên cạnh đó, cố gắng 3 tháng đến 6 tháng/lần hai bên cần gặp gỡ, trao đổi thảo luận lại công việc, vướng đến đâu tháo gỡ đến đó, nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho sự phối hợp.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chúc mừng các nhà khoa học có mặt tại buổi làm việc lời chú mừng nhân ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5 sắp tới, chúc sự hợp tác giữa Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng, ý nghĩa, đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương trong giai đoạn tới.
Nguồn: Tạp chí Công Thương
Tag:
lên đầu trang