Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:02

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:02

Chính sách

Cập nhật lúc 10:24 ngày 03/06/2021

Kiến tạo môi trường thuận lợi phát triển khoa học và công nghệ

Trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào muốn phát triển đột phá cũng phải có khoa học và công nghệ đóng vai trò dẫn dắt. Theo đó, cần kiến tạo môi trường thuận lợi với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội
Thời gian vừa qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%, riêng năm 2020 tăng 45% so với năm 2019. Một số lĩnh vực như toán học, vật lý, hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực có khoảng 72.290 cán bộ nghiên cứu, nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận.
Các kỹ sư Viettel đã làm chủ nhiều công nghệ lõi (Ảnh: Quỳnh Nga)
Bên cạnh đó, KH&CN ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020 (vượt mục tiêu 35%). Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Nguồn lực tài chính từ xã hội cho KH&CN tăng mạnh, nếu 10 năm trước chủ yếu dựa vào ngân sách (chiếm 70 - 80%) thì nay đầu tư từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng 52% và 48%.
Nhận định về những đóng góp của ngành KH&CN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Trong những năm qua, lực lượng KH&CN đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết và tâm sức để đưa nền KH&CN nước nhà phát triển, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự thâm nhập ngày càng tăng của KH&CN vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội, lực lượng KH&CN đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được người dân và xã hội ghi nhận và đánh giá cao” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay: KH&CN và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa nước ta trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Ví dụ như, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN
Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng coi phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào KH&CN và đổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp mới và đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời. Lực lượng KH&CN cần trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết được các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ về đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, tạo xung lực cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Để làm được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ, chung tay của toàn xã hội, cần sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng KH&CN. “Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Theo Bộ Công Thương, để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực hiện đúng vai trò của mình, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy chiến lược và tổ chức thực hiện. Đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống chính sách hướng tới phục vụ đổi mới sáng tạo, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN; đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt ưu tiên hoạt động nghiên cứu ứng dụng với chính sách “bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các DN sản xuất, hình thành nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, thu hút và phát triển nhân tài… chính là những giải pháp cốt lõi trong phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công và thực tiễn nước ta, trong giai đoạn tới, để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, 6 phương hướng trọng tâm ngành KH&CN cần tập trung đó là: Hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung cho đổi mới công nghệ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Trong đó, phải đổi mới thực sự cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát. Xây dựng, tổ chức thực hiện từ 1 đến 2 chương trình, dự án phát triển công nghệ lớn, có tầm vóc, với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có cơ chế thu hút đa dạng nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…
Theo: Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang