Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 15:14

Thứ bảy, 11/05/2024 | 15:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:03 ngày 21/06/2021

Doanh nghiệp công nghệ số: Nhân tố quan trọng tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế

Sự thành công của các nền tảng số "Make in Vietnam" trong thời gian qua là minh chứng cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc phát triển lực lượng doanh nghiệp này được coi là nhân tố rất quan trọng để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Sự vươn lên của nền tảng “Make in Vietnam”
Vào thời điểm năm 2013 - tương ứng 8 năm trước, thị trường công cụ tìm kiếm tại Việt Nam nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung được coi là “sân chơi” của các ông lớn như Google, FireFox, Internet Explorer... Chính vì vậy, Cốc Cốc đã từng được coi là “kẻ điên”, “châu chấu đá xe” khi quyết định xây dựng và phát triển một công cụ tìm kiếm trong hoàn cảnh ấy.
Việt Nam hiện có trên 58.000 doanh nghiệp công nghệ số (Ảnh: Quỳnh Nga)
Tuy nhiên, với sự phát triển và nỗ lực không ngừng nghỉ của “người tìm đường”, Cốc Cốc đã chinh phục được người sự yêu thích của người dùng Việt khi thực sự hiểu được người Việt cần gì và muốn gì. Cốc Cốc hiện có hơn 25 triệu người dùng và lọt top 2 trình duyệt và công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Một nền tảng số có tốc độ phát triển nhanh và mạnh khác là Momo - dịch vụ ví điện tử tiếp cận hơn 10 triệu người dùng (năm 2018) và thành công gọi vốn trị giá trị hơn 100 triệu USD từ Warburg Pincus, đồng thời lọt top 100 công ty công nghệ tài chính lớn nhất toàn cầu. Tương tự, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud đã có mặt tại 5 quốc gia và là nền tảng quản lý và kinh doanh du lịch có thị phần số 1 Việt Nam với hơn 6.000 khách hàng.
Hay, nền tảng akaBot - giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện cho doanh nghiệp với các “trợ lý robot ảo” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, được phát triển bởi Tập đoàn FPT, đã có khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan. Trong đó, có thể đến các khách hàng lớn như: Thinkpower, HSBC, Panasonic, TPBank, Mizuho...
Qua quá trình triển khai trong nhà máy của nhiều doanh nghiệp lớn như: Vinfast, Nippon Steel Spiral Pipe Việt Nam, Sumitomo Heavy Industries Việt Nam… nền tảng điều phối và quản lý sản xuất theo thời gian thực - akaMES của FPT đã cho thấy là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý, triển khai và vận hành hệ thống như giúp cải tiến 100% quá trình tái sử dụng nguyên vật liệu, giảm 5% tiêu thụ nhiên liệu trong sản xuất…
Đó là những chứng minh cụ thể cho thấy, Việt Nam đang sở hữu những doanh nghiệp công nghệ sáng giá với các sản phẩm, giải pháp công nghệ có chất lượng tốt, không thua kém các nền tảng nước ngoài. Theo thống kê, hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp công nghệ số và với sự phát triển mạnh mẽ này mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số có thể đạt được vào năm 2025.
Giải quyết tốt nhất các "bài toán" Việt Nam
Hiện nay, “Make in Vienam” đã trở thành một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam, thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.
Nhận định “Make in Vietnam” sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp cho Việt Nam phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
"Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Vietnam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia" - người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt biệt là những doanh nghiệp công nghệ số mang tính đổi mới sáng tạo là nhân tố rất quan trọng để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Nhưng trong quá trình này, việc tìm được thị trường để các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển lại là điều khó khăn nhất.
Chỉ khi có thị trường thì mới có công nghệ, mới có doanh nghiệp, từ đó mới tạo ra các sản phẩm tốt. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông muốn tìm cách đưa ra các bài toán, tìm ra các “nỗi đau” của xã hội, tìm ra những thách thức hiện nay để từ đó định hướng, dẫn dắt và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp cùng giải quyết bài toán đấy.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Hiện nay, trên thị trường có vô số nền tảng số nước ngoài, vốn đã phát triển rất mạnh với công nghệ cao. Nhưng lý do chúng ta cần thúc đẩy phát triển những nền tảng số trong nước là bởi người Việt Nam cũng có những nhu cầu mà chỉ riêng người Việt Nam mới có, không giống với người dân các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ…
“Chỉ khi có nền tảng số “Make in Vietnam” thì người Việt Nam mới làm chủ được thị trường, giải quyết các nhu cầu nhanh, theo ý mình. Nền tảng số cũng được coi là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng lưu ý: Công cuộc chuyển đổi số chỉ thành công nếu thu hút được sự tham gia của toàn dân. Để làm được điều này, công nghệ số bắt buộc phải dễ sử dụng, ai cũng có thể dùng được, ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể tiếp cận được
Covid-19 tác động lên xã hội, làm thay đổi hành vi của mọi người. Trong quá khứ, mọi người có thể làm việc tập trung, nhưng giờ đây tất cả đều phải chuyển sang làm việc từ xa, phải phân tán. Chúng ta phải tận dụng thời cơ này, tận dụng sự thay đổi thói quen của người dùng để thúc đẩy công nghệ số và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa phát động Cuộc thi tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia (Viet Solutions 2021). “Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm công nghệ tham gia cuộc thi nên là lời giải cho những bài toán lớn hơn. Điển hình như làm sao để chuyển đổi số cho cả 5 triệu hộ kinh doanh và làm sao để 9 triệu hộ nông dân sớm thoát nghèo bằng công nghệ” - ông Dũng thông tin thêm.
Theo: Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang