Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 11:12

Thứ năm, 09/05/2024 | 11:12

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:16 ngày 21/06/2021

Cần nhìn đúng hơn về ngành hóa chất

Trong nhiều chuyến công tác về địa phương, tôi nhận thấy đa số các địa phương "trải thảm đỏ" chào đón các nhà đầu tư, nhưng lại cương quyết "lắc đầu" đối với đầu tư ngành hóa chất vì cho rằng hủy hoại môi trường. Điều này khiến người làm báo như tôi trăn trở và muốn tìm câu trả lời.
Nản lòng các nhà đầu tư có thiện ý
Tôi đã mang những trăn trở này chia sẻ với ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Thanh bày tỏ, nhiều địa phương đã đặt "barie" hạn chế đầu tư đặc biệt đối với lĩnh vực hóa chất. "Những quan niệm này gây khó khăn cho các nhà đầu tư, cản trở sự phát triển của công nghiệp hóa chất, trong khi đây là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, làm tiền đề hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp cũng như cung cấp các sản phẩm thiết yếu quan trọng khác"- ông Nguyễn Văn Thanh bộc bạch.
Là một doanh nghiệp hóa chất có quy mô lớn, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang - cho hay, Tập đoàn có nhà máy ở Đức Giang, mất 5 – 6 năm nay mới di chuyển xuống khu công nghiệp Phố Nối B - Hưng Yên được vì cứ nghe sản xuất hóa chất là không đâu nhận. "Chúng ta làm hóa chất, dù có nguy hại nhưng có thể khống chế được chứ không có hóa chất thì ta làm được gì? Phốt pho quan trọng trong ngành điện tử và càng trở nên cần thiết hơn với sự phát triển của công nghệ 5G. Sản phẩm của công ty cũng thiết yếu đối với ngành nông nghiệp, với các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu - ông Huyền nói.
Hóa chất là sản phẩm thiết yếu đối với nhiều ngành công nghiệp
Cũng trong một chuyến công tác tại Lào Cai, tại buổi làm việc với doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, tại thời điểm này, đầu tư các dự án công nghiệp hóa chất với công nghệ mới có thể giảm thiểu đến tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Luật Môi trường và quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về môi trường thế giới.
Xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "ngành điện, năng lượng, hóa chất phải là ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển công nghiệp". Đây thật sự là thông điệp đáng mừng mở lối cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển.
Khi tôi viết về những "điểm nghẽn" trong phát triển công nghiệp hóa chất, tôi vui mừng đón nhận những thông tin tốt và suy nghĩ tích cực của một số địa phương. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa được ví như "một Việt Nam thu nhỏ", là một điểm đến tin cậy, hấp dẫn còn bởi sự cải thiện không ngừng của môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện và minh bạch. Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện nay, được coi là cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ và Nam bộ, với chức năng khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản.
Gần 20 năm gắn bó với nghề báo, tôi càng hiểu rằng, công việc chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những nỗi niềm trăn trở đối với công việc mà mình đang gắn bó. Tôi tự hào vì đã viết những điều chân thành, giản dị nhưng góp phần bé nhỏ vào "điểm nghẽn" trong phát triển công nghiệp hóa chất với hàng loạt bài viết và Tọa đàm đối thoại chính sách của Báo Công Thương như: "Khơi thông "điểm nghẽn" để công nghiệp hóa chất phát triển bền vững"; "Xây dựng ngành hóa chất thân thiện với môi trường"…
Cùng với nỗ lực của báo chí, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cũng quyết tâm thể hiện rất rõ khi ông khẳng định, tới đây, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường, thu hút được các nhà đầu tư hóa chất lớn, nhưng đồng thời phải theo hướng bền vững, tránh rủi ro.
Bước chân vào nghề báo, với tôi mỗi chuyến đi công tác là một sự trải nghiệm thực tế của cuộc sống, không chỉ giúp phóng viên "lớn lên" mà còn thay đổi cả một cách nhìn nhận mới mẻ.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang