Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 15:48

Thứ tư, 01/05/2024 | 15:48

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:13 ngày 30/06/2021

Doanh nghiệp tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại

Công nghệ hiện đại đang trở thành yếu tố quyết định cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ câu chuyện thực tế của các doanh nghiệp đã cho thấy chỉ có đầu tư vào công nghệ, doanh nghiệp mới phát triển nhanh và bền vững.
“Sóng” đầu tư vào công nghệ
Từ một nhà máy sản xuất nhỏ, đến nay Tôn Đông Á đã trở thành một doanh nghiệp sản xuất lớn ở Việt Nam. Sự chuyển mình đó dựa trên quyết tâm cao của ban lãnh đạo công ty trong việc đầu tư những dây chuyền thiết bị hiện đại tiên tiến nhất thế giới. Việc đầu tư được chia theo nhiều giai đoạn và gần đây nhất công ty này đã đầu tư hơn 150 triệu USD cho đổi mới toàn bộ thiết bị công nghệ.
Đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh (Ảnh: Quỳnh Nga)
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì đầu tư công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Việc đầu tư công nghệ sẽ giúp sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu toàn cầu” - ông Hồ Song Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Tôn Đông Á chia sẻ với phóng viên Kinh tế Việt Nam.
Không chỉ có Tôn Đông Á, mỗi năm Xuân Hòa đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhập khẩu máy móc hiện đại từ các nước G7 như robot hàn tự động Panasonic (Nhật Bản), máy đột dập liên hoàn Amada (Nhật Bản), máy uốn gấp thép mỏng Salvagnini (Italy) để tạo ra những chiếc tủ sắt văn phòng và gia đình. Hệ thống máy cắt, khoan phay, dán nẹp gỗ công nghiệp SCM (Italy) hay máy dán cạnh gỗ công nghiệp không viền công nghệ Slimline của hãng Biesse (Italy) cho ra đời các sản phẩm nội thất gỗ văn phòng, biệt thự, chung cư, khách sạn có tính thẩm mỹ và độ bền cao.
Thành quả của nỗ lực này đó là sản phẩm nội thất Xuân Hòa không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra quốc tế. Doanh thu từ các thị trường truyền thống như Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng trưởng đều đặn từ 25-30% mỗi năm. Năm 2020, Xuân Hòa lần đầu tiên chinh phục thị trường Mỹ, Canada với lô 1.000 chiếc tủ chậu rửa ngoài trời, đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe mà thị trường này yêu cầu.
Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức, với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đã đầu tư đồng bộ mới 100% dây chuyền công nghệ sản xuất thép và được đánh giá là hiện đại, tiên tiến bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đây còn là dây chuyền duy nhất tại Việt Nam trang bị máy cắt phôi nhằm tiết giảm nhân công, thời gian, tiêu hao và chi phí trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm của Việt Đức đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Canada, EU...
Những câu chuyện trên chỉ là một trong số minh chứng cho thấy, đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những phương pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang bùng nổ, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu kịp thời chuyển mình hướng đến một nền sản xuất hiện đại, thông minh.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, cơ cấu chi cho KH&CN đã có sự thay đổi theo xu hướng tích cực: Chi từ ngân sách nhà nước là 52%; từ doanh nghiệp tăng lên 48% (trước đây tỷ lệ này là 70/30). Điều này cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc đầu tư cho KH&CN ngày càng tăng lên.
Tạo cú huých cho doanh nghiệp trong 4.0
Là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Giám đốc mảng ứng dụng Oracle Việt Nam nhận định: Với góc nhìn mới, khách hàng của chúng tôi đang nhìn nhận các khoản đầu tư cho công nghệ như cách để doanh nghiệp có thể đứng vững, chuyển đổi số mạnh mẽ, thích ứng và sẵn sàng nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới trong bối cảnh hiện nay. Dự kiến, những tháng tới đây, nền kinh tế số sẽ trở thành nền kinh tế trọng điểm và các công ty công nghệ sẽ đóng vai trò là những “cố vấn” đáng tin cậy cho các doanh nghiệp.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng: Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp khá lớn. Các doanh nghiệp bây giờ đã hiểu rằng, để có thể ra sản phẩm tốt, cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động phải bằng công nghệ. Đặc biệt, dưới sức ép từ việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, vì không còn có thể tận dụng những thế mạnh khác như đất đai, lao động rẻ…
Với vai trò là cơ quan được giao làm đầu mối tham mưu giúp Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ KH&CN đã tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành những cơ chế chính sách quan trọng về chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; thành lập và đảm bảo hoạt động của Tổ công tác của Bộ làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, hướng dẫn cũng như phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chỉ thị.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25. Sau 02 năm triển khai, Chương trình đã tiếp nhận được 200 đề xuất và tổ chức lực chọn, xét duyệt thực hiện trên 20 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, thăm dò dầu khí...
Đồng thời, để chủ động kịp thời thích ứng với các tác động của CMCN 4.0, Bộ KH&CN đã chủ động làm việc với một số bộ, ngành, hiệp hội như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày để phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến các ngành, lĩnh vực từ đó đề xuất các định hướng, chiến lược và chính sách cũng như lựa chọn các công nghệ của các các ngành, lĩnh vực trong thời gian tới.
Ngoài ra, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) đã được thành lập tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là nền tảng để đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam, giúp nhận diện tiềm năng kinh tế xã hội to lớn thông qua các lợi ích mang tính bền vững của việc số hoá và chuyển đổi các ngành công nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology cho hay: Để triển khai công nghệ mới trong bối cảnh CMCN 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều vướng mắc về năng lực tài chính và hạ tầng sản xuất. Tuy nhiên, qua làm việc với Bộ KH&CN, chúng tôi nhận thấy Bộ đã có những quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp như Quỹ đổi mới công nghệ, có thể hỗ trợ 30-40% chi phí liên quan đến việc đầu tư công nghệ. Đó là một trong những chính sách đã tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cấp công nghệ sản xuất nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh.
Theo: Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang