Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 08:47

Thứ hai, 06/05/2024 | 08:47

Tin KHCN

Cập nhật lúc 18:26 ngày 29/06/2021

Tối ưu hóa các nhà máy thủy điện

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, giá rẻ, có thể huy động ngay tức thì để lấp chỗ trống khi năng lượng tái tạo (NLTT) gặp khó khăn bởi yếu tố thời tiết. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng cần sớm có chính sách nâng công suất một số nhà máy thủy điện hiện hữu.
Nhiều giá trị
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1) - cho biết, các nguồn phát điện chủ yếu hiện nay trong hệ thống điện Việt Nam là từ các nhà máy nhiệt điện than, khí và các nhà máy thủy điện. Trong bối cảnh các nguồn điện than, khí dần phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu thì thủy điện nếu được chú trọng đầu tư khai thác sẽ hoàn toàn trở thành nguồn năng lượng quan trọng cung cấp điện cho cả hệ thống. Năm 2018, sản lượng thủy điện đóng góp đáng kể vào hệ thống điện, chiếm đến khoảng 47%, năm 2019 chiếm hơn 41%.
Các nhà máy thủy điện cần phát huy vai trò phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải và dự phòng công suất sự cố
Thủy điện cũng là nguồn NLTT nên chi phí vận hành thường thấp, góp phần quan trọng vào việc giảm giá phát điện của hệ thống. Hiện nay, giá thành sản xuất điện từ thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giá trị của việc mở rộng các công trình thủy điện không phải nằm ở sản lượng điện năng tăng thêm do nâng công suất mà ở giá trị công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh hoặc hỗ trợ hệ thống điện một cách nhanh nhất. Cùng với đó là hiệu quả kinh tế thể hiện qua sản lượng điện thu được từ việc nâng công suất có thể chuyển đổi phương thức sử dụng từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm. Mọi giá trị kinh tế khác như, điều tần, ổn định điện áp… của các nhà máy thủy điện hiện vẫn chưa được tính đến.
Hiện nay, công suất thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam đạt khoảng 20.000 MW, chiếm khoảng 37%, do đó vai trò của thủy điện ngoài việc phủ đỉnh và điều tần còn cung cấp năng lượng cho phần thân của biểu đồ phụ tải.
Cần hành lang pháp lý
Hiện nay, các nhà máy thủy điện đang khai thác theo chỉ tiêu kinh tế của những năm trước đây với số giờ sử dụng công suất khoảng 4.000h/năm. Chỉ số này đến nay không còn phù hợp do cơ cấu nguồn điện và giá thành điện năng trong hệ thống điện cũng đã thay đổi. Do đó, nếu vẫn giữ nguyên số giờ sử dụng công suất như cũ sẽ gây lãng phí nguồn năng lượng sạch hiện có và không phát huy được thế mạnh của thủy điện là nâng cao chất lượng điện, mang lại hiệu quả chung cho hệ thống điện.
Theo ông Chỉnh, ở một số quốc gia trên thế giới, số giờ khai thác kinh tế cho thủy điện vào khoảng từ 2.500-3.000h/năm tùy thuộc vào tính chất và cơ cấu nguồn điện. Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 của Việt Nam, thủy điện chỉ chiếm tỷ trọng gần 20% trong hệ thống điện. Như vậy, các nhà máy thủy điện ngày càng chuyển dịch thời gian vận hành vào đỉnh của biểu đồ phụ tải (giảm thời gian chạy, tăng công suất) để phát huy lợi thế, còn các nguồn nhiệt điện sẽ đảm nhận phần chạy đáy.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả và có cơ sở thực hiện, một số ý kiến cho rằng, cần có hành lang pháp lý về giá điện cho giờ cao điểm, thấp điểm đối với các thủy điện lớn một cách phù hợp, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khả thi.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1):
Trong cơ cấu nguồn điện tương lai, vai trò của các nhà máy thủy điện cần được xác định lại trong hệ thống điện theo hướng đảm nhận vai trò phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và dự phòng công suất sự cố (cho các nguồn điện mặt trời) phát huy ưu thế của thủy điện, góp phần bảo vệ môi trường do giảm chất thải rắn từ việc sử dụng thiết bị lưu trữ điện NLTT.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang