Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 23:05

Thứ ba, 30/04/2024 | 23:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:30 ngày 07/07/2021

Cú huých cho sự phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang có sự phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những công nghệ then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động tại Việt Nam.
Ngày 5/7, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chương trình Aus4Innovation, Câu lạc bộ khoa - trường - viện công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (FISU) và Báo Vnexpress tổ chức tọa đàm trực tuyến: Hạ tầng dữ liệu và tính toán, nhằm bàn giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (ở giữa) phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: AI đang được quan tâm trên toàn thế giới, là một vấn đề có thể thay đổi sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Chiến lược đưa ra nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, tạo ra cú huých cho sự phát triển AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng: Để thực hiện chiến lược, những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, cơ sở dữ liệu cần xây dựng đồng bộ với hạ tầng tính toán, các máy tính có khả năng tính toán lớn cũng như đào tạo các kỹ thuật viên, để có thể xử lý các bài toán dữ liệu lớn. Đồng thời, triển khai từng bước cụ thể, từ làm rõ các khái niệm đến cách thức tính toán lớn của Việt Nam, cũng như chia sẻ những hạ tầng tính toán một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá cho chiến lược này, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì triển khai chuỗi tọa đàm về AI gồm 5 chuyên đề. Hạ tầng dữ liệu và tính toán là chuyên đề đầu tiên. Các tọa đàm tiếp theo là: Đào tạo nhân lực AI; nghiên cứu phát triển; ứng dụng AI và xây dựng cộng đồng AI.
GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng thí nghiệm mục tiêu AI, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Hạ tầng dữ liệu và tính toán được xem là một trong các trụ cột quan trọng để Việt Nam có thể nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI. Theo đó, việc hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thu thập, làm sạch dữ liệu cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu, hạ tầng tính toán sẽ giúp các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ tận dụng, phát huy được năng lực của mỗi bên.
Ở góc độ doanh nghiệp nghiên cứu, Tiến sĩ Võ Sỹ Nam - Trưởng phòng Tin Y sinh ứng dụng, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData chia sẻ, ông đang cùng cộng sự nghiên cứu và phát triển các hệ thống phân tích và chú giải dữ liệu y sinh học quy mô lớn cũng như các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh và tác dụng phụ của thuốc nhằm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Một trong số các dự án Tiến sĩ Nam cùng đội ngũ đang thực hiện có hệ thống quản lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu y sinh học VinGen Data Portal đã được công bố từ tháng 12/2020. Hệ thống hiện đang lưu trữ hơn 1200 terabyte dữ liệu của gần 5.000 mẫu sinh học từ dự án giải mã 1.000 hệ gene người Việt và các dự án giải mã gene khác tại VinBigdata.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh cho hay: Chúng tôi đã và đang tích hợp và vận hành một số hệ thống tính toán lớn tại Việt Nam cho các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, tin sinh học, phân tích dữ liệu và phát triển vật liệu mới. Đặc biệt, vận hành chương trình hỗ trợ hạ tầng tính toán cho các nhóm nghiên cứu mạnh về AI đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang