Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 02:26

Thứ sáu, 03/05/2024 | 02:26

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:54 ngày 06/09/2016

Ứng dụng Lean trong hoạt động doanh nghiệp Việt Nam

Ứng dụng “Lean” trong kinh doanh - sản xuất tại nhiều DN Việt Nam trong bối cảnh thị trường mở rộng, cạnh tranh nhiều hơn, và nền kinh tế chuyển giao từ việc dựa vào nguồn lao động giá cạnh tranh hướng đến nền kinh tế hiệu quả, đã và đang được cộng đồng DN quan tâm.

Ứng dụng Lean làm tăng hiệu quả phục vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN

Thuật ngữ "Lean” lần đầu xuất hiện năm 1990 tại Việt Nam, với nghĩa phổ biến là sản xuất tinh gọn, sản xuất tiết kiệm, liên tục cải tiến các quy trình sản xuất - kinh doanh... nó được áp dụng rất nhiều trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may, điện - điện tử...

Ông Julien Brun, Tổng giám đốc CEL Consulting cho biết, Lean rất phổ biến trong lĩnh vực sản xuất những năm gần đây. Lean được các DN ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như Lean Production - giúp các DN tìm ra và loại bỏ những khâu sản xuất thừa trong công việc, để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; Lean Hospitals (Lean trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe - khám chữa bệnh), Lean Banking (Lean trong dịch vụ ngân hàng - tài chính), hay Lean Office (mở rộng ứng dụng vào các phòng ban chức năng của DN...

Qua thực tế làm việc với các DN Việt Nam, ông Pieter Pennings - Giám đốc Phụ trách Chương trình hỗ trợ DN vừa - nhỏ Việt Nam tại Vietnam Supply Chain cho biết, hầu hết DN mong muốn rất nhiều kết quả khi triển khai Lean nhưng thật sự chỉ có khoảng 2% DN thành công trong triển khai và số còn lại đa phần đều cảm thấy “mệt mỏi” và chưa đạt được hiệu quả Lean như mong muốn.

Toyota Bến Thành là câu chuyện về ứng dụng Lean thành công ở Việt Nam được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Đây là một trong những trung tâm dịch vụ bảo trì hàng đầu của Toyota tại Việt Nam. Nhờ áp dụng Lean, Toyota Bến Thành đã rút ngắn được hơn ba phần tư thời gian bảo trì định kỳ cho một chiếc xe, từ 240 phút xuống còn khoảng 50 phút. Để cắt giảm lượng thời gian thừa này, Toyota Bến Thành nghiên cứu lại việc sắp xếp chỗ đứng của công nhân trong thao tác để có thể hỗ trợ nhau nhiều hơn, ít mất thời gian di chuyển hơn; sắp đặt lại dụng cụ theo từng thao tác phù hợp để công nhân sử dụng được thời gian tối ưu trong việc lựa chọn dụng cụ làm việc; trang bị thêm các thiết bị chuyên dùng và huấn luyện công nhân sử dụng thành thạo các thiết bị này…

Sẽ không đạt hiệu quả khi nhiều chương trình triển khai Lean thường hướng DN tới việc “làm đẹp, hay thay đổi hình thức cho đẹp – sáng – sạch hơn” bằng việc đầu tư vào các công cụ hình ảnh, biểu mẫu, trang trí không gian làm việc thay vì là đi vào thay đổi cốt lõi hướng đến mục tiêu kinh doanh của DN. Một điểm nữa diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam là việc DN ứng dụng Lean theo phong trào “nhà nhà làm Lean, người người làm Lean” mà DN thật sự chưa hiểu tường tận về Lean nên không thể áp dụng Lean cho toàn hệ thống, hoặc chỉ dừng việc triển khai Lean ở mức sao chép DN khác mà thiếu suy nghĩ cho phù hợp với đặc điểm tình hình DN như thay đổi layout mặt bằng sản xuất kinh doanh, sao chép toàn bộ biểu mẫu, công cụ...

Ông Đặng Hoàng Vũ - Quản lý điều hành tại Spiral Consulting với hơn 10 năm kinh nghiệm ứng dụng Lean tại Việt Nam chia sẻ, trên thực tế triển khai, hiệu quả lại không như mong đợi do yếu tố chủ quan lẫn khách quan như: DN thiếu sự kiên trì, không đặt ra mục tiêu từng giai đoạn, mục tiêu không cụ thể, thiếu sự cam kết, tư duy cũ, không hoặc khó chấp nhận cái mới, sự thay đổi… Nguyên tắc chủ đạo của Lean là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Lãng phí ở đây được hiểu là tất cả các hoạt động của DN không giúp tạo ra giá trị mong muốn cho khách hàng.

Theo baocongthuong.com.vn 

lên đầu trang